Tài xế sử dụng tiền lẻ tại Trạm BOT Sóc Trăng ngày 8/1. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN |
Điều này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, mà khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải gặp không ít thiệt hại. Chính phủ đang cùng với các bộ, ngành và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục những tồn tại, bất cập nhằm tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông bằng vốn xã hội hóa.
Thời gian qua ở khu vực phía Nam “BOT” là một từ khóa “nóng” được dư luận xã hội rất quan tâm, bởi đã xảy ra nhiều vụ việc gây rối, cản trở giao thông. Kể từ vụ việc tài xế phản đối thu phí qua trạm BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang hồi đầu tháng 11/2017, đã tiếp tục lan nhanh đến các trạm thu phí khác ở các tỉnh như thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng… một cách đáng lo ngại.
Sự việc tài xế phản đối thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bị đẩy lên đỉnh điểm khiến Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo tạm ngừng thu phí để không phát sinh, kéo dài tình hình mất an ninh trật tự. Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý cho nhà đầu tư miễn, giảm phí qua trạm BOT Phụng Hiệp - Cần Thơ đối với các phương tiện. Nhưng vẫn xảy ra các vụ phản đối từ các tài xế. Trạm thu BOT Sóc Trăng nằm ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng tình trạng nhiều tài xế phản ứng về vị trí đặt trạm cũng như mức thu phí vẫn chưa chấm dứt.
Rõ ràng cho đến thời điểm này chưa có giải pháp để giải quyết căn cơ, triệt để và luôn tìm ẩn nguy cơ bùng phát mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông qua khu vực các trạm thu BOT. Việc phản đối, gây rối ở các trạm thu BOT đã trực tiếp gây thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông, thủy sản, doanh nghiệp vận tải, nhất là doanh nghiệp vận tải hàng hóa trong thời gian qua.
Điển hình nhất, vào đêm 14/1/2018 trạm thu T2 BOT quốc lộ 91 ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ liên tục bị tình trạng tài xế phản ứng, không chịu mua vé. Sự việc đã khiến tình hình giao thông bị ùn ứ nghiêm trọng, nhiều tài xế xe tải chở hàng đông lạnh bị mắc kẹt phía sau đã chạy đến nhà điều hành dự án van xin chủ đầu tư cho qua trạm với bất giá nào để cứu hàng hóa khỏi bị hư hỏng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh (quận 4, thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, tình hình mất an ninh trật tự tại các trạm thu BOT xảy ra trong thời gian qua ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải của doanh nghiệp. Chính doanh nghiệp của ông Vinh từng là “nạn nhân” của những vụ mất an ninh trật tự này và phải chịu thiệt hại không nhỏ.
“Nguyên tắc làm vận tải phải cam kết giờ nhận hàng, giao hàng. Doanh nghiệp tôi đã nhiều lần đưa xe xuống miền Tây nhưng không lấy được hàng, vì khách hàng chờ lâu quá nên đã thuê đơn vị vận tải khác. Thậm chí tôi còn bị trường hợp trễ thời gian vận chuyển vật tư cho công trình thi công khiến cho khách hàng thiếu vật tư, lãng phí ngày công và yêu cầu phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại đó và doanh nghiệp chúng tôi phải chịu đền bù. Số tiền thiệt hại hoàn toàn không nhỏ, từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, nhưng uy tín của mình bị mất đi thì không có gì bù đắp được”, ông Vinh chia sẻ.
Hầu hết các chủ doanh nghiệp vận tải đều rất lo lắng trước tình hình mất an ninh trật tự tại các trạm thu BOT và quan ngại tình hình mất an ninh trật tự sẽ có khả năng tiếp tục lan rộng, tác động xấu đến xã hội và doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt trong bối cảnh tình trạng ùn tắc giao thông đang là một trở ngại rất lớn trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Có thể dẫn chứng thêm vào ngày 10/1, nhiều tài xế dừng xe ở các làn thu BOT Sóc Trăng để phản đối đã gây kẹt xe kéo dài. Điều đáng nói là nhiều thanh barie đã bị các tài xế lái xe tông thẳng vào để vượt trạm. Thậm chí, một số người dân, hành khách trên xe cũng tham gia dỡ bỏ thanh barie để các xe khách đi qua.
“Từ sự nhận thức hạn chế của tài xế, người dân nhưng đáng nói là có sự kích động của kẻ xấu đã ảnh hưởng rất lớn tình hình an ninh quanh khu vực BOT, ảnh hưởng đến hoạt động hàng hóa giữa doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Do vậy rất cần cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết thấu đáo”, ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại vận tải Minh Liên (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Trước những sự việc gây rối làm mất an ninh trật tự tại một số trạm thu BOT vào ngày 18/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các ngành, địa phương kịp thời chấn chỉnh, không để xảy ra các hành vi manh động, phá barie, dừng xe tại trạm BOT... Đây là vi phạm pháp luật, cần phải được xử lý nghiêm.
Nhiều chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là hành động rất quyết liệt và kịp thời của Chình phủ nhằm không để phát sinh tình trạng mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông tại các trạm thu BOT, nhất là trong bối cảnh hoạt động vận tải dịp cao điểm giáp Tết.
Đến ngày 25/1/2018, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phía Nam cũng đã thực hiện chỉ đạo của Tổng Cục đường bộ Việt Nam yêu cầu các nhà đầu tư BOT lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu giá. Ngoài ra, các trạm thu giá BOT sẽ bổ sung các camera để thu thập hình ảnh liên quan đến hành vi gây rối, kích động nếu có, gửi về cơ quan chức năng xử lý.