Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng các cơ quan chủ quản nhà xuất bản và các cơ quan nhanh chóng rà soát, sắp xếp lại hệ thống các nhà xuất bản hiện có, kiên quyết giải thể những nhà xuất bản hoạt động thiếu hiệu quả; đồng thời chủ động nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp nhà xuất bản.
Đây là một trong những nội dung trọng tâm được đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42 CT/ TW của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông Tin và Truyền thông tổ chức ngày 5/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của hoạt động xuất bản trong 10 năm qua, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng: Hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực với đội ngũ người làm công tác xuất bản ngày càng lớn mạnh; trình độ chuyên môn, trình độ chính trị của đội ngũ này ngày càng cao, thích ứng tốt hơn với thị trường, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng chỉ rõ những bất cập tồn tại đã được Ban Bí thư đề cập trong Chỉ thị 42 CT/TW suốt 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để. Cụ thể, chỉ tiêu số lượng sách chỉ dừng ở mức trên dưới 4 bản sách/người/năm trong khi chỉ tiêu là 6 bản sách/người/năm; tình trạng thương mại hóa, chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy chưa bị đẩy lùi.
Tệ nạn in lậu xảy ra khá phổ biến chưa được ngăn chặn hiệu quả. Mạng lưới phát hành còn chưa đến được nhiều vùng sâu, xa... Nhiều đơn vị hoạt động xuất bản không chú trọng chiến lược phát triển bền vững, vẫn còn nếp nghĩ ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước theo tư duy bao cấp.
Đứng trước thực trạng, thách thức trên, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 42 CT/TW, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị mỗi đơn vị trong ngành xuất bản nỗ lực triển khai các nhóm giải pháp trong Chỉ thị 42 nhằm nâng cao chất lượng chính trị, khoa học, giáo dục, văn hóa của xuất bản phẩm, đồng thời kiên quyết ngăn chặn nạn xuất bản, in, phát hành trái phép, vi phạm tác quyền.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, cần phát triển mạng lưới phát hành sách ở vùng nông thôn, vùng sâu, xa. Mặt khác, mỗi đơn vị xuất bản cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạp quản lý, Hội xuất bản Việt Nam, Hiệp hội In Việt Nam với các cơ quan chủ quản nhà xuất bản, các đơn vị in và phát hành.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu những mặt hạn chế khách quan và chủ quan của ngành xuất bản như: năm 2015 chỉ có 33/61 nhà xuất bản (chiếm 55%) đủ điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật. Lĩnh vực in phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Lĩnh vực phát hành, mạng lưới phát hành sách phát triển mất cân đối nghiêm trọng. Trên 90% tổng lượng hàng hoá trên thị trường cả nuớc tập trung ở các thành phố, đô thị lớn.
Góp ý những giải pháp cụ thể, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ kiến nghị cần sớm ban hành Chiến lược sách quốc gia nhằm định hướng rõ những đặt hàng của các ban ngành, đoàn thể, xã hội về các thể loại sách, sau đó định hướng cho cộng đồng. Ngoài ra, cần rà soát toàn bộ chính sách liên quan đến hoạt động xuất bản, nhằm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho hoạt động của các nhà xuất bản.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 42 CT/TW, ngành xuất bản phấn đấu năm 2020 mức hưởng thụ trung bình 6 bản sách/người/năm, trong đó sách giáo dục chiếm tỷ lệ dưới 50%; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản vững về chính trị, mạnh về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời triển khai hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp của Chỉ thị 42 CT/TW của Ban Bí thư về “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”.