Kỷ cương trật tự đô thị– Bài cuối: Đâu là giải pháp tận gốc

Công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn Thủ đô chủ yếu “nóng” ở các quận nội thành, nơi có tốc độ đô thị hóa cao, hệ thống hạ tầng giao thông tĩnh mới chỉ đáp ứng hơn 10% nhu cầu. Nếu không đồng bộ các giải pháp, nhất là không có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở thì sẽ khó tạo sự chuyển biến.

Những điển hình giữ trật tự đô thị

Trên tuyến phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đa phần các xe để đúng vạch quy định, dành phần vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, đôi khi có khách hàng để sai quy định luôn được chính chủ cửa hàng hoặc tổ dân phố nhắc nhở. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, tổ phố tổ dân phố số 4 (phường Hàng Bông) cho biết: Mỗi khi đi dọc tuyến phố, thấy xe để không đúng quy định, bà đều nhắc nhở khách. Ban đầu cũng có nhiều khách khó chịu nhưng được sự hợp tác của các chủ các cửa hàng nên mọi người đều chấp hành.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan nhắc khách hàng để xe đúng nơi quy định.

Chị Minh Hà, chủ một cửa hàng trên tuyến phố Hàng Bông chia sẻ: “Lúc đầu chúng tôi cũng không thoải mái lắm vì cũng có khách chỉ đến một lúc nhưng cứ phải xếp xe. Tuy nhiên, đặt địa vị mình là người đi bộ, thì thấy cũng cần phải để ngăn nắp để người đi bộ có thể đi trên vỉa hè, nhất là tuyến phố Hàng Bông thu hút nhiều khách du lịch. Mỗi người ý thức một chút, đường phố sẽ ngăn nắp hơn”.

Một số hộ kinh doanh ẩm thực ở khu vực phố cổ, khi cải tạo nhà cũng đã xây hầm để xe. “Cửa hàng lẩu số 108 Hàng Bông, khi cải tạo nhà, được tổ dân phố góp ý nên dành 1 tầng hầm để xe, nhờ đó giải quyết được chỗ để xe cho khách hàng, không lấn chiếm vỉa hè như trước”, bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ.

Ông Chu Công Tân, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông thừa nhận: Để duy trì trật tự đô thị, không lấn chiếm vỉa hè, phường xác định tuyên truyền là chủ đạo, trong đó ký kết biên bản không lấn chiếm vỉa hè. Với những hộ chây ỳ thì huy động các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn cùng vận động, nhất là bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Trong khi đó, tuyến đường đê Nguyễn Khoái trên địa bàn phường Thanh Trì, Lĩnh Nam (Hoàng Mai) trước 2017 là “điểm đen” về nơi đổ trộm rác thải, phế thải, xe chạy lấn làn gây nguy hiểm, nay đã được xã hội hóa trở thành vườn hoa xanh sạch. Ông Dương Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) cho biết: Những năm trước, tuyến đê Nguyễn Khoái luôn là một trong điểm nóng về nạn đổ rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng kéo dài từ chân cầu Vĩnh Tuy đến cầu Thanh Trì, thậm chí các loại phế thải xây dựng còn được các đối tượng đổ trộm bọc trong bao tải vứt bừa bãi, chất thành từng đống dưới mái đê. Lực lượng chức năng của phường và quận cũng đã vài lần mật phục bắt giữ vài đối tượng nhưng sau lại vào đó. Để chấm dứt hiện tượng này, hai phường Thanh Trì, Lĩnh Nam huy động nguồn xã hội hội hóa đã lắp hơn 40 camera và đã chấm hẳn hiện tượng này. Cùng với đó, phường Thanh Trì đã vận động cải tạo hơn 1 km tuyến đê thành vườn hoa, xanh, sạch đẹp.

Chú thích ảnh
Bà Hoàng Thị Cẩm Hường cùng các thành viên trong tổ dân phố chăm sóc hoa trên mái đê Nguyễn Khoái.

