Nhiều biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh nhân tại Đà Nẵng
Tính đến 18 giờ ngày 28/7, Việt Nam ghi nhận thêm 7 ca mắc mới COVID-19 tại Đà Nẵng và Quảng Nam, nâng tổng số mắc lên 4 trường hợp. Cùng ngày, đoàn y, bác sĩ gồm 4 thành viên (2 bác sĩ, 2 điều dưỡng) của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã lên đường đón 219 công dân tại Guinea Xích đạo về nước, trong đó có 120 người mắc COVID.
Từ 0 giờ ngày 28/7, Thành phố Đà nẵng thực hiện phong tỏa 3 bệnh viện: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và phong tỏa khu vực các tuyến đường: Quang Trung, Hải Phòng, Ông Ích Khiêm và Nguyễn Thị Minh Khai cho đến khi có thông báo mới.
Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng cũng đã công bố thông tin về kết quả điều tra, giám sát, xử lý trường hợp 5 ca mắc mới COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Cũng trong ngày 28/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 8 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam nhập cảnh trái phép tại Quận 12. Tất cả những người này đã được đưa đi cách ly tại huyện Củ Chi.
Trong thông báo khẩn số 17, Bộ Y tế đã phát đi yêu cầu những ai đã đến nơi các bệnh nhân COVID-19 đã từng đến, cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: Hà Nội hiện là địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao, do có nhiều người đi du lịch, công tác… từ TP Đà Nẵng trở về.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo về việc tạm dừng hoạt động vận chuyển các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch đến và đi từ Đà Nẵng.
Trong ngày 28/7 tại cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện về công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19 của Đà Nẵng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19 cho biết, Bộ Y tế, Cục quản lý Khám chữa bệnh đã có kế hoạch cụ thể và có các văn bản chỉ đạo công tác chỉ đạo tuyến, chuyển tuyến, phân luồng cách ly, đặc biệt là phương án đối với bệnh nhân nặng.
Hiện nay, Việt Nam đã phát hiện những ca bệnh tại cộng đồng và trong bệnh viện tại Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Đà Nẵng. Trong đó có các bệnh nhân diễn biến nặng phải thở máy và chạy ECMO, bệnh nhân thận nhân tạo mắc COVID-19, bệnh nhân mắc COVID-19 tại cộng đồng, bệnh nhân mắc trong bệnh viện và cả nhân viên y tế mắc COVID-19. Do vậy với kịch bản có thể diễn tiến trong những ngày đầu từ 15-20 ca, sau đó có thể tăng hơn nữa.
Những bệnh nhân tại chỗ cần được triển khai điều trị tích cực tại Bệnh viện Đà Nẵng. Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết: Ngay những ngày đầu, Bộ Y tế đã cử 3 tổ chuyên gia đến hỗ trợ chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng.
Tại Bệnh viện Đà Nẵng hiện có 2 chuyên gia của Cục quản lý Khám, chữa bệnh hỗ trợ. Cục cũng đã cử ê kíp bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy (ê kíp điều trị bệnh nhân 91) và các chuyên gia về hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, truyền nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Bạch Mai; chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Huế vào hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng điều trị bệnh nhân, phòng chống dịch. Hiện các chuyên gia đã khảo sát và đang thiết lập Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Trước đó, ngay từ đầu mùa dịch COVID-19, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã yêu cầu các bệnh viện bố trí 20 giường bệnh biệt lập để cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19…
Tính đến 13 giờ ngày 28/7 trên địa bàn thành phố còn lại khoảng 314 du khách chưa thể rời thành phố Đà Nẵng do không sắp xếp được phương tiện đi lại, mặc dù du khách đã được thông báo cần rời khỏi Đà Nẵng trước 0 giờ ngày 28/7 để thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Hà Nội tạm dừng tổ chức các chương trình du lịch
Ngày 28/7, Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn Hà Nội tạm dừng tổ chức các chương trình tham quan, du lịch đến các địa phương đang có dịch. Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện chương trình du lịch phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh cho nhân viên; theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của khách du lịch trong và sau khi kết thúc hành trình, hướng dẫn du khách chủ động theo dõi sức khỏe, khai báo y tế và các yêu cầu về cách ly theo quy định.
Cơ quan này cũng đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương báo cáo về tình hình các đoàn khách du lịch đã đến hoặc đi qua các vùng dịch trong thời gian từ 8/7/2020 đến nay; lập danh sách các nhân viên, hướng dẫn viên đã tiếp xúc với các đoàn khách du lịch để có biện pháp hỗ trợ y tế kịp thời; thống kê, báo cáo về tình trạng hủy tour, hủy dịch vụ du lịch do ảnh hưởng của dịch. Đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, nghiêm túc thực hiện việc khai báo khách lưu trú hằng ngày cho các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương để theo dõi quản lý.
