Việc khôi phục bộ xương cá voi này nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của cư dân trên đảo; đồng thời tạo điểm nhất thu hút du khách khi đến Lý Sơn.
Theo bà Phạm Thị Hương, bộ xương cá voi ở Lăng Tân được xác định lớn hơn bộ xương cá voi có niên đại 250 năm ở Bình Thuận (dài 22 m, xếp vào loại lớn nhất Việt Nam). Hiện, địa phương đang xúc tiến thực hiện các thủ tục liên quan để việc khôi phục xương cá voi diễn ra trong thời gian sớm nhất.
Các bậc cao niên trong làng cho biết, khoảng vài trăm năm trước, cá voi (cá Ông) đã lụy vào bờ. Do thân hình đồ sộ và trọng lượng quá nặng, khi cá voi chết, người dân đã đào hố chôn xác ngay tại bãi biển. Vài năm sau đó, các họ tộc trên đảo đã khai quật lấy toàn bộ xương cốt đưa vào Lăng Tân thờ tự.
Trải qua thời gian, bộ xương cá voi không còn nguyên vẹn, nhiều đoạn bị đứt gãy... Lăng Tân (hay còn gọi là Sở Đại dương) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây được ví như “bảo tàng” xương cá voi vì lưu giữ được nhiều bộ xương cá voi lâu đời, kích cỡ phong phú.
Ngư dân đất đảo Lý Sơn cũng như ngư dân ở các tỉnh, thành dọc dải miền Trung đã có tục thờ cúng cá voi từ rất lâu đời. Họ coi cá voi là vị thần hộ mạng trên biển. Để báo đáp lại đức ơn ấy, họ đã góp công sức xây dựng hàng chục lăng, vạn (nơi thờ tự) cho “Nam hải Đại tướng quân” khi chết. Hiện cư dân đất đảo còn lưu truyền câu thơ: “Lăng ông thánh độ vững như sơn/ Yếu điểm trung tâm nghĩa với nhơn/ Một dạ tu bồi hằng giữ pháp/ Hai tay đắp lũy để đền ơn”.
Hiện nay, bên cạnh Nhà lưu niệm Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, núi Thới Lới, chùa Hang, chùa Đục và nhiều danh lam thắng cảnh khác, từ nhiều năm nay, Lăng Tân trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh khi tới Lý Sơn.