Bà Hoàng Thị Cẩm Hường, Tổ trưởng tổ 27, phường Thanh Trì, cho biết, đây là khu vực giáp ranh giữa khu vực nội đô và khu vực ngoại thành đang trong quá trình đô thị hóa. Vấn đề bức xúc nhất với người dân là vệ sinh môi trường đô thị. Nhiều người sẵn sàng vứt rác không đúng nơi quy định. Sau khi lắp camera ngặn chặn tình trạng đổ phế thải trộm, khu dân phố đã họp và thống nhất cùng nhau cải tạo mái đê thành nơi trồng hoa. Dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp được hơn 100 triệu đồng, sau đó người dân bỏ công sức lao động dọn rác thải, phát quang bụi rậm.

“Cuối năm 2017 và đầu năm 2018, tổ đã phải thuê hơn 100 xe bốc số phế thải bị đổ trộm, trả lớp đất để trồng hoa. Tổ dân phố thành lập tổ vệ sinh môi trường để tuyên truyền, vận động người dân dọn dẹp, phát quang bụi rậm mái đê, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định để rác không tồn trên mặt đê, dưới mái đê. Từ chính thực tế công việc đã làm, tổ dân phố đã xây dựng vở kịch về tuyên truyền để rác đúng nơi quy định và được giải nhất của quận. Từ đó, tổ dân phố đúc kết thành bài học để tuyên truyền trong khu dân cư đạt hiệu quả. Hiện đường, ngõ phố khu dân cư phong quang, sạch đẹp, không còn hiện tượng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè”, bà Hoàng Thị Cẩm Hương chia sẻ.

Thiếu tá Vũ Hoàng Trọng, Trưởng Công an phường Lĩnh Nam cũng cho biết, việc lắp đặt camera đã góp phần xử lý triệt để vi phạm đổ đất, phế thải trên tuyến đê Nguyễn Khoái. Qua quan sát camera, đơn vị đã nhắc nhở, xử lý xe chở vật liệu xây dựng không bạt, làm vương vãi. Từ đó các xe đi trên tuyến đường này đều chấp hành các quy định về trật tự đô thị, chấm dứt hẳn tình trạng đổ trộm phế thải”.

Những cách làm cụ thể tại mỗi địa bàn dân cư tại Hà Nội cho thấy việc huy động sức mạnh của cộng đồng, kết hợp với sự chế tài nghiêm minh đã xóa được “điểm đen” về trật tự đô thị, là các mô hình hay, sáng tạo, ít nhiều tạo sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Những luống hoa được trồng ngày một nhiều hơn tạo nên những thông điệp, những dấu ấn về cảnh quan đô thị văn minh hiện đại.

Lắp camera để giải quyết nhiều vấn đề

Ở góc độ công tác tuyến cơ sở, thiếu tá Vũ Hoàng Trọng, trưởng công an phường Lĩnh Nam cho biết: Thực tế khi giải quyết các vụ việc tái lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, lực lượng chức năng đi đến đâu thì ngăn nắp nhưng cứ đi khỏi thì lại tái diễn vi phạm, nhất là người bán hàng rong. Tuy nhiên, khi lắp thí điểm camera với mục đích chính phòng chống tội phạm, đảm bảo giao thông thì cũng giải quyết luôn vấn đề lấn chiếm trong khu vực có mắt camera quan sát. Chỉ cần chụp ảnh, cảnh sát khu vực ra nhắc nhở 1 lần và báo trước có camera theo dõi thì lập tức chỗ đó khá gọn gàng.

Chú thích ảnh
Thiếu tá Vũ Trọng Hoàng yêu cầu kiểm tra xe ô tô không chấp hành an toàn giao thông khi lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Khoái.

Trao đổi phóng viên báo Tin tức, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: “Tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là khi không có lực lượng chức năng. Thực tế từ kinh nghiệm các nước và những gì đang diễn ra, chúng ta không có đủ nhân lực để trực xử lý nếu không ứng dụng khoa học công nghệ. Cùng với đó, camera giám sát mà có hệ thống phần mềm quản lý thì việc xử lý vi phạm qua camera sẽ có sức răn đe hơn”.

