Đến tháng 7/2020, Việt Nam đã có 9 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, trong đó có 6 khu ven biển và hải đảo gồm: Cát Bà, vùng ngập nước Sông Hồng, rừng ngập mặn Cần Giờ, Cù Lao Chàm, Cà Mau, vùng ven biển và hải đảo Kiên Giang; 3 khu còn lại là rừng trên đất liền và đất ngập nước nội đồng (Đồng Nai), rừng nhiệt đới gió mùa miền tây Nghệ An và rừng nhiệt đới Lang Biang với tổng diện tích hơn 4 triệu ha, chiếm 12,1% diện tích tự nhiên của cả nước.
Diện tích vùng lõi chiếm 11% tổng diện tích của các khu dự trữ sinh quyển với khoảng 450.000 ha, là nơi tập trung đa dạng sinh học cao, gồm nhiều dịch vụ hệ sinh thái. Đây cũng là nơi sinh sống của khoảng 1,78 triệu người.
Nhiều cơ quan quản lý - Cần kiện toàn tổ chức
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam chịu sự quản lý của nhiều cơ quan. Vùng lõi gồm vườn quốc gia, khu bảo tồn được quản lý trực tiếp ngành dọc của các bộ chuyên ngành. Các khu dự trữ sinh quyển nằm ngoài mạng lưới của UNESCO chưa có quy định cụ thể về quản lý nhà nước của bộ, ngành nào.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khu dự trữ sinh quyển thành lập các Ban quản lý và các bộ phận hỗ trợ, phần nằm trong ranh giới 1 tỉnh sẽ do tỉnh phê duyệt quyết định thành lập, nếu liên tỉnh sẽ do Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam thành lập. Do đó, các Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển hiện chưa có mô hình tổ chức thống nhất, mỗi địa phương hình thành bộ máy tổ chức quản lý khu dự trữ sinh quyển tùy thuộc cách tiếp cận.
Về mặt chính sách, "Khu dự trữ sinh quyển" chưa được đề cập như một thể thống chất nên chưa được quản lý một cách chính thống, chỉ được đề cập như một hợp phần của khu dự trữ sinh quyển vùng lõi. Bên cạnh đó, khái niệm khu dự trữ sinh quyển còn chưa có trong hệ thống quy phạm pháp luật quản lý quốc gia hiện hành, chưa có chính sách quản lý thống nhất đối với khu dự trữ sinh quyển từ cấp trung ương đến địa phương. Thậm chí, các hướng dẫn, quy định chung đối với quản lý khu dự trữ sinh quyển vẫn còn đang rất thiếu.
Quản lý khu dự trữ sinh quyển là cách tiếp cận mới, nhiều lĩnh vực và đa ngành trong quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. Bởi vậy, theo Tổng cục Môi trường, cần kiện toàn công tác quản lý; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, trong đó có Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ; xây dựng mô hình quản lý tại các khu dự trữ sinh quyển từ cấp trung ương đến địa phương; xây dựng chiến lược phát triển các khu dự trữ sinh quyển theo hướng tiếp cận quản lý các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu cho các khu dự trữ sinh quyển trong hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia; tiếp tục huy động nguồn lực, sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các dự án hỗ trợ cho các khu dự trữ sinh quyển. Đối với các khu dự trữ sinh quyển tiềm năng cần hướng dẫn quy trình, nội dung hồ sơ đề cử trở thành khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận.
Giai đoạn trước mắt cần ưu tiên đưa nội dung quản lý các khu dự trữ sinh quyển vào Luật Bảo vệ môi trường 2014 (sửa đổi). Sau đó, Bộ tiếp tục xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn quản lý cũng như quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý cho các bộ, ngành liên quan và địa phương.
Nghiêm túc đánh giá tác động môi trường
Trong các văn bản dưới luật hiện đã có các quy định cụ thể đối tượng phải đánh giá tác động môi trường với dự án có sử dụng đất, mặt nước của khu dự trữ sinh quyển. Tuy nhiên, các dự án lớn dù nằm ngoài phạm vi khu dự trữ sinh quyển nhưng có thể có những tác động đến khu dự trữ sinh quyển thì trong quá trình xem xét, đánh giá tác động môi trường cần xem xét, đánh giá ảnh hưởng của dự án tới khu dự trữ sinh quyển trên nguyên tắc: Thực hiện dự án để phát triển kinh tế nhưng phải giữ được khu dự trữ sinh quyển; phải có các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi đối với khu dự trữ sinh quyển.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trình Quốc hội khóa XIV thông qua vào cuối năm 2020. Theo đó, những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, tác động lớn đến cảnh quan và môi trường như các dự án tác động đến khu dự trữ sinh quyển sẽ được thẩm định và đánh giá chặt chẽ hơn, sẽ có một chương đánh giá tác động đến cảnh quan và hệ sinh thái.
Với thực tế đang được dư luận quan tâm liên quan đến rừng ngập mặn Cần Giờ, Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường-Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Xuân Hải cho biết: Đây là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường và khung pháp lý của UNESCO, với những biện pháp thi công tiên tiến, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam cao nhất.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được thông qua bởi các nhà khoa học hàng đầu với việc nhận diện, đánh giá khá đầy đủ, thận trọng các tác động có thể có và đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường, đã xây dựng chương trình quản lý, giám sát môi trường và ứng phó sự cố môi trường.
Ông Nguyễn Xuân Hải nhấn mạnh, đây là các báo cáo chuyên đề liên quan đến các vấn đề lớn mà dự án có thể gây tác động như: Đa dạng sinh thái rừng ngập mặn, dòng chảy tự nhiên, nguy cơ gây bồi lắng, xói lở; nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; các tác động về kinh tế - xã hội và có các đơn vị tư vấn có uy tín để lập các mô hình với các kịch bản khác nhau về lan truyền ô nhiễm, thay đổi độ mặn, nước biển dâng...