Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia vừa có công văn số 58 kiến nghị Chính phủ xử phạt nặng để răn đe đối với lái xe say rượu hoặc lái xe chở quá tải cố tình không nộp phạt, nhằm tăng cường các biện pháp kéo giảm tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm ATGT, đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ xem xét đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 2/2015, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171/CP, nhằm tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm.
Lực lượng CSGT kiểm tra vi phạm nồng độ cồn. Ảnh Bộ GTVT |
Theo đó, từ ngày 15/3, các Bộ, ngành, địa phương thí điểm xử phạt các chủ xe, lái xe cố tình bỏ phương tiện, không hợp tác với lực lượng thực thi công vụ trong kiểm soát tải trọng phương tiện. Đối với các trường hợp này, lực lượng tuần tra kiểm soát sẽ khóa bánh phương tiện tại chỗ hoặc cẩu, kéo đến nơi tập kết. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện chịu hoàn toàn chi phí phát sinh để khóa bánh hoặc cẩu, kéo phương tiện và trông giữ phương tiện cũng như tài sản trên xe.
Người điều khiển phương tiện chở vượt quá tải trọng trên 150% sẽ bị phạt 25 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) 12 tháng; phải thi lại Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại GPLX. Phạt chủ phương tiện là cá nhân 40 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp tiền phạt. Phạt chủ phương tiện là tổ chức 80 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt.
Cũng theo công văn này, các trường hợp lái ô tô vi phạm quy định nồng độ cồn sẽ bị xử phạt tăng nặng. Cụ thể, nếu lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đến 50 miligam/100 mililit máu hoặc đến 0,25 miligam /1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 8 - 15 triệu đồng và bị tước GPLX 6 tháng. Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn từ trên 50 - 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 12 tháng, đồng thời phải thi lại Luật Giao thông đường bộ trước khi thi GPLX.
Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ tước GPLX 24 tháng và tịch thu phương tiện đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, đồng thời phải thi lại Luật Giao thông đường bộ trước khi thi lấy lại GPLX.
Đối với các trường hợp điều khiển mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện vi phạm quy định nồng độ cồn cũng sẽ bị xử phạt nghiêm. Cụ thể, phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng và tước GPLX 12 tháng nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở từ trên 50 - 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở. Các trường hợp vi phạm cũng phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại GPLX.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2014 cả nước đã giảm sâu cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT. Hai tháng đầu năm 2015 có kỳ nghỉ Tết kéo dài và lễ hội, nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm vẫn đang được nâng cấp, mở rộng. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương bám sát chủ trương “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện với mục tiêu tính mạng con người là trên hết”, vì vậy TNGT tiếp tục giảm sâu cả ba tiêu chí.
Tuy nhiên số người tử vong do TNGT trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi lại tăng hơn 12% so với Tết Giáp Ngọ; hiện tượng chống đối người thi hành công vụ trong kiểm soát tải trọng phương tiện và các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển vi phạm quy định nồng độ cồn… lại gia tăng. Do đó, cần thiết phải tang nặng các hình thức xử phạt để răn đe ngay từ đầu năm.
Tiến Hiếu