Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái, tính đến 1/11, toàn tỉnh có trên 420 ca mắc bệnh tay chân miệng. Hiện bệnh này được giám sát chặt, xử lý, cách ly điều trị kịp thời nên không lây lan rộng, không có trường hợp biến chứng nặng hoặc tử vong.
Toàn tỉnh hiện có 8/9 huyện, thành phố, trừ thị xã Nghĩa Lộ có bệnh nhân mắc bệnh này, trong đó các huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên là những địa phương có nhiều bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng nhất. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống dịch tay chân miệng các tháng cuối năm 2011. Kế hoạch này nhằm tăng cường các biện pháp dự phòng tích cực và chủ động cũng như phát hiện kịp thời bệnh tay chân miệng, bao vây, khống chế, cách ly và xử lý kịp thời, không để dịch lan rộng, hạn chế biến chứng nặng hoặc tử vong.
Khám, điều trị bệnh chân tay miệng cho bệnh nhi. Ảnh Thanh Long- TTXVN. |
Thời gian tới, Yên Bái duy trì và nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới giám sát dịch bệnh từ tỉnh tới cơ sở; tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực giám sát phát hiện ca bệnh, điều tra và xử lý các ổ dịch, ca bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông dưới nhiều hình thức, đồng thời bổ sung và tăng cường năng lực, thuốc, trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất khử trùng, hóa chất xét nghiệm tại các tuyến để chủ động và kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng chống bệnh tay chân miệng.
* Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết: hiện nay bệnh tay - chân - miệng vẫn diễn biến phức tạp và đã lan rộng đến 101/104 xã, phường, thị trấn trong tỉnh . Trong tháng 10/2011, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 331 ca mắc bệnh, nâng tổng số trẻ em toàn tỉnh mắc bệnh tay - chân - miệng lên 1.067 ca. Đáng ngại là số ca mắc bệnh xảy ra nhiều ở các địa bàn nông thôn như ở huyện Cầu Ngang 289 ca, huyện Trà Cú 161 ca, huyện Châu Thành 130 ca, huyện Duyên Hải 127 ca, huyện Tiểu Cần 118 ca.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lơ, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Đ a số trẻ mắc bệnh ở thể không triệu chứng hoặc ở thể nhẹ nên có một số lượng lớn trẻ mắc bệnh không được cách ly điều trị, sự giao lưu trực tiếp giữa trẻ bệnh và trẻ lành xảy ra. Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền về biện pháp phòng tránh, tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là tại các địa bàn có nguy cơ lây lan cao như các trường mẫu giáo, nơi chế biến cung cấp thực phẩm cho các trường. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã c ấp phát 11.500 viên xà phòng rửa tay cho các trường mẫu giáo, nhà trẻ trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh còn tổ chức tập huấn cho cán bộ phòng chống dịch của các Trung tâm Y tế huyện, thành phố về công tác điều tra, giám sát, xử lý dịch tay chân miệng và tập huấn điều trị bệnh tay chân miệng cho bác sĩ khoa nhi, điều dưỡng bệnh viện huyện và các phòng khám đa khoa khu vực nhằm đảm bảo không để xảy ra tình trạng tử vong và kịp thời xử lý một khi có dịch bệnh tay – chân – miệng xảy ra./.
Hoàng Ngọc, Phúc Sơn