Từ hai bàn tay trắng, chàng trai Nguyễn Bách Trường (Hoài Đức, Hà Nội) đã gây dựng nên cơ sở sản xuất tăm giang với thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho gần 100 hộ dân tại mảnh đất quê hương.Gian nan khởi nghiệpXuất ngũ vào năm 2009, Nguyễn Bách Trường trở về quê và quyết định lập nghiệp với nghề làm tăm truyền thống của gia đình. Số vốn khởi nghiệp của vợ chồng anh là mấy tạ tăm tre mẹ cho, trị giá 5 triệu đồng, máy móc “hiện đại” nhất trong nhà là chiếc máy dập hộp trị giá 2 triệu đồng. Nhà xưởng không có, hai vợ chồng anh ở nhà xây tạm trên đất bố mẹ cho, không có chỗ để hàng. Những ngày mưa, nửa đêm đang ngủ cũng phải dậy chuyển tăm vào nhà vì sợ ẩm mốc. “Hàng ngày, tôi đi bán tăm tre dạo, đến các cửa hàng để tiếp thị. Những ngày đầu, đa phần tôi bị từ chối vì hàng chưa có thương hiệu hoặc họ quen lấy ở những mối quen. Có những ngày đi 40 - 50 km mà không bán được gói tăm nào, khát nước cũng không dám uống”, anh Trường cho biết.
Anh Nguyễn Bách Trường hướng dẫn nhân viên tại xưởng. |
Khó khăn ở đầu vào, khi chưa tìm được nơi cung cấp nguyên liệu ổn định và cả đầu ra, khi chưa có thị trường. Nhưng liên tiếp trong 2 năm, anh kiên trì mang tăm đến tiếp thị, nhờ bán tại các cửa hàng. Có những nơi đến 3 lần đều bị chủ cửa hàng từ chối nhưng anh không bỏ cuộc, mà càng quyết tâm hơn. Anh vừa đi tiếp thị tăm, vừa tự đọc sách và nghiên cứu trên mạng các kiến thức về công nghệ để hoàn thiện sản phẩm.
Qua thực tế và tự mày mò nghiên cứu, anh nhận thấy việc đầu tư vào sản phẩm tăm có chất lượng tốt và hình thức đẹp là xu hướng được người tiêu thụ lựa chọn. Vì vậy, thay vì chọn sản xuất mặt hàng tăm nhọn hai đầu như thông thường thì anh chọn hàng tăm Vip, là loại tăm nhỏ và đều hai đầu. Cùng với đó, thay vì sử dụng chất liệu tre như cách làm truyền thống, anh lựa chọn chất liệu là cây giang, mặc dù với nguyên liệu này, chi phí đầu tư sẽ cao hơn. “Cây giang có độ dẻo và dai hơn cây tre. Vì thế mà chiếc tăm làm bằng giang có thể bẻ cong, uốn tròn mà không gãy, còn tăm tre thì chỉ cần bẻ cong là gãy ngay. Chất lượng tăm giang tốt hơn hẳn, nên dù giá thành cao tăm giang cao hơn tăm tre hơn 30% nhưng sau thời gian dùng thử, người dùng sẽ tin tưởng lựa chọn tăm giang”, anh Trường chia sẻ.
Sau một năm đưa sản phẩm tăm giang vào thị trường, đến nay, sản phẩm tăm Vip Trường Thịnh đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. “Chủ cửa hàng từng từ chối mình 3 lần trước kia nay đã tự liên hệ với mình để đặt hàng. Mình thấy rất vui, vì công sức và sản phẩm của mình cuối cùng cũng đã được đánh giá đúng”, anh Trường vui vẻ kể.
Một chữ tín vạn chữ tinTừ chỗ nhà xưởng, máy móc, nhân công đều không có, nhân lực chính chỉ có 2 vợ chồng, mọi khâu đều làm thủ công, đến nay, anh Trường đã gây dựng được một cơ sở khang trang với 10 nhân công làm việc tại xưởng và việc làm cho 100 hộ gia đình xã Cát Quế. Trang thiết bị, máy móc của xưởng đã lên đến gần 2 tỷ đồng. Mỗi tháng cơ sở đạt từ 60 - 100 triệu đồng lợi nhuận, cả năm là gần 1 tỷ đồng với mức tiêu thụ khoảng 3 tấn hàng/tháng. Từ đầu năm 2014 đến nay, mức tiêu thụ hiện đang tăng lên 4 - 5 tấn hàng/tháng.
Nhận xét về sản phẩm tăm của mình, anh Trường nói: “Sự khác biệt ở chất liệu đã tạo nên một sản phẩm tốt hơn hẳn. Hơn nữa, tăm giang của cơ sở mình không tẩy trắng bằng lưu huỳnh, tăm giữ được màu xanh và mùi thơm tự nhiên của giang. Mình cũng là người đầu tiên đầu tư thay thế tăm tiệc cưới từ tăm nhọn thành tăm Vip, với bao bì, hình thức bắt mắt, thu hút, đến nay rất nhiều nơi làm tiệc cưới đã đặt hàng của cơ sở”.
Không chỉ chú trọng tạo dựng thương hiệu sản phẩm, trách nhiệm xã hội luôn được Nguyễn Bách Trường đề cao. Cơ sở của anh đã tạo công ăn việc làm cho 100 hộ dân trong xã, chủ yếu là những người già, phụ nữ đang mang thai, học sinh... Anh nhập nguyên liệu, giao về cho các hộ dân làm thủ công, chẻ giang thành từng sợi, sau đó, các sợi giang sẽ được chuyển về xưởng chọn lọc để sản xuất, đóng gói thành phẩm. “Làm tăm là nghề lâu đời của người dân nơi đây nhưng vì kinh tế thị trường mà càng ngày càng ít nhà duy trì được nghề này. Dù lúc đầu khá khó khăn về hướng dẫn bà con trong cách làm sản phẩm mới, hoàn toàn thủ công từ cách vót, tỉa... nhưng sau một thời gian, mọi người đều bảo đảm chất lượng sản phẩm, cơ sở thì vừa bảo đảm hàng sản xuất mà tạo được việc làm cho bà con”, anh Trường cho biết.
Tiếp xúc với Nguyễn Bách Trường, người ta dễ dàng nhận thấy sự thật thà, chất phác của người nông dân, sự nhiệt thành, tốt bụng của người lính trong con người anh. Con người sao, kinh doanh vậy. Anh luôn đặt chữ tín và sự tin tưởng của khách hàng lên làm đầu, không vì cái lợi trước mắt mà mất đi uy tín sau này. “Tăm Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh mạnh từ hàng Trung Quốc trên thị trường nhưng thực tế, hàng Trung Quốc dù giá rẻ mà chất lượng không tốt thì người dân sẽ vẫn lựa chọn hàng Việt. Sắp tới, cơ sở sẽ mở rộng thị trường vào miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, tiến tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia...”, anh Trường cho biết.
Hiện anh ấp ủ dự định sản xuất loại tăm đặc biệt, thân thiện với môi trường bằng chất liệu tiêu hủy được. “Hiện sản phẩm đang trong quá trình thử nghiệm, đã hoàn thiện về mặt nguyên liệu và sẽ sớm có mặt trên thị trường và mình tin tưởng sản phẩm này sẽ được đón nhận”, chủ cơ sở tăm giang Trường Thịnh tiết lộ.
Bài và ảnh: Thu Trang