“Thành phố đã có chủ trương giao cho các quận huyện lắp đặt hệ thống camera xây dựng cơ sở hạ tầng. Thành phố cũng giao cho Sở GTVT có hệ thống phần mềm quản lý và hy vọng năm 2019 có dự án triển khai được nhưng do vướng mắc cơ chế nên chậm triển khai. Thành phố cũng đang nỗ lực xây dựng thành phố thông minh, có hạng mục giao thông thông minh quản lý việc này hiệu quả hơn”, ông Vũ Văn Viện cho biết.

Trong khi đó, theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, trước những hành vi ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng thì bên cạnh tuyên truyền cũng có chế tài xử phạt nghiêm, trong đó có việc lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra các hành vi không phù hợp với chuẩn mực văn hóa.

Về triển khai lắp hệ thống camera, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Quận duy trì hoạt động của nhóm giải quyết TTĐT, TTATGT và nhóm theo dõi cây xanh trên mạng Zalo. Phát hiện các điểm và tụ điểm TTĐT-TTATGT, các vi phạm TTXD, Quận kịp thời khen thưởng và phê bình những đơn vị, phường nào có 3 lần đã đăng ảnh các tồn tại vi phạm mà xử lý không triệt để. Gắn trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các phường để tồn tại về TTĐT, TTATGT. Trên địa bàn quận hiện lắp đặt 64 camera nối về công an quận quản lý và đề nghị lấy hình ảnh xử lý vi phạm trật tự đô thị để giảm tình trạng lực lượng chức năng phải đi nhắc nhở thường xuyên như hiện nay. Quận cũng xây dựng đề án lắp đặt bổ sung camera trên toàn quận.

Ông Nguyễn Công Hiệp, Chánh Văn phòng UBND quận Hoàng Mai cho biết: Từ việc hiệu quả của lắp camera dọc tuyến đường đê Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai đã có công văn gửi các phường xây dựng đề xuất các điểm sẽ lắp camera để quận xây dựng đề án lắp camera trên địa bàn. Quận cũng đang chờ hướng dẫn từ cấp thành phố về liên quan đến các yếu tố kỹ thuật như góc quay, kết nối, xử lý dữ liệu… Theo kế hoạch của đề án, thì hệ thống camera này sẽ vận hành vào cuối năm 2019.

Theo Trưởng Công an quận Thanh Xuân Đinh Tuấn Thành, hệ thống camera quản lý đô thị trên địa bàn quận lắp đặt trên tuyến phố chính, kết hợp lực lượng cảnh sát giao thông để quản lý phân luồng trật tự giao thông, nhất là tuyến Nguyễn Trãi, bên cạnh đó giám sát tốt hơn tình trạng vi phạm lòng đường vỉa hè, vi phạm giao thông. Thông qua hệ thống camera vừa qua, lực lượng Công an quận Thanh Xuân cũng đã bắt được một số đối tượng hình sự.

Còn ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội, quận đang xây dựng đề án lắp đặt khoảng 1.000 camera trên các tuyến phố và những khu vực nhạy cảm. Dự kiến từ năm 2020 đến năm 2021, quận Thanh Xuân sẽ hoàn thành việc lắp đặt hệ thống camera quản lý đô thị. Hệ thống camera sẽ được lắp đặt theo 3 lớp giám sát. Cụ thể, lớp một là ở tất cả tuyến trục chính quận Thanh Xuân; lớp 2 là tất cả những tuyến phố có tên; lớp 3 là các khu vực đang có những vấn đề cần phải quản lý kể cả trật tự đô thị, xây dựng và an toàn xã hội.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị (HĐND thành phố Hà Nội) cho rằng, Đây là chủ trương tốt nhưng phải có chế tài xử phạt qua hình ảnh kịp thời để răn đe. Nếu đủ điều kiện thì áp dụng công nghệ thông tin cùng với các chế tài xử phạt qua hình ảnh. Đây là công cụ hỗ trợ rất tích cực nhưng điều trọng là chính quyền sở tại phải thực hiện nghiêm và minh bạch.

Quy hoạch và ý thức người dân

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông vận tải cho rằng: Vấn đề lớn nhất của Hà Nội là sự phát triển “nóng” đang tạo ra sự mất cân đối giữa hạ tầng, giao thông và dân số. Phần lớn các nước phát triển đều không có tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng, bởi họ phát triển đồng bộ từ hạ tầng giao thông đến hạ tầng xã hội như hệ thống siêu thị để hạn chế buôn bán nhỏ lẻ, đô thị vệ tinh giảm ùn tắc khu vực trung tâm. Còn ở Hà Nội, tình trạng buôn bán hàng rong trên vỉa hè, lòng đường diễn ra khá phổ biến, thậm chí có người coi đây là… một nét văn hóa Hà Nội. Để thực hiện trật tự đô thị đồng bộ giải pháp, từ thực hiện đúng quy hoạch đến ý thức người dân, thậm chí dư luận cho rằng nếu không làm nghiêm của chính quyền sở tại thì đã hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

Chú thích ảnh
Hệ thống camera đầu phố Hàng Đào - Hàng Bông (Hoàn Kiếm).

Trong khi đó, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: “Việc lắp đặt camera để xử lý phạt nguội chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế nếu chính quyền cơ sở không kiên quyết và minh bạch. Việc xử lý vi phạm ngay nếu không cân nhắc cẩn thận cũng có thể phát sinh những vấn đề tiêu cực mà không đạt được hiệu quả như mong muốn bởi gắn liền với đời sống người dân. Hơn nữa, việc thu, phạt sẽ tiến hành như thế nào, cơ chế chiết xuất hình ảnh để xử lý, điều phối lực lượng xử lý nhất là lượng người vi phạm quá lớn như hiện nay thì xử lý sao cho xuể, cho dứt điểm cũng là những băn khoăn rất lớn từ dư luận”.

Đưa ra các giải pháp để tránh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng phải tạo ra hạ tầng, cơ sở vật chất, cần có một không gian riêng cho những người bán hàng rong. Tiếp đến là cần phải có những bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe thông minh để phục vụ sinh hoạt của cộng đồng dân cư... Việc gắn quy hoạch đô thị gắn với việc đẩy mạnh tuyên truyền tới các cơ quan quản lý trên địa bàn, chính quyền quận, phường để thực hiện trên toàn thành phố.

Từ năm 2017, thành phố Hà Nội đã ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Bộ quy tắc gồm 4 chương và 14 điều, trong đó quy định về quy tắc ứng xử chung cũng như tại một số nơi công cộng cụ thể như vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, quảng trường; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn… Một trong số đó là quy định người dân không chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; treo, đặt biển hiệu quảng cáo trái phép; không đun, nấu, đốt lửa trên vỉa hè, lòng đường; không tự ý thay đổi hiện trạng vỉa hè, lòng đường.

Tại nhiều địa bàn dân cư, đây là cơ sở để vận động người dân. Cụ thể như phòng Văn hóa Thể thao quận Hoàn Kiếm, biên soạn tài liệu cho các phường để tuyên truyền tới bệnh viện, trường học, tổ dân phố, số nhà, hộ nhà mặt phố trên địa bàn phường…, thực hiện cam kết (nhất là các trường hợp cá biệt chây ì thường xuyên vi phạm). “Quận chủ trương kết hợp tuyên truyền vận động với kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phát động các phong trào thi đua để từ đó nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về việc giữ gìn trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, trong đó quận tập trung tuyên truyền tại trường học, phát loa tại những trọng điểm hay vi phạm; gửi thư ngỏ đến các hộ mặt phố thực hiện các tiêu chí sau: Không lấn chiếm hè để kinh doanh, không đổ rác, vứt rác ra đường. Theo đó giao các hộ nhà mặt phố chịu trách nhiệm vệ sinh trước cửa nhà, để, dừng xe đúng quy định. Khi đã tuyên truyền, nhắc nhở mà vẫn tái phạm thì việc xử phạt tiến sau đó mới khiến người dân tâm phục, khẩu phục. Trước năm 2018 trên địa bàn quận có 226 điểm và tụ điểm vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, đến nay số điểm và tụ điểm tái vi phạm là 79/226 điểm”, ông Phạm Tuấn Long cho biết.

Do đặc điểm nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn cũng đang bám vào mặt đường kinh doanh, quận Hoàn Kiếm cũng đã giao phòng quản lý đô thị chủ trì phối hợp với Công an quận, phòng Kinh tế, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng UBND các phường rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn hàng ngày đang kinh doanh kiếm sống trên vỉa hè, hiện có 48 hộ nghèo đang kinh doanh tại 36 phố với mặt hàng kinh doanh chủ yếu là bán nước chè chiếm 77%; còn lại bán quà vặt, bán phở bún chiếm tỷ lệ 23%. Các hộ được bố trí ngồi sát mặt nhà, không bán ở phố chính, không sử dụng quá 2m2 và chủ yếu bán hàng quà sáng và ăn tối.

Còn với quận Thanh Xuân, công an quận phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát các điểm thường xuyên vi phạm trật tự với 118 điểm, bằng các biện pháp tuyên truyền, vận động kết hợp xử lý đối tượng chây ỳ. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng trên địa bàn Thanh Xuân đã xử lý hơn 11.000 trường hợp vi phạm trật tự đô thị và trên địa bàn vẫn còn 85 điểm vi phạm trật tự đô thị. Xác định “xây để chống”, quận Thanh Xuân thí điểm mô hình tổ dân phố văn hóa “Năm không” gồm không rác, không tệ nạn, không hộ nghèo, không lấn chiếm vỉa hè, không vi phạm trật tự xây dựng tại 16/317 tổ dân phố.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban đô thị (HĐND thành phố Hà Nội) đánh giá: Tình trạng quản lý trật tự đô thi, vỉa hè được nhắc đến nhiều. Sau nhiều năm kiên trì, tình hình có tiến bộ so với những năm trước. Tuy nhiên qua giám sát thì có tình trạng sau các đợt ra quận có hiện tượng người dân tái lấn chiếm để phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là các phố nhỏ, khu vực trung tâm thương mại, khu vực có nhiều nhà hàng. Thành phố thường xuyên ra quân xử lý và có những đợt cao điểm. Ban đô thị quan tâm việc này, vụ việc cụ thể đôn đốc các quận huyện cụ thể. Ban Đô thị giám sát 2 lần trong năm qua và sẽ có khảo sát cụ thể về thực trạng này.

Có thể thấy, vấn đề trật tự đô thị với Thủ đô khoảng 10 triệu dân, trong đó mật độ dân cư cao tại khu trung tâm, trong khi hạ tầng giao thông, nhất là giao thông tĩnh chưa đáp ứng được nhu cầu đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý. Sau các đợt ra quân mang tính tình thế, việc lắp camera đang được triển khai là biện pháp áp dụng khoa học công nghệ để có những chế tài kết hợp song hành với tuyên truyền vận động để duy trì thành thói quen, từ đó sẽ tạo dựng nếp văn hóa người Hà Nội theo đúng bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tuy nhiên cùng với đó là tầm nhìn quy hoạch đô thị mang tính chiến lược để Hà Nội không phải có những giải pháp tình thế như hiện nay.

 

Bài và ảnh: Xuân Cường/Báo Tin tức
Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải: Không để người dân phải bất ngờ về quy hoạch
Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải: Không để người dân phải bất ngờ về quy hoạch

Ngày 27/7 tại buổi làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, nhiều cán bộ, nhân viên Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội kiến nghị nhiều vấn đề, trong đó đáng chú là hiện nay tiếp cận dữ liệu chuyên ngành liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô còn khó khăn, dẫn đến đồ án quy hoạch còn hạn chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN