Nhiều sai phạmVừa qua, lãnh đạo Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã phải nhiều lần cúi đầu xin lỗi người dân và chấp nhận đền bù thiệt hại vì thải các loại chất gây ô nhiễm xuống biển khiến hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.
Cần kiểm soát nghiêm ngặt công nghệ của các nhà máy dự án để tránh tổn thất về môi trường. Ảnh: cect.gov.vn |
Ngay sau vụ Formosa, Công ty mía đường Hòa Bình (Lạc Sơn, Hòa Bình) cũng đã bị “tuýt còi” vì là thủ phạm xả thải chưa qua xử lý ra sông Bưởi, làm cá chết hàng loạt.
Không chỉ Formosa hay Công ty mía đường Hòa Bình, thời gian gần đây, rất nhiều dự án đã bị “phanh phui” quy trình công nghệ sản xuất không đảm bảo, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), việc đưa vào sử dụng công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, cùng một loạt các sai phạm về quy trình công nghệ sản xuất của nhiều dự án, dẫn đến hậu quả gây ô nhiễm môi trường khủng khiếp, đang là “báo động đỏ” cho khâu quản lý công nghệ của các dự án, nhà máy.
Báo cáo của Bộ KH&CN cho thấy, thực tế hiện nay, trong các dự án, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ mà các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao cho Việt Nam phần lớn không phải các công nghệ tiên tiến, đa số chỉ đạt mức trung bình; nhiều trường hợp là công nghệ cũ, lạc hậu, thậm chí có dây chuyền còn xếp vào loại thanh lý; khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thải và phải đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường nếu không kiểm soát chặt. “Các nhà đầu tư luôn tính toán để thu lợi nhuận cao nhất, trong khi đó, nhiều địa phương, cơ quan cũng thiếu thông tin và hiểu biết về công nghệ, đặc biệt là yếu kém trong công tác thẩm định, đã dẫn tới tình trạng này”, đại diện Bộ KH &CN cho biết.
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam khẳng định: “Việc không kiểm soát được tình trạng các dự án, nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị cũ không chỉ gây tổn hại kinh tế của doanh nghiệp, mà còn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường rất lớn, vì những dây chuyền công nghệ này sẽ thải ra nhiều phế phẩm và chất độc hại. Những chất thải ấy, nếu xử lý đúng phương pháp, đúng quy trình, sẽ rất tốn kém. Và thông thường, các doanh nghiệp thường không có đủ kinh phí để xử lý, nhiều doanh nghiệp thậm chí trốn tránh đầu tư công nghệ xử lý chất thải, nên chọn cách gian dối, “tống” thẳng ra môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là chưa kể những dây chuyền máy móc này thường tiêu hao năng lượng nhiều hơn máy móc hiện đại”.
Vẫn nhiều “lỗ hổng”Mặc dù chỉ Bộ KH&CN có đủ năng lực để thẩm định công nghệ các dự án và quy trình thẩm định công nghệ cũng đã được Bộ KH&CN xây dựng rất chi tiết, cụ thể trong Thông tư 10 về thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư; tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc: “Hiện nay, trong quá trình thẩm định các dự án, Bộ KH&CN chỉ được tham gia ở khâu tiền khả thi, ở giai đoạn này, tất cả mọi thứ còn sơ bộ, chưa có nội dung cụ thể, ngay cả vấn đề về công nghệ. Bộ KH&CN cũng chỉ có thể cho ý kiến xem công nghệ của dự án có thuộc danh sách bị cấm hay không, còn lại các quy trình công nghệ cụ thể như thế nào, kiểm soát môi trường khí thải ra sao thì không được tham gia thẩm định trực tiếp”.
Bà Trần Thị Tuyết Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN cũng khẳng định: Nhiều dự án Bộ KH&CN thậm chí không được tham gia vào quá trình thẩm định công nghệ. Như trường hợp của Formosa, giai đoạn thẩm định cụ thể trong dự án, thậm chí tất cả những phần liên quan đến công nghệ, thiết kế công nghệ lại do Bộ Công Thương duyệt. Đây là một lỗ hổng trong chính sách đầu tư hiện nay, dễ khiến để lọt các dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu vào nước ta dẫn đến tiêu tốn năng lượng và ảnh hưởng đến môi trường.
Cũng theo bà Trần Thị Tuyết Nhung, xét về lĩnh vực quản lý KH&CN đối với các dự án sản xuất, ngoài các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, các dự án khác đều cần phải có ý kiến của Bộ KH&CN, sở KH&CN các tỉnh, thành phố, nơi dự kiến triển khai dự án. Mặc dù vậy, thực tế vẫn diễn ra là các chủ đầu tư gửi hồ sơ dự án để thẩm định với phần thuyết minh sơ sài, không chú trọng phần thuyết minh về công nghệ; nên bản thân Bộ KH&CN và các Sở KH&CN các địa phương cũng không đủ thông tin để xem xét, thẩm định.
“Thậm chí, nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư không tuân thủ trình tự thẩm tra hồ sơ dự án, nhiều hồ sơ dự án đầu tư không được gửi tới Bộ KH&CN hoặc sở KH&CN để thẩm định theo đúng trình tự; dẫn đến tình trạng không kiểm soát được máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, nhất là việc sử dụng các dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, không đảm bảo của các dự án đầu tư”, bà Trần Thị Tuyết Nhung chia sẻ.