Mưa lũ khiến sạt lở khoảng 3.000 m3 đất đá tại Tỉnh lộ 676, đoạn từ thôn Xô Luông đến thôn Xô Thák 1, xã Đăk Nên; đường Đông Trường Sơn bị sạt lở chiều dài khoảng 40m với khối lượng sạt khoảng 3.000 m3 tại Km 176+400, sạt lở khoảng 1.500 m3 tại Km 194+900; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn khác cũng bị sạt lở, gây ách tắc cục bộ.
Tuyến Quốc lộ 24 qua địa bàn huyện xảy ra nhiều vị trí sạt lở. Đặc biệt, tại Km 76+950, sụt lún ta luy âm kéo một nửa mặt đường phía bên trái tuyến bị sụt lún, chiều dài vết nứt khoảng 50m, bề rộng từ 15cm - 40cm, chiều sâu xuống nền đường khoảng 1,5m. Ước tính thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.
Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, ngay sau khi xảy ra sạt lở, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục, san ủi, hót sạt và cơ bản thông tuyến được từ 60 - 80% các vị trí sạt lở. Bên cạnh đó, các khu vực có nguy cơ ngập, các điểm sạt lở được triển khai cắm mốc, lập biển cảnh báo; các điểm sạt nhỏ tại các điểm tái định canh, định cư đã vận động nhân dân khắc phục, sửa chữa.
Riêng đối với vị trí sụt lún tại Km 76+950, Quốc lộ 24, Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum đã có báo cáo nhanh gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam để triển khai phương án khắc phục. Trước mắt, Sở chỉ đạo đơn vị quản lý đường rào chắn, cảnh báo cho người dân và các phương tiện lưu thông trên tuyến biết; đắp đất cấp phối nhằm hạn chế khả năng vết nứt phát triển, mở rộng thêm.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, từ 48 giờ đến 72 giờ tới, khu vực huyện Kon Plông tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa khả năng đạt từ 60 - 120mm, có nơi trên 120mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất, sụt lún ở những nơi đất dốc.
UBND huyện Kon Plông đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện; UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, cảnh báo những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; thực hiện việc thông báo, cảnh báo kịp thời đến từng hộ dân biết để chủ động phòng, tránh. Đối với những hộ dân sống ở các địa bàn có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở, các đơn vị tiếp tục chỉ đạo, tổ chức di dời ngay đến nơi an toàn theo phương án di dân xen ghép tại địa bàn; nghiêm cấm người dân đánh bắt thủy sản, vớt gỗ, củi trong thời gian mưa lũ để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản; chỉ đạo phối hợp khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.