5 bệnh viện lớn tại Hà Nội (BV Việt - Đức, BV Bạch Mai, BV E, BV K và BV Phụ sản Trung ương) vừa ký cam kết với Bộ Y tế về việc triển khai Quy tắc ứng xử nâng cao y đức, trong đó có tiêu chí cán bộ y tế nói không với phong bì khiến nhiều người vui mừng, hy vọng. Tuy nhiên, nếu hình thức triển khai chỉ dừng ở mức hô hào thì e rằng cuộc vận động này rồi sẽ lại “đầu voi đuôi chuột”.
Thực tế tại chính những bệnh viện được chọn làm “điểm” triển khai Quy tắc ứng xử nâng cao y đức, phóng viên vẫn nhận được những lời phàn nàn của người bệnh về thái độ gắt gỏng, sự “vòi vĩnh” hoặc “vô tư” nhận phong bì của nhân viên y tế.
“Anh trai tôi vừa được phẫu thuật tại BV Việt - Đức. Trước khi mổ gia đình tôi đưa phong bì 2.000.000 đồng cho một cán bộ của kíp mổ. Khi anh tôi về phòng, chúng tôi cũng có phong bì cho điều dưỡng, Trưởng khoa đó”, chị Nguyễn Thanh Hà, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội khẳng định.
Chị Hà còn cho hay, chị đã phải tham khảo “giá” khắp lượt những bệnh nhân đã từng phẫu thuật nằm cùng phòng với người anh trai. “Mức đưa phong bì khá đa dạng, từ 1.000.000 – 5.000.000 đồng, tùy hoàn cảnh từng gia đình nhưng bệnh nhân nào cũng phải lo khoản này. Cứ người đi trước mách nước cho người đi sau. Khổ nhất là có trường hợp một cháu gia đình khó khăn, cách Hà Nội đến 800 km, thế nhưng chị của cháu bé vẫn phải chạy vay khắp nơi, lo lắng để có được khoản tiền biếu kíp mổ”, chị Hà chia sẻ.
Còn tại BV K, ngay tại thời điểm diễn ra Hội nghị triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao y đức (12/10), chị Phan Thu Hồng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, bức xúc phản ánh: “Riêng tôi không thể tin rằng ngành y tế sẽ thực hiện hiệu quả việc nói không với phong bì. Thực tế là tôi và những người bệnh khác đang phải khổ sở vì vấn nạn này”.
Thái độ rất gay gắt, chị Hồng nói: “15 giờ 45 phút, cán bộ ở Phòng siêu âm đã nói hết giờ siêu âm. Nghe theo lời khuyên của một số người, tôi đưa 100.000 đồng cho nhân viên y tế thì được siêu âm ngay. Nhưng tới khi sang phòng xét nghiệm, lúc 16 giờ hơn, thì tôi lại gặp tình trạng tương tự. Một cán bộ y tế ở đó đã gợi ý rằng, cô muốn lấy kết quả xét nghiệm sớm thì đưa tiền cho người này người kia”, chị Hồng ấm ức.
Không bị “ép” vào tình huống phải đưa phong bì cho cán bộ y tế như chị Hồng, song chị N. quê ở Ba Vì, Hà Nội, đang điều trị xạ trị tại BV K và một số người bệnh khác cũng vẫn phải đưa tiền cho cán bộ y tế. “Với những người bệnh nằm điều trị như chúng tôi thì chẳng có BS nào vòi vĩnh phải đưa phong bì đâu. Chúng tôi đều tự nguyện cả, người mới hỏi người cũ, mổ thì 1.500.000 - 2.000.000 đồng cho cả kíp mổ, còn khi tiêm thì cứ đút 10.000 - 20.000 đồng vào túi áo điều dưỡng”, chị N., dè dặt cho biết.
“Con sâu bỏ rầu nồi canh?”
Khi nghe phóng viên thuật lại một trong số những câu chuyện nói trên, ông Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc BV K, thừa nhận: “Có thể đâu đó còn tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh, ở tình trạng quá tải như BV K thì quả thực rất khó kiểm soát”.
Là 1 trong 5 BV được chọn thí điểm nên theo như ông Thuấn cho biết thì BV K đang cố gắng hết sức để từng bước đẩy lùi nạn phong bì trong BV. “Sau lễ phát động, các cán bộ chủ chốt các khoa, phòng sẽ về thông báo tinh thần cuộc vận động này cho các cán bộ đơn vị mình. Ban chỉ đạo cuộc vận động tại BV sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các đơn vị. Tuy nhiên, đây là việc cần phải làm từng bước”, ông Thuấn cho hay.
Tại “Hội nghị Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao y đức tại BV Việt - Đức”, ngày 13/10, tại Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cho rằng: “Không một nhân viên y tế nào chỉ vì phong bì mà ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Vì vậy, tốt nhất là người nhà bệnh nhân không đưa phong bì cho cán bộ y tế”.
BV Việt - Đức nhiều năm nay đã thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến thực hiện vấn đề nâng cao y đức, trong đó có việc nghiêm cấm cán bộ nhận phong bì của người bệnh. “Tôi chẳng thể nào quản được việc bệnh nhân đến nhà cán bộ y tế khi ngoài giờ hành chính. Còn trong bệnh viện, tôi đã từng đuổi việc một nhân viên vì nhận phong bì của bệnh nhân. Theo tôi, nếu thu nhập của BS khoảng 20 triệu đồng, của điều dưỡng từ 13 – 14 triệu đồng thì đảm bảo bệnh nhân bắt cán bộ chắp tay, đi giật lùi thì họ cũng làm”, ông Quyết quả quyết nói.
Vì vậy, theo ông Quyết, để hoạt động nâng cao y đức đạt hiệu quả không mang tính hình thức thì cần phải đổi mới cơ chế tài chính BV, tích cực tuyên truyền, nâng cao đời sống cho cán bộ y tế, đồng thời phải có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.