Số hóa cơ sở dữ liệu
Vĩnh Long là một trong những địa phương đi đầu hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai và đưa vào sử dụng. Với hệ thống này, cơ quan quản lý có thể truy cập vào máy chủ qua đường truyền cơ sở dữ liệu lấy thông tin địa chính liên quan đến thửa đất, diện tích… để giải quyết tranh chấp, quy hoạch. Còn người dân, khi đến các văn phòng đăng ký đất đai sẽ được cấp một mã số để truy cập vào website và tiếp cận các thông tin về mảnh đất của mình như vị trí trên bản đồ, diện tích, hiện trạng nộp thuế, sổ đỏ…
Vĩnh Long là một trong những địa phương đi đầu hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai và đưa vào sử dụng. |
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long cho biết, cơ sở dữ liệu địa chính của tỉnh Vĩnh Long đã và đang được ứng dụng hiệu quả trong quản lý nhà nước như tiếp nhận, xử lý và trả lời kết quả về tiếp nhận, giải quyết khiếu nại tố cáo; hỗ trợ công tác thu hồi, bồi thường, giao, cho thuê đất; cung cấp thông tin đất đai cho người dân thông qua dịch vụ tin nhắn… Việc số hóa cơ sở dữ liệu đất đai giúp hạn chế được những sai sót về chuyên môn, tăng trách nhiệm giải trình của cán bộ, chuyên viên liên quan đến quy trình thụ lý hồ sơ. Thủ tục được công khai, minh bạch hóa, rút ngắn được thời gian giải quyết thủ tục, hồ sơ và tiết kiệm chi phí cho xã hội.
“Số hóa cơ sở dữ liệu đất đai sẽ dẫn đến minh bạch, tất cả đều được công khai, nên sẽ không thể thay đổi hồ sơ, dữ liệu đất đai hay phí “bôi trơn” để làm sổ đỏ, làm giảm tình trạng tham nhũng trong quản lý đất đai”. GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Cũng giống như Vĩnh Long, hiện nay Đồng Nai cũng đã hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh. Đây là hai trong số 9 tỉnh thực hiện Dự án hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai (gọi tắt là VLap) từ năm 2008, dựa trên nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường. 9 tỉnh thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Hiện nay, cơ bản 9 địa phương này đã hoàn thành dự án. Sau khi giai đoạn I thành công, giai đoạn II của dự án sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai ở hơn 30 tỉnh, thành.
Ông Cao Tiến Nam, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai (Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ TN&MT) cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được thiết kế theo hướng đa mục tiêu. Cơ sở dữ liệu đất đai giúp các bộ, ngành khác như thuế, tài chính, tư pháp thuận lợi trong quản lý. Người dân có thể thế chấp mảnh đất mà không cần sổ đỏ, các ngân hàng có thể kiểm tra việc vay thế chấp nhanh chóng và thuận lợi, còn ngành xây dựng và giao thông có được cái nhìn tổng quát để đưa ra những quy hoạch đúng đắn.
“Hiện nay, chúng tôi đang thử nghiệm liên thông với ngành thuế về việc xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất tại 7 tỉnh. Tiến tới chúng tôi sẽ quy định chi tiết thông tin nào sẽ thu phí với người dùng, thông tin nào là miễn phí”, ông Cao Tiến Nam cho biết.
Bước đầu thí điểm
Sau khi hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu, việc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai sẽ được thực hiện một cách đơn giản. Bà Bùi Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Long cho biết, tỉnh Vĩnh Long đã bắt đầu thí điểm thực hiện giao dịch này và phương thức mới này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp cũng như nhà quản lý. Người dân, doanh nghiệp sẽ bớt được thời gian đi lại cũng như giao dịch, nếu như trước đây phải đi lại vài lần thì nay chỉ cần ngồi nhà kích chuột và kết nối là cơ bản hoàn thành xong thủ tục.
“Dữ liệu đã được tổng hợp tại cơ sở dữ liệu nên người dân, doanh nghiệp chỉ cần điền thông tin rồi gửi lên website, chúng tôi sẽ tiếp nhận và đối chiếu thông tin. Tiến tới, sẽ hoàn thiện quy trình để người dân có thể chỉ cần chụp ảnh bằng điện thoại hoặc scan văn bản thì cũng có thể thực hiện giao dịch”, bà Bùi Thanh Vân cho biết.
Đại diện Sở TN&MT Đồng Nai cũng cho biết, tỉnh cũng đã thực hiện giao dịch đất đai điện tử. Năm 2016, Sở TNMT Đồng Nai sẽ mở rộng thêm nhiều thủ tục hành chính giao dịch điện tử đồng thời nâng mức giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai lên mức 4.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cả Vĩnh Long và Đồng Nai, số lượng người dân và doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử trong đất đai còn hạn chế. Tại Đồng Nai mới chỉ có một số doanh nghiệp thực hiện giao dịch, còn Vĩnh Long thì chưa có trường hợp giao dịch đất đai điện tử nào.
Lý giải về điều này, đại diện Sở TN&MT Vĩnh Long cho biết, người dân cũng như doanh nghiệp hiện chưa quen với phương thức giao dịch mới, hơn nữa nhiều người dân chưa biết cách sử dụng internet nên vẫn thực hiện giao dịch theo lối truyền thống. Thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các đơn vị truyền thông để hướng dẫn người dân hiểu và sử dụng giao dịch điện tử.
Ông Cao Tiến Nam cho biết, việc giao dịch điện tử về đất đai mới có một số tỉnh thí điểm. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ nghiên cứu cụ thể hóa bằng luật. Trước mắt, khi VLAP 2 được thực hiện sẽ xây dựng một hệ thống phần mềm quản lý về đất đai trên toàn quốc là cơ sở để thực hiện giao dịch điện tử. Việc này sẽ giúp giảm bớt thủ thục hành chính, thời gian thực hiện, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ và tạo tiền đề để phát triển Chính phủ điện tử theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.
Theo dự kiến, giai đoạn 2015 - 2016, Bộ cùng các địa phương sẽ tập trung hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đất đai. Giai đoạn 2017 - 2018 xây dựng và hoàn thiện các công cụ để vận hành hệ thống giao dịch điện tử trên cơ sở điện tử hóa nghiệp vụ hành chính đất đai.