Theo ghi nhận của phóng viên, tại hiện trường, bờ taluy kè đất vỡ vụn từng mảng lớn, một số bị vùi lấp dưới hàng trăm mét khối đất đá đổ xuống.
Theo anh Đinh Văn Chuốt, người dân địa phương, khi dự án điểm định canh định cư tập trung Đồng Tranh được triển khai, gia đình anh chấp nhận di dời nhà ở để nhường đất cho đơn vị thi công tiến hành san ủi, giải phóng mặt bằng. Nhưng tới nay, sau gần 2 năm trời, gia đình anh vẫn chưa được cấp lại đất như lời chủ đầu tư đã hứa, buộc phải ở trong căn nhà tạm bợ, hễ mưa gió là dột thấm đủ bề, khốn khổ lắm.
Không riêng gì anh Chuốt mà 44 hộ dân khác cũng đang mòn mỏi chờ ngày chuyển về điểm định canh định cư này để yên tâm ổn định cuộc sống, sản xuất, thoát khỏi cảnh sống rải rác, phân tán.
Ông Lê Minh Thành, Chủ tịch UBND xã Long Mai cho biết, chính quyền đã nhiều lần kiến nghị huyện, tỉnh quan tâm, tìm giải pháp khắc phục sớm, vì dự án cứ “treo” mãi như thế, người dân không có chốn an cư và đất rừng sản xuất cũng tiếp tục bị thu hẹp sau những đợt sạt lở.
Ông Nguyễn Thế Nhân, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi thông tin, dự án trên có tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng, do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công năm 2017. Đến tháng 4/2018, dự án hoàn thành. Đến tháng 10/2018, chủ đầu tư đã nghiệm thu kỹ thuật. Trong thời gian chờ cơ quan chức năng thống nhất kết quả nghiệm thu để bàn giao cho địa phương và đưa dân vào ở, “sự cố” xảy ra. Nguyên nhân chính là do cuối năm 2018 xuất hiện các đợt mưa lớn khiến hơn 5000 mét khối đất, đá xói lở, làm sập đổ hoàn toàn bờ taluy dương. Ban Dân tộc đã phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chức năng đi khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại và dự toán nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa lại hạng mục bị hư hỏng.
Điều đáng nói là số tiền duy tu, sửa chữa mà Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi xin hỗ trợ lên tới 11 tỷ đồng, xấp xỉ tổng mức đầu tư ban đầu của dự án. Điều này cho thấy sự lãng phí lớn nguồn ngân sách nhà nước và sự không hiệu quả của những công trình phục vụ dân sinh mà đơn vị này được giao làm chủ đầu tư.
Cũng theo ông Nhân, hiện tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn nên chủ đầu tư chưa thể khắc phục, đồng nghĩa với việc dự án sẽ vẫn còn “trơ gan cùng tuế nguyệt” trong thời gian dài.
Trong buổi làm việc mới đây với Ban Dân tộc tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên đã thẳng thắn chỉ ra rằng, nguyên nhân gây nên sạt lở bờ taluy dương còn xuất phát từ việc thiết kế tư vấn chưa chuẩn xác với tình hình thực tế tại địa phương. Vị trí xây kè có độ dốc cao, nền đất yếu nên công trình không đảm bảo an toàn. May mắn là sạt lở xảy ra trước khi người dân vào ở, nếu không thì hậu quả thật khó lường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên đề nghị, chủ đầu tư cần điều chỉnh lại quy hoạch theo tỷ lệ 1/500; đồng thời chuyển dịch đất ở của người dân sang vị trí cách xa điểm sạt lở; trồng cây để giữ lại đất sản xuất...