Vấn đề không của riêng ai
Không chỉ còn là cảnh báo, ô nhiễm môi trường và những hệ lụy của nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thường nhật của người dân, sản xuất của doanh nghiệp và sự phát triển của mỗi quốc gia.
Người dân thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vinh Linh, tỉnh Quảng Trị làm thủ tục nhận tiền đền bù sự cố môi trường biển. |
Từ miền quê cho đến thành thị tại Việt Nam, cuộc sống của không ít người dân đang bị đảo lộn vì ô nhiễm môi trường. Ở những vùng nông thôn Việt Nam, nhiều nơi vẫn phải sống chung với rác do không có chỗ thu gom và xử lý cùng với nước thải nông nghiệp tràn lan.
Tại các đô thị lớn, người dân phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, tiếng ồn cùng ô nhiễm của các ngành công nghiệp... Đặc biệt, không ít người dân khốn đốn khi phải sống chung với bãi rác nhiều năm nay. Đơn cử như người dân tại xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ (Sóc Sơn, Hà Nội), hơn chục năm nay phải sống trong bầu không khí đặc quánh mùi hôi thối từ bãi rác Nam Sơn (nơi tiếp nhận phế thải, rác thải sinh hoạt từ các quận nội thành Hà Nội). Hay ô nhiễm môi trường từ bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), không chỉ gây bức xúc đối với người dân ở gần khu này mà còn làm nóng nghị trường Quốc hội vừa qua.
Năm 2016, trên cả nước có khoảng 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc, được dư luận quan tâm phản ánh như: Sự cố Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh khiến hải sản chết bất thường tại bốn tỉnh miền Trung; Vấn đề xung quanh vụ việc Nhà máy giấy Lee&Man có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Công ty mía đường Hòa Bình đầu độc sông Bưởi...
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, mặc dù nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường chậm lại, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề môi trường như: vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến phức tạp; nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường; nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý; rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp chưa được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường...
Nguyên nhân của các vấn đề môi trường trên là mô hình tăng trưởng còn dựa trên các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên, nhiều dự án công nghệ sản xuất lạc hậu dẫn đến nhiều áp lực lớn lên môi trường. Việt Nam có nguy cơ trở thành “bãi thải” công nghệ của nhiều nước trên thế giới.
Cùng với đó, tư tưởng coi trọng thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ bảo vệ môi trường còn phổ biến trong các cấp, các ngành, nhất là ở địa phương. Đặc biệt, trong chỉ đạo, điều hành, nhiều cấp ủy đảng và chính quyền còn tư tưởng “ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ, thậm chí bỏ qua yêu cầu bảo vệ môi trường”. Ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư còn thấp; năng lực quản lý môi trường còn nhiều bất cập (cả nhà nước và doanh nghiệp)...
Không để ô nhiễm môi trường tác động đến tăng GDP
Theo cảnh báo của các chuyên gia quốc tế, trong tương lai nếu không kiểm soát tốt môi trường thì với mỗi 1% GDP tăng, Việt Nam sẽ thiệt hại 3% GDP do ô nhiễm. Nếu tiếp tục tình trạng này, chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho cả hiện tại và tương lai.
“Quản lý môi trường phải mang tính chất tiếp cận liên vùng và tư duy của kinh tế thị trường”. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà |
Mới đây, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trung bình giai đoạn 2016 - 2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể làm giảm GDP khoảng 0,6%/năm. Theo Báo cáo của NCIF, giai đoạn 2016 - 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang đứng trước những thách thức và áp lực không nhỏ do tác động của yếu tố thời tiết và ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển.
PGS, TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT nhấn mạnh, hệ quả về môi trường do quá trình tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, gia tăng dân số... ngày càng rõ nét. Xung đột giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường ngày càng bộc lộ rõ, chất lượng môi trường ngày càng xấu đi. Các sự cố về môi trường, tranh chấp môi trường và xung đột môi trường diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, có nguy cơ lan rộng cả về không gian, thời gian và tần suất ở nhiều địa phương trên cả nước.
Các chuyên gia cho rằng, để ứng phó tích cực với biến đổi khí hậu và ngăn chặn đến mức thấp nhất tác động ô nhiễm cần tái cơ cấu lại các ngành kinh tế nhằm hạn chế bớt những ngành phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo, giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế thấp. Mặt khác, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch như khí thiên nhiên, nhiên liệu sinh học, năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như cấp phép hạn mức phát thải các chất ô nhiễm không khí cho các doanh nghiệp. Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo vệ môi trường; trong đó có những chế tài xử phạt thực sự mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, cần sớm giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, phòng ngừa, giảm các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường, cần thay đổi tư duy về bảo vệ môi trường từ chỉ ưu tiên phát triển kinh tế, không chú trọng yêu cầu bảo vệ môi trường sang quản lý môi trường phải mang tính chất tiếp cận liên vùng và tư duy của nền kinh tế thị trường. Bảo vệ môi trường phải lấy phòng ngừa và ngăn chặn là chính chứ không phải để xảy ra mới xử lý. Đặc biệt, gắn trách nhiệm trực tiếp của các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, xã hội đối với vấn đề môi trường. Tập trung quản lý các đối tượng chính gây ra các vấn đề ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung và phù hợp với giai đoạn phát triển mới và hội nhập quốc tế.
Rà soát, khoanh vùng đối tượng chính, có tiềm ẩn gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường để áp dụng các biện pháp cụ thể, thường xuyên, liên tục bảo đảm các đối tượng chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về BVMT. Tập trung kiểm soát việc xả thải của các dự án phát sinh lượng nước thải lớn ra môi trường; các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường như luyện thép, khai thác khoáng sản, hóa chất cơ bản, nhiệt điện, sản xuất bột giấy, dệt nhuộm, da giày; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu...
Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét, thảo luận, có chủ trương thu hút đầu tư phát triển gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, hạn chế tiến tới loại bỏ các loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, hiệu quả kinh tế thấp, các dự án có công nghệ sản xuất lạc hậu. Có cơ chế đột phá thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho BVMT; các nguồn thu từ môi trường ưu tiên đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm ở khu vực nông thôn phát sinh khoảng 6,6 triệu tấn rác thải sinh hoạt, nhưng tỷ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 40 - 55%. Rác thải ở nông thôn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp nhưng trên toàn quốc hiện chỉ có 12/63 tỉnh, thành có bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đa phần các bãi rác thải ở nông thôn là bãi rác hở và để phân hủy tự nhiên. |