Theo đó, tỉnh dừng các hoạt động hội họp, tập trung đông người; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các điểm công cộng, các cơ sở kinh doanh doanh quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ trò chơi điện tử, kinh doanh đồ uống, nhà hàng…
Thành phố Rạch Giá - trung tâm hành chính của tỉnh Kiên Giang, người dân nơi đây nêu cao ý thức phòng chống dịch bệnh, hạn chế ra đường hay đến chỗ đông người. Hầu hết các quán nhậu, ăn uống, dịch vụ vui chơi, giải trí… tập trung đông người tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Linh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Rạch Giá, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể giao cho các đơn vị chuyên môn quán triệt thực hiện đồng bộ việc tuyên truyền, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, các hoạt động giải trí đông người trên địa bàn. Đến ngày 28/3, đã có 136/136 điểm trò chơi điện tử trên địa bàn 12/12 phường, xã tạm ngưng hoạt động; 20/20 vũ trường, quán bar, karaoke… cũng đã thực hiện việc treo bảng tạm ngưng kinh doanh. Một số nhà hàng lớn, quán nhậu, quán ăn, cà phê… trên điạ bàn thành phố Rạch Giá cũng đã thực hiện việc tạm ngưng hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ quán cà phê trên đường Tôn Đức Thắng, thành phố Rạch Giá cho biết: việc tạm ngưng hoạt động quán ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập, nhất là nhân viên quán không có việc làm nhưng với tinh thần chung phải thực hiện, hơn hết cũng là lo chính cho sức khỏe bản thân và gia đình.
Không chỉ các điểm vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống… tạm ngưng hoạt động, các chợ trung tâm thành phố Rạch Giá cũng thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch COVID-19.
Theo ông Trần Dũ Điều, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Rạch Giá, trên địa bàn có 5 chợ do cơ quan nhà nước quản lý và 6 chợ xã hội hóa do doanh nghiệp đầu tư; trong đó có 2 chợ loại I là Trung tâm thương mại Rạch Giá và Bách hóa tổng hợp Rạch Sỏi. Hai chợ này là chợ đầu mối, ngoài việc thu hút lượng khách hàng mua bán rất đông, hai chợ còn là những điểm giao hàng cho các huyện. Vì vậy, để phòng, chống ngăn chặn dịch COVID-19, hằng ngày Ban quản lý các chợ thông báo, vận động tiểu thương nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung và thực hiện quét, dọn vệ sinh chợ, phối hợp với các đơn vị thu gom vận chuyển rác đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, các chợ phát loa 3 buổi/ngày tuyên truyền phòng, chống dịch để tiểu thương và người dân biết phòng ngừa.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Trung tâm thương mại Rạch Giá cho biết, Trung tâm có 1.697 lô sạp kinh doanh mua bán tổng hợp, đó còn chưa kể các mặt hàng nông hải sản được bán ngoài trung tâm. Để hạn chế đông người, hằng ngày Ban Quản lý chợ phát loa 3 lần về cách phòng, chống dịch vào buổi sáng, trưa, chiều, mỗi lần phát lặp lại 3 lần. Bên cạnh đó, mỗi tuần Ban quản lý chủ động với Trung tâm y tế đến phun thuốc tiêu độc, khử trùng trong toàn chợ Trung tâm. Tuy vậy, những ngày qua chợ Trung tâm thương mại vắng khách hàng đến mua do e ngại tiếp xúc đông người. Vì vậy, đến ngày 28/3, trong nhà lồng Trung tâm thương mại Rạch Giá có hơn 50% số lô sạp mua bán tổng hợp, như quần áo may sẵn, vải sợi, giày dép, quà lưu niệm… đã tạm ngưng hoạt động.
Theo bà Ngô Thị Lén, tiểu thương chợ Trung tâm thương mại Rạch Giá, sở dĩ tạm ngưng hoạt động vì người dân lo sợ lây mắc COVID-19. Bà Lén bộc bạch: “Mua bán thời dịch bệnh cũng khó khăn do ít người đến mua, mặt khác biết đâu những khách hàng là người bị nhiễm bệnh rồi lây lan cả chợ, cả thành phố này thì rất nguy hiểm. Vì vậy, ngừng mua bán không bằng dịch mà lây lan cho nhiều người thì rất nguy hiểm cho cộng động, xã hội”.
Không chỉ các quán ăn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… trung tâm thành phố tạm ngưng hoạt động, một số nơi vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang người dân cũng rất đồng lòng, ý thức trong phòng, chống dịch COVID-19.
Bà Phan Ngọc Minh, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng cho biết, đại diện lãnh đạo xã vừa đến tặng giấy khen cho gia đình ông Trần Phước Triều, ngụ ấp Năm Chiến vì có đã tự dời ngày đám cưới con để phòng, chống dịch COVID-19. Theo thiệp mời, ngày 29/3, gia đình sẽ tổ chức lễ tân hôn của con trai. Được sự tuyên truyền, vận động, ông Triều đã vui vẻ dời lễ cưới để cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19. Theo ông Triều, để dời ngày cưới cho con, ông phải điện thoại “hồi” đến 250 người thân, bạn bè. Tuy nhiên, ai cũng hiểu và ý thức được tình hình dịch COVID-19 hiện nay nên cho rằng việc dời ngày cưới là cần thiết.
Theo ông Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, hiện nay cả hệ thống chính trị và người dân cùng chống dịch, nên người dân cần bình tĩnh, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh: Trước mắt, người dân thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người, chỉ ra khỏi nhà khi trường hợp cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường bảo vệ sức khỏe; hạn chế đến cơ sở khám bệnh trừ trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền.