Kiên quyết di dời cơ sở gây ô nhiễm

Hơn 10 năm thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành, câu chuyện này đã trở thành một chủ đề “biết rồi, khổ lắm”. Những động thái xử lý có phần quyết liệt mới đây của thành phố đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đang là niềm hy vọng để câu chuyện này không còn là chuyện “nói mãi…”.

Không “du di” nữa

Những hàng cây, những dãy nhà phố phủ đầy bụi xi măng, xám xịt như được đúc bằng bê tông nguyên khối dọc hai bên đường xa lộ Hà Nội - đoạn gần nhà máy xi măng Hà Tiên, quận Thủ Đức, có thể xem là một hình ảnh “tiêu biểu” và “dai dẳng”, phản ánh sinh động thực trạng các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố. Mấy chục năm nay vẫn vậy, những cột khói đen ngòm và bụi xi măng quyện lẫn vào nhau, tạo nên một “không gian mờ ảo - nhưng không một chút lãng mạn” đã trở thành một hình ảnh quen thuộc, phản ánh sự thiếu cương quyết trong xử lý các cơ sở gây ô nhiễm của chính quyền thành phố những năm qua.

TP.HCM đang xử lý mạnh tay với các vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Trong ảnh: Cơ quan chức năng đang kiểm tra vi phạm xử lý chất thải tại Công ty Hào Dương.


Hạn chót cho Công ty xi măng Hà Tiên là 31/12 phải ngưng toàn bộ hoạt động tại cơ sở này. Quyết định này vừa được ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND thành phố đưa ra trong một cuộc họp gần đây của Ban chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Cùng với công ty xi măng Hà Tiên là một số các cơ sở sản xuất nằm trong diện gây ô nhiễm nghiêm trọng cũng buộc phải có phương án chuyển đổi ngành nghề và buộc phải ngưng hoạt động trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Theo ông Tất Thành Cang, việc Công ty xi măng Hà Tiên lấy lý do không xác định được điểm đến để trì hoãn di dời, suốt nhiều năm qua là không thỏa đáng. Vì vậy, từ nay đến 25/7, công ty phải gửi phương án di dời cũng như đề xuất chính sách hỗ trợ, đảm bảo đến hết 31/12/2015, công ty sẽ phải ngưng hoạt động nhà máy nghiền tại quận Thủ Đức. Nếu công ty vẫn tiếp tục không chấp hành thì áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc ngưng hoạt động.

Một trường hợp khác cũng phải thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi diện tích đất đang hoạt động trái phép để đưa vào quỹ đất thành phố sử dụng đúng mục đích là Công ty Phân bón hóa sinh huyện Củ Chi. Công ty này không được phép tái sản xuất vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và hoạt động sản xuất không đúng quy hoạch. Hàng loạt các cơ sở gây ô nhiễm còn lại cũng chỉ được gia hạn đến hết tháng 12/2015 nếu không chấp hành di dời cũng sẽ bị buộc ngưng hoạt động.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, toàn thành phố hiện còn 6 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc phải di dời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện di dời như Công ty Nước mắm Việt Hương Hải, Xí nghiệp Đóng tàu Bình Triệu, Công ty Dệt may Gia Định - Phong Phú, Công ty Xi măng Hà Tiên... Nguyên nhân chậm tiến độ di dời theo phản ánh của các doanh nghiệp này cũng là những nguyên nhân “rất cũ” như hạ tầng điểm đến chưa đảm bảo, chưa tìm được mặt bằng thích hợp… Ngoài ra còn có 23 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm phát sinh mới tại khu phố 4, 5 phường Đông Hưng Thuận (quận 12) và 1 doanh nghiệp Phân bón hóa sinh huyện Củ Chi cần phải di dời, nhưng tiến độ di dời hiện vẫn còn ở giai đoạn… chủ trương.

Cần làm rõ trách nhiệm

Chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành được thành phố triển khai từ năm 2002. Theo kế hoạch, thành phố phải thực hiện di dời hơn 1.400 cơ sở gây ô nhiễm ra ngoại thành, đến năm 2005 kết thúc. Tuy nhiên, đến năm 2005, thành phố vẫn chưa thực hiện di dời xong, nên tiếp tục gia hạn đến 2006, rồi đến năm 2007 vẫn còn lại đến 141 cơ sở. Từ năm 2007 đến nay, thành phố vẫn tiếp tục di dời và con số còn lại đến nay chưa di dời theo chương trình là 6 cơ sở, chưa kể số phát sinh.

Bức xúc về tiến độ thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm, trong cuộc họp HĐND mới đây, đại biểu Lâm Đình Chiến nói rằng việc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã được đặt ra nhiều lần tại các kỳ họp HĐND thành phố. Lần nào kiểm điểm lại cũng thấy chậm, sang kỳ họp này cũng nói chậm nữa là không hợp lý. UBND thành phố cần làm rõ trách nhiệm chậm thuộc về ai, hướng xử lý sắp tới thế nào để người dân giám sát, chứ nói chung chung di dời cơ sở gây ô nhiễm chậm thì chỉ có trời biết, HĐND cũng không biết đường nào mà giám sát, tình hình này thì nhiệm kỳ tới chắc cũng còn chậm nữa. Chúng ta nói quá nhiều, nhưng không làm, hoặc làm không đến nơi đến chốn… 

Nhiều lần chúng ta nói xử lý triệt để nhưng rồi không xử ai hết, cuối cùng cũng huề cả làng.
Giải trình về vấn đề này, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc sở Tài nguyên - Môi trường thành phố thừa nhận, ngành Tài nguyên Môi trường trong thời gian qua đã thiếu kiên quyết trong xử lý các cơ sở gây ô nhiễm. Tuy nhiên, có một thực tế là số doanh nghiệp chây ỳ, chậm di dời đa phần là doanh nghiệp vốn nhà nước. Cụ thể, 5 trong 6 cơ sở chây ỳ còn lại là doanh nghiệp nhà nước. Một nguyên nhân khác khiến tiến độ di dời chậm là là loại hình sản xuất của một số cơ sở này hiện không còn "chốn dung thân" như sản xuất nước mắm nên doanh nghiệp đành xin ở lại chỗ cũ. Mặt khác, chính sách hỗ trợ di dời của thành phố cũng đã chấm dứt từ năm 2007 nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khi di dời.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang khẳng định, thành phố sẽ không gia hạn thêm thời gian di dời của các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Thành phố sẽ làm mạnh tay đối với các doanh nghiệp chây ỳ. Những doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư buộc phải di dời sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện. Những trường hợp doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nếu có nguyện vọng và đã có phương án di dời vào các khu sản xuất tập trung, thì các cơ quan chức năng liên quan sẽ hỗ trợ tích cực để họ di dời đúng tiến độ.

L. Hiền
Báo động ô nhiễm sông Sài Gòn
Báo động ô nhiễm sông Sài Gòn

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Nói như GS Lê Huy Bá là “chúng tôi cũng nghĩ rằng mức độ ô nhiễm là đáng báo động, nhưng không nghĩ là nhanh như vậy”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN