'Không thể lừa đảo bằng thôi miên'

Vì lầm tưởng thôi miên là "phép" có thể làm người ta mụ mị, mất ý thức và làm theo những điều được sai khiến mà nhiều người dựng chuyện bị lừa, cướp. Thực tế, các nhà khoa học khẳng định, không thể dùng thôi miên lừa đảo để cướp tiền, vàng.

Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao về vụ một phụ nữ ở Quảng Ngãi cho rằng mình bị thôi miên nên mới ngoan ngoãn gom hơn 100 cây vàng và 1,3 tỷ đồng đưa cho một thanh niên lạ mặt. Qua điều tra, cơ quan chức năng đã xác định đây chỉ là chiêu dựng hiện trường giả để trốn nợ của chủ tiệm vàng.

Trước đó, từng có không ít trường hợp mất tiền, bị lừa cho là vì bị thôi miên, như năm ngoái, một bà chủ cửa hàng ở thành phố Vinh, Nghệ An tố bị khách Tây "thôi miên" lấy mất gần 20 triệu đồng, hay năm 2007 nhiều người dân tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho rằng họ bị "làm phép" lừa tiền tại các chợ ở huyện này...

Các chuyên gia cho rằng, không bao giờ có chuyện dùng thôi miên để lừa đảo cướp tiền, vàng. Vì thế, với những vụ án mà đương sự tố mất đồ, tiền do bị thôi miên thì cần điều tra chính "kẻ bị hại", hoặc thực tế, những người này bị lừa thật, nhưng không phải bằng thôi miên, mà có thể là những thủ thuật khác.

Thực tế, bấy lâu nay, hầu hết mọi người vẫn hiểu rằng, khi bị thôi miên, người ta sẽ rơi vào trạng thái không điểu khiển được ý nghĩ và hành vi của mình, hoàn toàn thực hiện theo những sai khiến của người khác. Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng viện nghiên cứu ứng dụng khoa học thôi miên (Tây Hồ, Hà Nội) khẳng định, điều này hoàn toàn không đúng.



Ảnh: Minh Thùy.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, chuyên gia về thôi miên, khẳng định, không thể nào dùng liệu pháp này để lừa đảo vì thôi miên chỉ có thể thực hiện với sự đồng ý của thân chủ. Ảnh: Minh Thùy.



Ông Quân giải thích, từ thôi miên bắt nguồn từ chữ Hypnos theo tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “ngủ”, nhưng thực chất, thôi miên là một trạng thái gần như nằm giữa ngủ và thức.

Khi rơi vào trạng thái thôi miên, người ta vẫn hoàn toàn tỉnh táo, nghe, nhận biết được mọi điều xung quanh. Điều quan trọng là, chỉ có thể thôi miên một người khi người đó muốn.

Chính vì vậy mà liệu pháp này được ứng dụng hiệu quả trong y học, tâm lý. Chẳng hạn, nhà trị liệu có thể dùng thôi miên chữa trị cho người bệnh khi chính bản thân người này muốn được khỏi bệnh. Vì thế, sẽ không bao giờ có thể dùng thôi miên để đi lừa đảo, để lấy tiền, vàng như một số người dựng chuyện.

Có hai hình thức thôi miên: thôi miên thư giãn (thường dùng trong trị liệu tâm lý, chữa bệnh) và thôi miên gây sốc (để biểu diễn).

Ảnh: Trí Tín.
Hàng trăm người tụ tập trước hiệu vàng Tín Huy khi có thông tin bà chủ tiệm dựng hiện trường giả bị thôi miên cướp vàng để chạy nợ. Ảnh: Trí Tín.


Về vụ án nữ chủ tiệm vàng Quảng Ngãi cho rằng mình bị thôi miên nên mới tự nguyện lấy vàng, tiền cho kẻ cướp, chuyên gia thôi miên cho rằng, có rất nhiều điểm vô lý:

- Thứ nhất, nếu người phụ nữ này ở trạng thái thôi miên thư giãn thì thời gian để cho họ đi được vào trạng thái này không ngắn, mà toàn bộ những dẫn dụ dù là bằng phương pháp nào cũng đều được camera tại tiệm vàng ghi lại. Và kiểu thôi miên này khiến cho người bị thôi miên "chân tay rã rời" nhưng đầu óc họ lại nhẹ nhàng mà không hề mê man. Họ sẽ không thể cử động cơ thể để đi lấy tiền và vàng đưa cho "kẻ cướp" nữa! Muốn đi lấy tiền thì họ lại phải tự ra khỏi trạng thái thôi miên!

- Thứ hai, nếu là thôi miên biểu diễn, thì phải xin sự đồng ý của thân chủ để họ không phải ứng lại, tập trung thời gian cho việc thôi miên. Tất nhiên, sẽ không chủ tiệm vàng nào đồng ý việc này, nếu không nói là họ còn đề phòng, cảnh giác hơn. Thậm chí, kể cả trong giả thiết họ đồng ý biểu diễn thì đầu óc họ không hề choáng váng và cơ thể họ thì hoàn toàn bình thường thậm chí còn cứng hơn lúc bình thường chứ không hề "rã rời". Tiếp nữa, nếu đã đồng ý biểu diễn như vậy thì sau đó họ không hề nhớ bất cứ chi tiết nào, kể cả là ai từng vào cửa hàng.

"Đây là màn kịch quá tồi và được dựng lên bởi một người không hiểu gì về thôi miên", ông Quân bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, từ trước tới nay, mọi người hay nhìn nhận thôi miên như kiểu làm phép thuật, thực chất đây chỉ là kỹ thuật, và bất kỳ ai cũng có thể học được như học bất kỳ một chuyên ngành nào khác. Tất nhiên, nếu muốn thôi miên trở thành một liệu pháp chữa bệnh thì phức tạp hơn và đòi hỏi cao hơn nhiều.

Nhiều người hình dung thôi miên như cảnh trong các đoạn phim, theo đó một người nhìn vào đôi mắt đầy quyền năng của nhà thôi miên rồi ngoan ngoãn làm theo tất cả những gì được ám thị. Đây cũng là một hình thức của thôi miên cổ điển nhưng đôi mắt ở đây chỉ có ý nghĩa về mặt biểu diễn chứ không có khả năng đặc biệt gì. Thực tế, chuyên gia có thể yêu cầu người bị thôi miên tập trung vào một điểm bất kỳ nào đó, điều này khiến họ mỏi mắt và không nghĩ gì khác được nữa, giúp nhà thôi miên nhanh chóng tiếp xúc với phần vô thức của họ và đưa tiếp các ám thị vào.

Thông thường, trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người đều từng rơi vào trạng thái gần giống "thôi miên", chẳng hạn như mỗi sáng khi ngủ dậy - trạng thái giữa ngủ và thức, khi chạy bộ, khi đọc một cuốn sách hay, xem một đoạn phim hấp dẫn hoặc khi tập trung cao độ làm việc... Khi ứng dụng thôi miên vào y học và trị liệu tâm lý, khả năng cơ thể rơi vào trạng thái thôi miên hằng ngày được khuyến khích và để áp dụng vào việc giải quyết các vấn đề của cơ thể cũng như tâm lý.




Theo vnexpress

Lật tẩy “màn kịch” đánh thuốc mê lấy 100 lượng vàng và 1 tỷ đồng
Lật tẩy “màn kịch” đánh thuốc mê lấy 100 lượng vàng và 1 tỷ đồng

Sau 4 ngày xôn xao vụ bà Nguyễn Thị Thuý - chủ hiệu vàng Tín Huy ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị khách hàng lạ đánh thuốc mê lấy đi 100 lượng vàng và 1 tỷ đồng, Công an huyện Bình Sơn đã lật tẩy “màn kịch” của Thúy với chủ ý để chạy nợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN