Ngày 13/4, tại Hội thảo “Sử dụng chất tạo nạc và an toàn thực phẩm” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT) đã khẳng định hiện nay đã tạm thời kiểm soát được chất cấm trong chăn nuôi. Nhưng, thông tin về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng cần được công bố rõ ràng hơn để giúp người tiêu không tẩy chay oan với thịt lợn sạch cũng như tránh mua phải thịt lợn không đảm bảo chất lượng.
Thiệt đơn, thiệt kép
Thông tin về việc sử dụng hóa chất độc hại trong chăn nuôi để tạo ra lợn có tỷ lệ nạc cao suốt trong hơn 1 tháng qua đã khiến ngành chăn nuôi lợn bị thiệt hại đáng kể. Từ khi có thông tin về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ngành chăn nuôi đã bị thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng (chỉ mới tính riêng thiệt hại của các hộ sản xuất).
Anh Nguyễn Hồng Hà, Công ty cổ phần chăn nuôi Alpha, một doanh nghiệp chăn nuôi hơn 1.000 con lợn ở Văn Giang (Hưng Yên) cho biết: “Thời gian qua, tiêu thụ các loại lợn siêu nạc giảm mạnh do người tiêu dùng có tâm lý cho rằng, cứ lợn siêu nạc là sử dụng chất cấm”.
Quản lý thị trường Đồng Nai kiểm tra phát hiện thức ăn gia súc có thành phần chất tạo nạc tại Công ty Thiên Hưng Phát. Ảnh: Mạnh Thắng |
Theo anh Hồng Hà, giá thịt lợn giảm từ Bắc chí Nam. Trước khi có thông tin về chất cấm, giá lợn là 55.000 đồng/kg còn bây giờ xuống còn 47.000 đồng/kg đã giảm đi 8.000 đồng/kg. Với mức giảm như thế, đương nhiên người chăn nuôi mất đi 800.000 đồng đối với mỗi con lợn 1 tạ. Nếu chăn nuôi 1.000 con thì mức thiệt hại là 800 triệu đồng. Tại thời điểm này, nhà nào nuôi càng to thì lỗ càng lớn.
Người chăn nuôi thiệt hại thì đã thấy rõ, nhưng nhìn xa hơn, tình hình nếu không được kiềm chế thì cuối cùng, chính người tiêu dùng mới là người phải gánh chịu hậu quả. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc tẩy chay thịt lợn một cách “vơ đũa cả nắm” có thể dẫn tới phiền toái khác. Tâm lý sợ, hoang mang không ăn thịt lợn, chuyển sang dùng các loại thực phẩm khác của người tiêu dùng cũng có thể dẫn tới việc giá cả các thực phẩm khác leo thang.
Bên cạnh đó, nếu thiệt hại quá, có nguy cơ người chăn nuôi sẽ bỏ đàn. Nếu như vậy thì chỉ cần khoảng 6 tháng sau, nguồn cung bị khan hiếm, giá thịt lợn lại bị đẩy lên là mọi người cùng bị thiệt. “Trước khủng hoảng là 55.000 đồng /kg nhưng chỉ cần 6 tháng sau có thể sẽ tăng lên 60.000/kg”, anh Nguyễn Hồng Hà dự đoán. Như vậy, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều bị thiệt đơn, thiệt kép.
Minh bạch thông tin và tăng cường giám sát
Thái độ hoang mang và “tẩy chay oan” đối với thịt lợn nạc sạch khiến những người chăn nuôi chân chính chịu ảnh hưởng theo trong thời gian qua có một phần nguyên nhân là người tiêu dùng không có thông tin đầy đủ, khoa học.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, vừa qua, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng hết sức kịp thời. Nhưng mặc dù vậy, người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa thể an tâm. Bởi, kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không dễ dàng. “Chỉ cần một thìa chất cấm trộn vào cám là sau nửa tháng họ có thể lãi vài trăm ngàn đối với một con lợn. Các thương lái đã tiếp tay cho người nông dân làm việc này”, ông Hùng nói. Do đó, nếu chúng ta chỉ lơ là một chút thôi là những đối tượng này lại vào cuộc. Họ sẽ lại lén đưa lượng chất cấm đang cất giữ để trộn vào cám cho vật nuôi ăn.
Tại hội thảo, các cơ quan quản lý và nhiều nhà khoa học vẫn lo ngại, chất cấm trong chăn nuôi đã được kiểm soát nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại. Biện pháp tăng cường kiểm tra là cần thiết nhưng lại rất tốn kém. Vì thế, phải xử thật nghiêm những người phát tán chất cấm này. Đồng thời, “người sản xuất phải giám sát lẫn nhau, lên án những người làm ăn gian dối và thông báo cho các cơ quan chức năng để bảo vệ những người chăn nuôi chân chính và bảo vệ cả người tiêu dùng”, ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, việc thông tin nhiều chiều cũng là giải pháp quan trọng để giúp người tiêu dùng tự bảo vệ mình và qua đó để bảo vệ những người chăn nuôi chân chính. Trong cuộc giao lưu trực tuyến của Bộ NN&PTNT mới đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã khuyến khích người tiêu dùng tẩy chay với những người chăn nuôi cho chất độc hại vào thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, muốn người tiêu dùng có hành động đúng thì phải có thông tin đúng.
Đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đề xuất nhân thời điểm này, tập trung để những người tiêu dùng biết được những sản phẩm tin cậy. Hội sẽ phối hợp với Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) sẽ phải phối hợp tìm biện pháp để giúp người dân có thể tiếp cận được với những doanh nghiệp chăn nuôi và sản phẩm uy tín. Cùng với đó, Hội cũng kiến nghị phải sớm có những hướng dẫn cần thiết để giúp người tiêu dùng phân biệt được và tránh mua phải những loại thịt có tồn dư chất độc hại.
Mạnh Minh