Các cơ sở lưu trú cũng rà soát khách du lịch đang lưu trú, cung cấp thông tin những người đi, đến từ Đà Nẵng từ ngày 8/7/2020 cho chính quyền và y tế địa phương để có biện pháp giám sát. Các cơ sở lưu trú du lịch đã được thành phố phê duyệt làm khu cách ly tập trung cần tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 không để lây nhiễm chéo trong cơ sở lưu trú du lịch và ra cộng đồng.
Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch phun thuốc phòng chống dịch, trang bị khẩu trang, đặt dung dịch sát khuẩn tại nơi công cộng, khu vực lễ tân, vệ sinh nơi làm việc, phương tiện phục vụ khách du lịch, nhắc nhở du khách, nhân viên đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi tham gia các dịch vụ du lịch…
Các khu, điểm tham quan du lịch chủ động, phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành điều phối các đoàn khách tham quan, tránh tập trung số lượng đông tại cùng một thời điểm. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh cần chủ động phối hợp với các cơ sở y tế địa phương thực hiện cách ly theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngày 28/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng yêu cầu đơn vị, trong đó có các di tích thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu các đơn vị phải có dung dịch để sát khuẩn tay và thực hiện đo thân nhiệt hàng ngày cho cán bộ, nhân viên, người sử dụng dịch vụ; tổ chức vệ sinh cơ quan, các khu vực dùng chung... bằng hóa chất hoặc dung dịch sát khuẩn, phun khử khuẩn định kỳ hoặc khi có yêu cầu.
6 nạn nhân trong vụ TNGT nghiêm trọng đã xuất viện
Ngày 28/7, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới thông tin, liên quan đến các nạn nhân vụ lật xe ngày 26/7, hiện tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện đã có những dấu hiệu tiến triển tích cực, một số nạn nhân sức khỏe bình phục và đã được xuất viện.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Mạnh Hùng, Khoa Ngoại tổng hợp, Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới cho biết: Sau khi theo dõi, thăm khám tình hình sức khỏe các ca bệnh trong vụ lật xe, ngày 28/7, đã có 6 trường hợp đủ tiêu chuẩn được xuất viện.
Trong đó, 4 trường hợp sức khỏe bình phục đã được xuất viện về nhà, gồm: Trương Mạnh Tiến, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Vy Hạnh (đều trú tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình, Lê Anh Sơn (trú tại thành phố Hồ Chí Minh); 2 trường hợp còn lại là Nguyễn Thị Kim Cúc, Bùi Minh Quốc (trú tại thành phố Hồ Chí Minh) sức khỏe cũng tiến triển tốt nên xin về nơi cư trú để tiếp tục điều trị và đã được bệnh viện đáp ứng. Hiện, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam–Cuba Đồng Hới còn 13 nạn nhân trong vụ tai nạn lật xe đang tiếp tục được điều trị. Các nạn nhân được đội ngũ y bác sỹ giỏi của bệnh viện tích cực cứu chữa, chăm sóc.
Ông Dương Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ Y tế, Bí Thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Bệnh viện đã tập trung toàn bộ nguồn lực tại chỗ, huy động đội ngũ y bác sĩ giỏi, có chuyên môn cao và các chuyên gia Cuba công tác tại bệnh viện cùng phối hợp với đoàn bác sỹ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện hội chẩn, tiến hành cấp cứu, phân loại, xử trí, chữa trị kịp thời các trường hợp nạn nhân bị thương. Đến nay, số nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện không có thêm ca tử vong nào, tình hình sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt và phục hồi tích cực.
Đội ngũ y bác sỹ tại bệnh viện đã nỗ lực triển khai các biện pháp cứu chữa, điều trị, chăm sóc tốt nhất cho các nạn nhân. Riêng với các nạn nhân đủ tiêu chuẩn đã được xuất viện, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới đã cung cấp số điện thoại liên quan nhằm hỗ trợ bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân khi cần để liên hệ. Bệnh viện sẽ tiếp tục hỗ trợ, theo dõi nắm tình hình diễn biến sức khỏe các nạn nhân kể cả khi đã xuất viện.
Ông Dương Thanh Bình thông tin thêm, trong số các nạn nhân bị thương được Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam –Cuba Đồng Hới tiếp nhận, có hai trường hợp bị thương nặng, sau khi được cấp cứu và truyền máu kịp thời đã qua cơn nguy kịch. Ngày 27/7, hai trường hợp này đã được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục điều trị.
Theo thông tin mới nhận được từ Bệnh viện Trung ương Huế, sức khỏe của hai trường hợp này đã ổn định dần. Trước đó, ngày 26/7, một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã làm 15 người tử vong (trong đó, 9 nạn nhân tử vong tại chỗ, 4 nạn nhân tử vong trên đường đưa vào bệnh viện, 2 nạn nhân bị thương quá nặng đã tử vong tại bệnh viện) và nhiều người khác bị thương.
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự; tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật.