Việc hoàn thành các tiêu chí, sớm đưa một xã thuần nông, có nhiều đồng bào Khmer như ở xã Tham Đôn cho thấy sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương và nhân dân trong xã để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Theo ông Lê Minh Tán, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn: Với hơn 73% dân số là người Khmer, Tham Đôn là một trong những xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nhất tỉnh Sóc Trăng. Khi mới bước vào xây dựng nông thôn mới năm 2010, Tham Đôn chỉ có 5/19 tiêu chí đạt theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thời điểm đó, thu nhập bình quân đầu người của xã trung bình chỉ đạt 8,4 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo và đặc biệt khó khăn ở mức cao cũng hàng đầu của tỉnh với trên 31,%; hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, trường học, chất lượng sống của đồng bào còn thấp...
Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đã đồng lòng, chung sức thực hiện từng tiêu chí của chuẩn nông thôn mới. Đến nay Tham Đôn đã có nhiều đổi thay, đời sống người dân được nâng lên. Mức thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đã đạt 41,45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 27,56%, chỉ còn 3,82%.
Có được kết quả vượt bậc trên là do trong công tác điều hành, chỉ đạo, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy, chính quyền xã Tham Đôn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, xem đây là bước đột phá và là nhiệm vụ thường xuyên trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới.
Xã đã tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư lành mạnh và ấp văn hóa nông thôn mới, hộ văn hóa nông thôn mới. Hiện nay, 14/14 ấp của xã đã đạt danh hiệu ấp văn hóa. Bên cạnh đó, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các tổ chức đoàn thể, cá nhân trong xã đã tích cực tham gia các phong trào thi đua như: Nông dân đăng ký kinh doanh sản xuất giỏi, đảm bảo vệ sinh môi trường, đóng góp sức người sức của để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tương thân, tương ái đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất để phát triển kinh tế hộ, thoát nghèo bền vững.
Trong 8 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Tham Đôn đã huy động được trên 212 tỷ đồng từ các nguồn Trung ương, tỉnh hỗ trợ, vốn lồng ghép, vốn tín dụng, doanh nghiệp đầu tư, nhân dân đóng góp để thực hiện hàng chục công trình hạ tầng cơ sở như điện nước, thực hiện việc "cứng hóa" đường thôn, hỗ trợ nước sạch, xây dựng trường học, điểm vui chơi giải trí; hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mô hình canh tác, sản xuất mới cho thu nhập, hiệu quả cao hơn, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện nay ở xã Tham Đôn đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như mô hình chuyên canh lúa cao sản , mô hình tôm-lúa, trồng màu trên đất cao, mô hình nuôi bò sữa, bò thịt… Nhiều hộ nông dân người Khmer đã phát triển chăn nuôi bò sữa theo quy mô trang trại mỗi ngày cho thu nhập từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng từ chăn nuôi bò sữa.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Tham Đôn Lê Minh Tán: Bài học kinh nghiệm mà Tham Đôn đã thực hiện trong xây dựng nông thôn mới chính là địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân về những nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của nhà nước. Cùng với đó xã đã đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của người dân là quan trọng, sự hỗ trợ ngân sách nhà nước là cần thiết”, qua đó Ban chỉ đạo đã phân công thực hiện cụ thể, quyết liệt và đồng bộ với cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia.