Việc nhà sư trụ trì chùa Tiên Độ Đồng Côi (thuộc địa bàn tổ dân phố 14, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là Đại đức Thích Thanh Phương đưa hơn 20 bức tượng được cho là cổ ra khỏi chùa đi tiêu thụ vào đêm 24/4, đã tạo nên những dư luận trái chiều tại địa phương. Làm việc với phóng viên TTXVN về việc này vào ngày 25/4, Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng Công an huyện Nam Trực khẳng định: Đó là sự hiểu lầm, không có chuyện Đại đức Thích Thanh Phương trộm tượng trong chùa đi bán.Vào khoảng 23 giờ ngày 24/4, sau khi nhận được tin báo Đại đức Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Tiên Độ Đồng Côi thuê xe 1,5 tấn chở hàng chục bức tượng đưa đi tiêu thụ, lực lượng Công an huyện Nam Trực phối hợp với Công an thị trấn Nam Giang có mặt tại hiện trường, lập biên bản và mời các đương sự có liên quan về trụ sở Công an huyện làm việc. Thời điểm đó dù là đêm nhưng rất đông người tập trung vì hiếu kỳ, rồi đồn thổi khiến dư luận rất hoang mang. Số tang vật gồm 24 tượng Phật bằng gỗ, 1 tượng Thích ca thời niên thiếu bằng kim loại, 4 lọ lục bình cũ và một trống cũ.
Các bức tượng cổ bên trong ngôi chùa |
Cơ quan Công an vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ, song Đại tá Minh cho hay qua điều tra, xác minh bước đầu có thể khẳng định thông tin người dân báo nhà sư mang tượng cổ đi bán là không đúng và đây là sự hiểu lầm.
Đại tá Minh cho biết thêm: Đại đức Thích Thanh Phương trụ trì chùa Tiên Độ Đồng Côi từ năm 2006 và chùa Đồng Sơn (Nam Trực, Nam Định), chùa Bình Dương (xã Ngọc Sơn, Hiệp Hòa, Bắc Giang); ông có công lớn trong việc tu sửa, xây dựng chùa Tiên Độ Đồng Côi trở nên khang trang hơn. Đại tá Minh cũng chia sẻ: Công tác ở Công an huyện Nam Trực hơn 10 năm nên ông biết rất rõ Đại đức Thích Thanh Phương là nhà tu đích thực, từ sinh hoạt đến ăn uống đều theo đúng luật lệ nhà Phật.
Làm việc với Đại đức Thích Thanh Phương với sự giám sát của Đại tá Nguyễn Văn Minh, nhà sư cho biết: Số tượng nói trên vì cũ nên được hạ giải cất trong kho để thay mới trong năm 2009. Tháng 8/2013, nhà chùa và Hội Phật tử tiến hành kiểm kê có biên bản, tất cả số tượng còn nguyên vẹn. Thời gian gần đây, tôi bàn với Hội Phật tử là phải sơn, sửa lại tượng và đã thỏa thuận với một thợ sơn là ông Giáp Văn Điểm (trú tại thôn Két, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) sơn lại với giá 7 triệu đồng, nhưng nhà chùa phải chở tượng đến.
Những điều mà Đại đức Thích Thanh Phương chia sẻ với phóng viên đều được Đại tá Nguyễn Văn Minh xác nhận là đúng. Theo Đại tá Minh, thời gian tới Công an huyện sẽ làm việc với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở để thông báo tình hình, nhằm ổn định an ninh trật tự ở địa phương.
Tin, ảnh: Nguyễn Trường