Tối 8/8, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tượng mưa vừa, mưa to ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc sẽ còn tiếp tục duy trì trong đêm 8/8 và rạng sáng ngày 9/8.
Từ trưa chiều ngày 9/8, lượng mưa ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc giảm nhưng vẫn có thể xảy ra mưa và mưa rào trên diện rộng.
Ngày 10 và 11/8 có khả năng còn mưa vài nơi, trời hửng nắng.
“Sau một thời gian dài có mưa liên tục nên nhiều địa phương ở vùng núi và trung du Bắc Bộ với tổng lượng mưa 7 ngày qua phổ biến 70 - 150 mm nên số huyện có nguy cơ sạt lở ở các tỉnh đang ở mức cao”, ông Hoàng Phúc Lâm cho hay.
Cụ thể, ở Sơn La có 175 xã thuộc 11 huyện với trên 940 điểm có nguy cơ sạt lở, Lai Châu có 81 xã thuộc 8 huyện với trên 510 điểm có nguy cơ sạt lở, Yên Bái có 75 xã thuộc 9 huyện và Bắc Kạn có 100 xã thuộc 8 huyện với trên 300 điểm có nguy cơ sạt lở.
Từ ngày 8 - 10/8, trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ với đỉnh lũ tại trạm Yên Bái và Phú Thọ lên mức báo động 1.
Dòng chảy các hồ chứa Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Bản Chát tăng chậm và duy trì ổn định trong ngày 8 - 9/8 sau đó giảm chậm. Trong khoảng 4 - 5 ngày tới, mực nước các hồ sẽ tăng thêm khoảng 2 - 4 m do lưu lượng nước về hồ hiện vẫn lớn.
Cũng theo ông Hoàng Phúc Lâm, trong khoảng 20 ngày cuối tháng 8, khu vực Bắc Bộ vẫn nằm trong giai đoạn mưa nhiều đan xen với 1 - 2 đợt nắng nóng.
Trong tháng 8, khu vực Bắc Bộ phổ biến có mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 25%, riêng khu vực Lai Châu và Điện Biên xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Tổng lượng mưa trong 20 ngày cuối tháng tại khu vực Tây Bắc có thể đạt từ 100 - 200 mm, khu vực Việt Bắc có thể đạt từ 150 - 250 mm, khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ có thể đạt từ 150 - 300 mm.
Trong thời gian qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra hàng chục vụ sạt lở đất đá. Trong số đó, một số vụ gây thiệt hại nghiêm trọng như: Sự cố sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; sạt lở đất đá, đường giao thông và thiệt hại về người, nhà ở, hoa màu ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Đắk Nông, Yên Bái…
PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định có 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra trượt, sạt lở đất đá liên tiếp xảy ra trong thời gian qua:
Thứ nhất là do mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm cho đất đá bị bão hòa nước, khiến các sườn dốc trở nên mất ổn định hơn.
Cùng với đó là do hoạt động của con người. Thực tế, các hoạt động dân sinh đã góp phần làm trầm trọng thêm các dấu hiệu mất ổn định của các khối đất đá tại những khu vực sườn dốc.
Theo PGS.TS Trần Tân Văn, người dân và chính quyền địa phương cần lưu ý, nứt đất khi mưa to, kéo dài là một trong những dấu hiệu trực tiếp của sạt trượt. Vì thế, động thái đầu tiên địa phương cần thực hiện là di dời người dân ra khỏi khu vực sạt trượt tiềm năng. Tiếp đó cần cử cán bộ kỹ thuật đến quan trắc, giám sát, theo dõi diễn biến của các vết nứt. Nếu vết nứt tiếp tục phát triển thì khả năng cao là trượt lở sẽ xảy ra, cần căn cứ kích cỡ các vết nứt để dự báo quy mô khối trượt, từ đó thực hiện di dời cho phù hợp.
Sau đó, cần cân nhắc một số phương án khắc phục, xử lý trượt lở. Các nhà khoa học cũng đúc kết nhiều trường hợp xử lý trượt lở và thấy rằng, thông thường các giải pháp công trình tốn kém, nếu có thể thì tốt nhất là tránh, làm đường tránh khỏi khối trượt. Nếu bắt buộc vẫn phải xử lý bằng giải pháp công trình thì cần khảo sát, thiết kế và thi công kỹ lưỡng, trong đó thoát nước sườn dốc một cách hiệu quả là vô cùng quan trọng.
Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc san gạt, làm mất chân sườn dốc lấy mặt bằng xây dựng. Các dự án làm đường rất hay để xảy ra tình trạng này, vì thế ngay từ đầu cần khảo sát, thiết kế, thi công các sườn dốc “nhân tạo” cẩn thận, có tính toán kỹ các hệ số an toàn và có giải pháp gia cường, phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ trượt lở.