“Bắt cóc bỏ đĩa”
Cuộc sống mưu sinh khiến nhiều hộ dân trên nhiều tuyến phố Hà Nội vẫn tái lấn chiếm vỉa hè, vi phạm trật tự đô thị.
Tại khu vực phố cổ, vỉa hè phố Hàng Chiếu (dẫn ra Ô Quan Chưởng) bị các hộ kinh doanh vô tư chiếm dụng toàn bộ làm nơi giao thương các mặt hàng túi, bao bì, mành rèm…. Vỉa hè tuyến phố Hàng Lược, Hàng Cá, Lương Ngọc Quyến có nhiều quán ăn, quán cà phê sẵn sàng bày bàn ghế lấn chiếm. Tuyến phố Mã Mây, Hàng Bạc, nhiều cửa hàng lưu niệm, kinh doanh hàng hóa bày bán thường xuyên, nhất là vào buổi tối… Còn ở trên các tuyến phố như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt,… hè đường rộng rãi hơn nhưng có “cơ hội” và “lơ là” là các cửa hàng, nhất là địa điểm kinh doanh ẩm thực lại vi phạm.
Trên các tuyến trục chính hướng tâm, như tại tuyến đường Giải Phóng gần bến Giáp Bát (Hoàng Mai) thường xuyên xảy ra ùn tắc do mật độ giao thông cao. Các chủ cửa hàng kinh doanh khi không có lực lượng chức năng lại bày biện hàng hóa, để xe ngay cả khi có biển cấm bán hàng rong, cấm kinh doanh trên hè. Tình trạng này khiến người đi bộ cũng phải đi xuống lòng đường.
Chị Lê Thị Mai, một cư dân tại quận Hoàng Mai cho biết: Vỉa hè là nơi để người đi bộ nhưng bị lấn chiếm khiến cả người lớn và trẻ con đi xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tuyến đường trục tây nam Nguyễn Trãi cũng thường xuyên bị lấn chiếm vỉa hè với lý do đây đường rộng, không ảnh hưởng đến lưu thông nên nhiều gia đình vẫn để tràn hàng hóa lấn không gian vỉa hè và một phần lòng đường.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, vứt rác không đúng nơi quy định cũng xuất hiện tại nhiều tuyến phố, nhất là không phải là tuyến phố trục chính như trên tuyến đường Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân) nhiều đoạn phố bị người dân lấn chiếm để xe lấn chiếm vỉa hè, bày bán hàng hóa khiến ùn tắc giao thông nghiêm trọng vào giờ cao điểm.
Còn tại tuyến đường Hoàng Hoa Thám, sau khi thành phố ra quân cách đây 2 năm, người dân phấn khởi thấy vỉa hè trở nên phong quang hơn. Thế nhưng, từ 1 năm trở lại đây, vỉa hè lại bị lấn chiếm để bày bán cây cảnh. Lý do lấn chiếm vỉa hè được một chủ cửa hàng biện minh: Do cây cần quang hợp nên phải bầy vỉa hè và bày ngoài trời cây đẹp hơn, dễ cho người chọn. Vậy là trên tuyến phố Hoàng Hoa Thám giáp với đường Bưởi, các nhà bán cây cảnh và các vật dụng đi kèm, thậm chí cả nhà không bán cây cảnh cũng bày lấn chiếm hết vỉa hè, còn người đi bộ hòa với dòng xe lưu thông để chọn mua cây, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Lý giải về tình trạng này, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Đặc trưng trên tuyến phố cổ là mật độ dân số cao, trong khi đường phố chật hẹp. Do đó, khó khăn lớn nhất trong khu phố cổ là chỗ để xe. Trên địa bàn quận có khoảng gần 5.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và có tới 16.000 hộ tiểu thương kinh doanh, chưa kể số người ở các tỉnh khác về Hà Nội để làm ăn, buôn bán, dịch vụ làm thuê theo thời vụ. Tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn gồm diện tích bãi xe lòng đường, vỉa hè, tầng hầm của 79 tòa nhà là 130.896m2, song nhu cầu diện tích để xe là 954.440m2 nên còn thiếu 823.844m2 (chỉ đáp ứng 13,7%; còn thiếu 86,3%) đó là chưa tính đến các sự kiện đặc biệt, lễ hội lớn thì mức độ thiếu diện tích giao thông tĩnh còn cao hơn nhiều.
Ông Phạm Tuấn Long cho biết: Trên địa bàn có 166 phố nhưng phần lớn các phố có chiều ngang lòng đường, hè phố hẹp, nhất là khu phố cổ. Việc chống tái lấn chiếm tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhất là sau những đợt ra quân lập lại trật tự đô thị nhưng chưa bền vững và vẫn còn hiện tượng tái vi phạm, nhất là khi không có các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ và ngoài giờ hành chính. Các hình thức vi phạm chủ yếu là: Lấn chiếm hè đường, ngõ để kinh doanh buôn bán; chèo kéo, đeo bám khách du lịch; để vật dụng, treo hàng hóa lấn chiếm không gian hè phố; mái che, mái hiên cũ nát xấu hỏng mất mỹ quan đô thị; phương tiện giao thông dừng, đỗ trên hè, lòng đường sai quy định.
Thiếu sự quyết liệt
Tình trạng người nhập cư tự do cũng là một nguyên nhân của tình trạng vi phạm trật tự đô thị. Những người buôn bán hàng rong, xe ôm, người lao động tự do..., chủ yếu là người tỉnh ngoài, ý thức tuân thủ pháp luật và các quy định chưa cao. Đây cũng là lý do phát sinh hiện tượng ách tắc giao thông cục bộ, nhất là vào giờ cao điểm và trên các tuyến phố tập trung nhiều hàng ăn uống. Ban đêm, các cửa hàng bán ăn có tình trạng níu kéo mời chào khách, thanh niên tụ tập khuya, dừng đỗ ô tô, xe máy sai quy định gây mất trật tự.
Tại quận Hoàng Mai, ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai thừa nhận, trên địa bàn có 2 bến xe là cửa ngõ phía Nam thành phố nên thường là “điểm nóng” xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Mật độ giao thông cao, các cửa hàng kinh doanh dọc tuyến lại có nhu cầu để xe cho khách nhưng chỗ để xe không có tạo áp lực lớn giao thông đô thị. Bên cạnh đó, các tòa nhà theo qui hoạch cũ của quận không có tầng hầm để xe, từ đó cộng hưởng tạo áp lực lớn về thiếu bãi đỗ xe. Do đó, quận đang tiến hành rà soát, quy hoạch lại bến bãi đỗ xe, nếu được cấp phép mới cho phép hoạt động; đồng thời phải đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng, mới được phép hoạt động.
Những nơi làm tốt về trật tự đô thị, môi trường có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền cơ sở, có thể thấy như phường Lĩnh Nam, Thanh Trì (Hoàng Mai) đã vào cuộc tích cực biến “điểm đen” thành "điểm sáng" về trật tự. Trong khi cũng trên địa bàn quận, là tuyến đường mẫu đô thị nhưng tuyến đường Giải Phóng hết đợt ra quân này đến đợt ra quân khác tình hình vẫn tái diễn vi phạm.
Đánh giá về trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè Hà Nội trong thời gian qua, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban đô thị (Hội đồng nhân dân Hà Nội) cho biết: Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái chiếm vỉa hè thời gian qua có sự thiếu quyết liệt từ các lực lượng chức năng quản lý trật tự trên địa bàn cấp phường, tiếp đó là quận. Sự thiếu quyết liệt này là nguyên nhân chính dẫn đến việc tái chiếm vỉa hè. Trong các kiến nghị của Ban Đô thị và các Đoàn liên ngành đều yêu cầu các lực lượng phải thực hiện nghiêm. Nếu ở đâu để xảy ra vi phạm nhiều thì người đứng đầu địa bàn phải chịu trách nhiệm.
Nghị định số 46 năm 2016 của Chính phủ và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 qui định. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm hoặc sử dụng trái phép vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, lề đường tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 40 triệu đồng và buộc phải dỡ bỏ công trình xây dựng trái phép hoặc thu dọn rác, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra.