Cảng cá Tắc Cậu là 1 trong 10 cảng cá lớn nhất của cả nước, nằm bên bờ sông Cái Bé thuộc thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Bình quân mỗi năm, hơn 14.700 lượt tàu đánh cá, tàu vận chuyển hải sản trên ngư trường trong, ngoài tỉnh cặp bến, với sản lượng thủy - hải sản qua cảng khoảng 236.000 tấn cung ứng cho thị trường nội địa và chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, Cảng cá Tắc Cậu hiện trong tình trạng ô nhiễm nặng và quá tải, nhưng chưa được ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đầu tư nâng cấp, cải thiện nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nghề cá.
Khu vực phân loại cá ở Cảng Tắc Cậu, nơi được coi là tác nhân gây ô nhiễm.
|
Cảng cá Tắc Cậu có tổng diện tích đầu tư xây dựng 32 ha, trong đó khu chuyên biệt 7,5 ha phục vụ hậu cần nghề cá, với cầu cảng dài 500 m tiếp nhận tàu cá công suất từ 45 CV đến 600 CV trở lên và hàng trăm nhà lựa, phân loại sản phẩm thủy sản, ki ốt bán hàng phục vụ tàu cá, điểm kinh doanh dịch vụ; diện tích còn lại xây dựng 18 nhà máy chế biến thủy - hải sản của các doanh nghiệp. Nhìn chung, Khu Cảng cá Tắc Cậu đang tác động xấu đến môi trường khu vực do ô nhiễm nặng. Trong tổng số 18 nhà máy chế biến thủy - hải sản đang hoạt động ở đây, chỉ có 5 nhà máy đầu tư trạm xử lý nước thải, nhưng hầu hết mang tính đối phó, chất lượng nước xử lý chưa đảm bảo trước khi xả thải ra sông.
Ông Trần Xuân Mỹ, phó giám đốc Ban quản lý Bến, Cảng cá Kiên Giang cho biết: Lượng nước thải của toàn khu vực cảng thải ra môi trường 5.000 m³/ngày đêm, trong đó chỉ khoảng 1.000 - 1.500 m³ được xử lý. Ngoài ra, khối lượng rác thải sinh hoạt thải ra 4 - 5 tấn/ngày vứt bừa bãi, chưa vệ sinh sạch sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng vẻ mỹ quan khu vực cảng. Trên các vỉa hè còn nhiều phế phẩm xây dựng, bao bì đóng gói, dây buộc, nẹp, bọc nylon, vỏ hộp, chai nhựa, nội tạng thủy sản... chưa được thu gom xử lý; nước thải từ các nhà máy xả tràn trên mặt đường nội bộ của cảng; xe vận chuyển hàng thủy sản đổ xả nước thải không đúng nơi quy định... Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng Cảng cá Tắc Cậu cũng đang trong tình trạng xuống cấp, nhất là hệ thống đường nội bộ trong khu vực 7,5 ha; đường chính dẫn từ Quốc lộ 63 vào cảng đang cần được nâng cấp sửa chữa. Cao độ mặt bằng cảng thấp, khi có triều cường thường kéo theo rác, nước thải, cặn bùn... tràn ngược lên đường nội bộ, gây hôi thối, ô nhiễm. Trạm xử lý nước thải của cảng công suất 400 m³/ngày chỉ xử lý nước rửa thủy sản ở cầu cảng, không khả năng xử lý nước thải của các nhà máy thải ra.
Hiện nay, Cảng cá Tắc Cậu cũng đang trong tình trạng quá tải, chỉ tiếp nhận cặp bến 25 tàu/ngày và lúc cao điểm khoảng 50 tàu/ngày. Trong khi đó, chỉ tính riêng tỉnh Kiên Giang có khoảng 1.200 phương tiện công suất lớn nên khi hết con nước đi biển trở về đất liền vào cuối tháng thì nhu cầu cặp bến cảng lên hàng cung ứng cho thị trường rất lớn, có lúc hàng trăm tàu cá phải neo đậu dài ngày trên sông để chờ lên hàng, vừa tốn kém thêm chi phí, vừa không đủ thời gian nghỉ ngơi, sửa chữa tàu thuyền chuẩn bị cho chuyến biển kế tiếp, gây bức xúc cho chủ phương tiện. Ông Trần Xuân Mỹ, phó giám đốc Ban quản lý Bến, Cảng cá Kiên Giang nói: Cảng cá Tắc Cậu đang bị quá tải, nhưng chúng tôi cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc khi tàu cá cặp bến thì tập trung phương tiện, lao động lên hàng càng nhanh càng tốt. Điều này đã ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của nghề cá.
Để khắc phục tình trạng quá tải và ô nhiễm ở Cảng cá Tắc Cậu, Ban quản lý Bến, Cảng cá Kiên Giang kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm đầu tư nâng cấp cảng. Trước mắt xây dựng lại các quy trình bốc dỡ hàng hóa; triển khai sửa chữa, nâng cấp và hoàn thành sớm các hạng mục công trình chủ yếu gồm: nền, mặt đường bê tông xi măng, hệ thống thoát nước, nâng cấp nhà lựa - phân loại sản phẩm, đường nội bộ, xây mới chợ cá, thu gom nước thải khu vực cầu cảng về trạm xử lý. Tiếp đến, mở rộng cảng giai đoạn 2 từ nay đến năm 2015, nâng tổng diện tích lên 148 ha, trong đó 48 ha xây dựng cầu cảng gắn với nâng cấp cầu cảng hiện có, nhà lựa - phân loại sản phẩm, chợ cá, bãi đỗ xe, ki ốt bán hàng phục vụ hậu cần tàu cá, kinh doanh dịch vụ, hệ thống bốc dỡ hàng hóa, hệ thống xử lý nước thải.
Đối với tình trạng ô nhiễm, Cảng cá Tắc Cậu tiếp tục duy trì các hoạt động vệ sinh môi trường, thông thoáng hệ thống cống rãnh, thu gom chất thải rắn. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong cảng thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường. Tổ chức thuê công nhân quét dọn, xịt nước rửa thường xuyên trong cảng theo chế độ thường nhật và định kỳ kết hợp bố trí các thùng chứa rác tại những khu vực có nhiều rác thải, vận chuyển ra bãi rác tập trung để xử lý. Tổ chức các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tại cảng nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường khu vực. Tăng cường công tác quản lý và tổ chức thực hiện tốt vệ sinh môi trường kết hợp xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, nhất là vấn đề xả nước thải chưa qua xử lý của các nhà máy.
Lê Huy Hải