Cụ thể, từ 7 giờ sáng cùng ngày, trong lúc trạm thu phí BOT Sóc Trăng đã thu phí theo khung giá mới, một số tài xế tiếp tục lái xe qua trạm và cố thủ không chịu trả phí, kèm theo đó là câu hỏi quen thuộc: "Mua vé này là vé gì, phí gì? Xe đã đóng phí đường bộ rồi sao còn thu nữa…".
Tình trạng kẹt xe tại BOT Sóc Trăng sáng 11/1. |
Một tài xế tham gia phản đối cho biết: "Tài xế mong trạm thu phí đặt về tuyến tránh, còn nếu giảm vé mà thỏa đáng cho tài xế thì vẫn tạm chấp nhận được, chứ giảm giá vé chỉ có vài chục % rồi lại tăng thời gian thu thì chúng tôi vẫn sẽ phản đối đến cùng…"
Trước những phản ứng của tài xế, các nhân viên đồng loạt đóng cửa cabin không trả lời. Đồng thời, tất cả barie bị đóng xuống khiến các tài xế không thể cho xe qua trạm.
Các tài xế gây ách tắc cho biết, có ba lý do họ không chịu mua vé. Một là trạm cứ đóng - xả bất thường, không giải thích với các chủ xe được vì lý do mua vé qua trạm. Hai là, các tài xế biển số Sóc Trăng nói nghe thông báo giảm giá mà chưa thấy giảm, đề nghị giải thích nhưng nhân viên trạm không giải thích mà nói chờ phía quản lý. Ba là thắc mắc không đi đường tránh thì sao có thể nộp phí đủ như đi đường tránh.
Một tài xế bày tỏ xe của anh đi có bảy cây số mà trả 35.000 đồng là vô lý. Trong khi mỗi ngày xe anh đi hai tua hàng tốn 140.000 đồng. Trong khi tiền dầu chỉ có 100.000 đồng. Còn cao tốc Trung Lương mỗi km chỉ trả 1.000 đồng.
Đến khoảng 7 giờ 45 sáng 12/1, khi xe cộ ùn ứ kéo dài chừng 500m thì nhân viên mới xả cửa cho xe qua lại tự do. Khoảng 30 phút sau, khi tình hình tại trạm ổn định trở lại, nhân viên trạm tiếp tục bán vé thu phí. Tuy nhiên, ngay sau đó không lâu, các tài xế lái xe dường như đã chờ sẵn gần khu vực trạm tiến tới phản đối. Trạm buộc phải xả cửa lần thứ 2. Tình trạng này cứ thế tiếp diễn nhiều lần trong ngày 12/1.
Tình hình vẫn nóng khi một số người trên xe xuống di dời giải phân cách làn đường cho xe qua, có tài xế xe của doanh nghiệp điện lạnh từ Bạc Liêu, khi đi giao hàng tại Hậu Giang bị ách tắc đã vào nhà điều hành phản đối vì nếu giao trễ sẽ bị hủy hợp đồng ai chịu trách nhiệm, ngay sau đó BOT Sóc Trăng buộc phải cho xả trạm.
Trước việc một số xe tông gãy thanh chắn tại trạm trong ngày 10/1, tháo dỡ dải phân cách, múa lân, cúng heo quay, đốt hàng mã ngay trên Quốc lộ 1 trong những ngày qua, theo thông tin của cơ quan chức năng, sự việc, cùng với việc ghi băng hình và theo dõi của lực lượng chức năng, tới đây sẽ có phương án xử lý.
BOT Sóc Trăng đi vào thu phí chính thức từ ngày 1/6/2017, sau hơn 6 tháng hoạt động, từ ngày 7/1, nơi đây đã bị các tài xế phản ứng, căng thẳng leo thang khi ùn tắc, hỗn loạn ngày càng được đẩy lên cao trào và vẫn chưa có điểm dừng mặc dù, trước đó, ngày 11/1, Bộ Giao thông vận tải có công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Sóc Trăng, Tổng cục Đường bộ và chủ đầu tư về việc chính thức đồng ý phương án giảm giá vé qua trạm BOT Sóc Trăng (xã An Hiệp, huyện Châu Thành).
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đồng ý miễn 100% đối với các loại xe buýt và các ô tô có địa chỉ tại xã An Hiệp, Thuận Hòa và thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành); giảm 50% đối với các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh; các loại phương tiện khác giảm 20%. Điều kiện được giảm giá vé đối với xe buýt là phải có giấy xác nhận của Giao thông vận tải tỉnh về nội dung đăng kí kinh doanh vận tải công cộng; đối với các phương tiện khác phải có giấy xác nhận của UBND huyện Châu Thành về nội dung đăng ký hộ khẩu thường trú.
Đối với các phương tiện không đăng ký kinh doanh vận tải phải có giấy xác nhận của UBND huyện Châu Thành về nội dung đăng ký hộ khẩu thường trú và giấy xác nhận của Sở Giao thông vận tải về nội dung không kinh doanh vận tải. Các phương tiện không nằm trong địa bàn giảm giá vé vẫn áp dụng mức giá cũ.
Dự án BOT Sóc Trăng dài 16,22 km, có tổng vốn đầu tư 1.419,2 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm 9 tháng. Trạm thu phí BOT Sóc Trăng đặt tại Km 2123 + 250 trên Quốc lộ 1, hoạt động lúc 0 giờ ngày 1/6/2017. Tùy theo loại xe mà giá vé tại trạm này lần lượt là 25.000, 35.000, 40.000, 70.000 và 140.000 đồng (khi chưa giảm).