Ngoài ra, có một số tuyến thuộc thị trấn các huyện, trong các ngõ, ngách khu dân cư 12 quận nội thành, tuyến tỉnh lộ, quốc lộ như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 70, Quốc lộ 32, Quốc lộ 21B, các đường gom Đại lộ Thăng Long... cũng sẽ bị ngập úng nếu gặp các trận mưa có lượng mưa từ 50 - 100mm/2 giờ. Như vậy, số điểm ngập úng trên địa bàn thành phố còn khá lớn.
Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống thoát nước Hà Nội mới chỉ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh trong nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu. Sông Nhuệ và hệ thống kênh xả kênh dẫn về các trạm bơm chưa được cải tạo, nạo vét là một trong những nguyên nhân không đảm bảo công tác thoát nước cho thành phố. Ngoài ra, chất lượng mặt đường của thành phố ở một số tuyến đường, phố hiện nay rất kém, dẫn đến việc hình thành điểm ứ đọng nước cục bộ.
Để khắc phục tình trạng úng ngập trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị các cấp, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án nhằm khắc phục, giảm thiểu tại 16 trọng điểm úng ngập của thành phố. Ngoài ra, cần có biện pháp khơi thông dòng chảy đối với hệ thống cống, mương thoát nước; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, gây ảnh hưởng đến môi trường đô thị và tắc nghẽn hệ thống thoát nước trên địa bàn.
Các đơn vị tiếp tục công bố rộng rãi thông số liên quan đến khả năng thoát nước của từng khu vực trên địa bàn thành phố để các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân chủ động biện pháp ứng phó khi xảy ra mưa lớn. Các sở, ngành và UBND các quận huyện, thị xã tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống tiêu, thoát nước trên địa bàn, đảm bảo mực nước hồ quy định trong mùa mưa; có phương án thu gom rác thải, vớt bèo rác trên mương, sông, hồ, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan các hồ trên địa bàn thành phố.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, tình hình thời tiết thủy văn năm 2019 của miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng diễn biến khá phức tạp. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như: dông, lốc, mưa lớn cục bộ, nắng nóng gay gắt kéo dài, bão, lũ diễn biến bất thường và ngày một khó lường về tần suất, thời gian. Điều đó sẽ kéo theo những nguy cơ cao về các sự cố, thảm họa như: cháy, nổ, ngập lụt, vỡ đê, đổ sập cây cối, công trình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp của thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đối với công tác phòng, chống lụt, bão, úng ngập, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập và các công trình thủy lợi...
Các sở, ngành chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đơn vị để tăng cường theo dõi, kiểm tra công trình, đê điều, hồ đập; theo dõi, nắm bắt diễn biến của các tuyến đê, nhất là tuyến đê xung yếu trong mùa mưa lũ. Ngành chức năng cần chủ động phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm những vi phạm đê điều, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ở các bến bãi bên bờ những con sông lớn trên địa bàn, nhất là tại vị trí trọng điểm, xung yếu, ảnh hưởng đến đê điều, hồ đập, dòng chảy thoát lũ.
Các địa phương thường xuyên xảy ra ngập lụt trong mùa lũ như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên cần theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết và chủ động xây dựng kế hoạch, phương án di dời người dân, gia súc, vật nuôi đang sinh sống trong vùng thoát lũ. UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành và UBND huyện Chương Mỹ tập trung gia cố hệ thống đê hữu Đáy, tả Bùi, đặc biệt là đoạn đê hữu Bùi đã bị vỡ năm 2019 cần sửa chữa cấp bách nhằm bảo đảm an toàn trong mùa lũ năm nay.