Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ mặt hàng rau củ quả tại chợ an toàn thực phẩm xã Đông Văn, huyện Đông Sơn. |
Qua kiểm tra thực tế tại xã Đông Văn và Thị trấn Rừng Thông (huyện Đông Sơn), đồng thời kiểm tra, giám sát tại 2 mô hình chợ an toàn thực phẩm xã Đông Văn, chợ Thị trấn Rừng Thông và một số bếp ăn tập thể, khu giết mổ tư nhân trên địa bàn, đoàn kiểm tra liên ngành về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa đã đánh giá cao việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý của các địa phương nói trên.
Tại điểm kiểm tra Chợ an toàn thực phẩm Thị trấn Rừng Thông, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, thời gian qua, Ban quản lý Chợ Thị trấn Rừng Thông đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành đoàn thể của thị xã và các địa phương chủ động vào cuộc quyết liệt, tăng cường tuyên truyền và kiểm soát hoạt động vận chuyển, kinh doanh, buôn bán các loại thực phẩm tại chợ.
Hiện chợ có 360 hộ đăng ký kinh doanh cố định, trong đó có 236 hộ kinh doanh thực phẩm. Chợ có khu kinh doanh thực phẩm tươi sống do dự án Lifsap Thanh Hóa đầu tư xây dựng, có khu giết mổ gia cầm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chợ đã được bố trí, xắp xếp lại khu vực kinh doanh thực phẩm tại các lều quán bên ngoài khu vực Lifsap để tiện cho việc kinh doanh và kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chị Thiều Thị Hồng, tiểu thương kinh doanh, buôn bán mặt hàng thịt tươi sống tại Chợ Thị trấn Rừng Thông khẳng định luôn lựa chọn các mặt hàng tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng để bán cho người dân. |
Chị Thiều Thị Hồng, một trong những tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại Chợ Thị trấn Rừng Thông nhiều năm nay. Gia đình chị Hồng đang kinh doanh một số mặt hàng thịt tươi sống. Để tiêu thụ tốt các mặt hàng thực phẩm kinh doanh buôn bán tại chợ, gia đình chị Hồng đã luôn chú trọng làm tốt các khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Hồng cho biết: “Qua tuyên truyền của Ban quản lý Chợ Thị trấn Rừng Thông và các cơ quan chức năng của địa phương, gia đình tôi đã chấp hành tốt các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không kinh doanh những hàng không rõ nguồn gốc, những mặt hàng trôi nổi trên thị trường. Hàng ngày tôi lựa chọn các mặt hàng tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng để bán cho người dân”.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Đông Sơn, hiện trên địa bàn huyện có 240 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Trong năm 2017 và quý 1 năm 2018, toàn huyện đã tổ chức được 82 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó có 7 đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, thực hiện kiểm tra 241 lượt tại các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhắc nhở 18 cơ sở, phát hiện và xử phạt 19 cơ sở vi phạm với số tiền trên 23,3 triệu đồng; cấp xã đã tổ chức 75 đoàn kiểm tra, kiểm tra được 850 lượt tại các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhắc nhở 72 cơ sở.
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020” và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến nay nhận thức và ý thức trách nhiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm của cán bộ, đảng viên, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm ở huyện Đông Sơn đã nâng cao rõ rệt. Các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được đầu tư với quy mô sẩn xuất tập trung, diện tích sản xuất an toàn tăng lên. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả. Trong năm 2018, huyện sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo chuyển biến rõ về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Phấn đấu 15/15 xã, thị trấn đạt tiêu chí xã an toàn thực phẩm trong năm 2018.
Đoàn kiểm tra liên ngành công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa kiểm tra tại khu giết mổ tư nhân xã Đông Văn (huyện Đông Sơn). |
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện một số vấn đề còn tồn tại như: kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thực hiện theo Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện vẫn còn những bất cập như chưa giám sát quy trình sản xuất rau an toàn, chưa thực hiện niêm yết giá đầy đủ tại các cửa hàng kinh doanh, buôn bán tại chợ. Kết quả kiểm tra đối với một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cho thấy việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao, các cơ sở chưa chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, chưa có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị của các cơ sở sản xuất chưa tốt; chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm, một số cơ sở thực phẩm chưa có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Công tác quản lý an toàn thực phẩm tại chợ còn một số bất cập, gặp khó trong việc xác minh nguồn gốc thực phẩm đảm bảo an toàn.
Ông Hà Văn Giáp, Phó Chánh Văn phòng điều phối Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Thời gian tới, để quản lý, xác định được nguồn gốc hàng hoá, thực phẩm, đoàn đề nghị các cơ quan chức năng huyện Đông Sơn nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh cần có biện pháp quản lý chặt chẽ từ nơi sản xuất, nuôi trồng và các cửa khẩu nơi hàng hoá thực phẩm nhập về đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ kinh doanh và nhân dân trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Các cơ quan chức năng cấp tỉnh sẽ quan tâm, phối hợp, hỗ trợ đơn vị cơ sở trong trình triển khai các chuỗi thực phẩm an toàn ở xã; mô hình bếp ăn tập thể... để đến hết năm 2018 hoàn thành 2 mô hình tại xã Đông Văn và thị trấn bảo đảm các tiêu chí xã thị trấn bảo đảm an toàn thực phẩm; các xã nông thôn mới hoàn thành mô hình xã an toàn thực phẩm; xây dựng Đông Sơn thành huyện điểm về bảo đảm an toàn thực phẩm."
Được biết, đây là hoạt động mở đầu cho đợt kiểm tra liên ngành công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian từ 17/5 đến 19/6, Đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đợt 1 năm 2018 tại 8 địa phương khác trong tỉnh.