Kịch bản biến đổi khí hậu: ĐBSCL có nguy cơ ngập cao do nước biển dâng

Theo kịch bản mới nhất về biến đổi khí hậu năm 2020 mà Bộ Tài nguyên và Môi trường mới công bố, nếu mực nước biển dâng 80 cm, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là khu vực có nguy cơ ngập rất cao, khoảng 31,94% diện tích.

Chú thích ảnh
Khu vực Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa: Thế Anh/TTXVN

Nguy cơ ngập vì nước biển dâng do biến đổi khí hậu sẽ có thể gia tăng do cộng hưởng của các yếu tố khác như nâng hạ địa chất, thay đổi địa hình, sụt lún, thủy triều, nước dâng do bão. Trong đó, đặc biệt là hiện tượng sụt lún đất đang diễn ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh với nền địa hình thấp nhất trên cả nước.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long đang sụt lún 1 cm/năm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7cm/năm tại một số địa điểm, trong khi mực nước biển dâng là 3-5 mm/năm. Cụ thể, tình trạng sụt lún ở một số khu vực tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra rất nghiêm trọng do 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra như: Nhóm nguyên nhân tự nhiên như dịch chuyển các mảng kiến tạo, quá trình nén chặt của các lớp trầm tích trẻ, hoạt động tân kiến tạo, quá trình bóc mòn, bồi tụ bề mặt địa hình… Nhóm nguyên nhân do con người tác động như khai thác nước ngầm quá mức, quá trình đô thị hóa tăng tải trọng trên nền đất yếu, rung động do các hoạt động giao thông.

Với kịch bản nước biển dâng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn đề xuất, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long có thể xem xét một tập hợp các dự tính để đánh giá được hệ quả của các mức dâng khác nhau, xác định khả năng chịu rủi ro liên quan đến các mức dâng đó. Đồng thời, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tham khảo các yếu tố hải văn cực đoan để xác định cấp, quy mô công trình đảm bảo khả năng phòng, chống theo tuổi thọ của công trình. Các tỉnh, thành thuộc khu vực phía Nam cần đánh giá thêm mức độ tăng của yếu tố sóng biển trong tương lai; lựa chọn các dự tính mực nước biển dâng dựa trên khả năng chấp nhận rủi ro và phát triển các lộ trình thích ứng để tăng khả năng chống chịu với mực nước biển dâng, bao gồm các kế hoạch dự phòng nếu dự tính bị vượt quá.

Với Bản đồ nguy cơ ngập được xây dựng dựa trên kịch bản mực nước biển dâng trung bình do biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Tài nguyên nước cho rằng, các yếu tố động lực khác có liên quan như: Sự nâng hạ địa chất, sự thay đổi địa hình, sụt lún đất do khai thác nước ngầm… chỉ được tính đến phần nào bằng cách gián tiếp thông qua mô hình được cập nhật đến năm 2020. Các công trình giao thông và thủy lợi như đê biển, đê sông, đê bao, đường giao thông cũng chưa được xét đến khi xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng tại lần cập nhật này.

Diệu Thúy (TTXVN)
Chủ động ứng phó với nguy cơ ngập lụt những khu vực thấp ven sông Đồng Nai
Chủ động ứng phó với nguy cơ ngập lụt những khu vực thấp ven sông Đồng Nai

Hiện mực nước tại điểm đo Tà Lài trên  sông Đồng Nai vượt mứcbáo động 3 và dự báo tiếp tục lên; nguy cơ ngập lụt những khu vực thấp ven sông Đồng Nai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN