Ở Hội nghị Pari, ta và Mỹ tổ chức rất nhiều cuộc họp riêng, và những cuộc họp riêng này cực kỳ căng thẳng, đấu lý từng điểm rất nhỏ. Cuộc đàm phán dài nhất thế kỷ XX từ 19 -1973 đã trở thành “tâm điểm” của dư luận thế giới. Khi đó, cả thế giới đều hướng về Pari, theo dõi từng động tĩnh dù là rất nhỏ diễn ra trên bàn Hội nghị. Và giới báo chí quốc tế không bỏ qua cơ hội “săn” những tin thật “hot” để thu hút dư luận.
Câu chuyện cái bàn
Trước khi khởi động họp bốn bên, một trong những tranh cãi nảy lửa và kéo dài cả tháng trời là câu chuyện về cái… bàn ở Hội nghị. Chuyện tưởng nhỏ nhưng thực chất lại có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với cả ta và Mỹ, vì vị trí ngồi ra sao sẽ xác định tư cách pháp nhân của bên tham gia. Phía Mỹ đòi bàn hình chữ nhật hoặc tròn chia đôi để thể hiện rằng cuộc đàm phán chỉ có 2 bên: Mỹ - Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Còn ta lại yêu cầu chiếc bàn hình vuông hoặc tròn có phân chia rõ 4 bên. Vì chỉ có 4 bên mới bình đẳng. Câu chuyện cái bàn nổi tiếng đến mức, các hãng làm đồ mộc lớn trên thế giới khi ấy đã gửi nhiều mẫu bàn tới chào hàng để các bên cùng chọn. Song do tranh cãi kéo dài và không đi đến thống nhất, cuối cùng, hai bên quyết định chọn cái bàn tròn bằng phẳng lớn và kê hai bàn thư ký hình chữ nhật ở hai bên. Không có cờ và biển ghi tên trước mặt các đoàn. Bố trí kiểu “nước đôi” như vậy, dư luận quốc tế hiểu đây là đàm phán “hai bên” cũng được mà “bốn bên” cũng được. Chuyện màu sắc chiếc khăn trải bàn cũng gây tranh luận khiến nước chủ nhà Pháp phải mang cả xấp khăn đủ các màu ra để các bên lựa chọn. Cuối cùng, ta với Mỹ nhất trí lựa chọn khăn trải bàn màu xanh lá cây thẫm.
Thái độ lật lọng và hành động leo thang chiến tranh của chính quyền Mỹ đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ khắp thế giới. Ngày 20/1/1973, cùng với hàng trăm cuộc biểu tình chống chiến tranh nổ ra ở nhiều nước trên thế giới, nhân dân Mỹ tổ chức biểu tình lớn ở thủ đô Oasinhtơn, trong khi Richard M.Nixon làm lễ nhậm chức Tổng thống, đòi Mỹ ký ngay Hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu - TTXVN |
Sau chuyện cái bàn, màu khăn trải bàn, nhiều chuyện nhỏ khác cũng phải trải qua những tranh luận gay gắt. Đó là quy định thứ tự phát biểu của các đoàn tại cuộc họp. Có nước gợi ý để cho nước chủ nhà bốc thăm, trúng bên nào thì bên đó được đọc trước. Cuối cùng vì không muốn để vấn đề thủ tục kéo dài, ta đã đồng ý để đoàn Mỹ phát biểu trước, đồng thời chấp nhận đề nghị của Mỹ tổ chức phiên họp thứ nhất của Hội nghị bốn bên vào ngày 18/1/1969. Nhưng về sau, cuộc họp trù bị của các phó trưởng đoàn đã họp vào ngày này vì trưởng đoàn chính quyền Sài Gòn chưa có mặt ở Pari.
Theo lời kể của ông Lưu Văn Lợi, những cuộc tranh luận căng thẳng về các tiểu tiết (nhưng lại rất quan trọng) như trên trong Hội nghị Pari có rất nhiều. Đặc biệt, nhiều khi phía Mỹ còn sử dụng cả những "tiểu xảo" hòng đưa phía ta vào thế khó. Như việc Kissinger cậy mình trẻ hơn Cố vấn Lê Đức Thọ tới hơn một giáp, thường tìm cách làm cho Cố vấn Lê Đức Thọ mệt mỏi. Biết ông hay bị mất ngủ, sức khỏe hạn chế trong các cuộc thương lượng kéo dài thâu đêm, nên trong những cuộc họp riêng Kissinger luôn lòng vòng lê thê đủ chuyện xa gần hết cả ngày trời. Song cứ nhè vào lúc chiều muộn nhập nhoạng tối, Kissinger mới đưa việc chính, những vấn đề “nóng” ra tranh luận, hòng có được những kết quả có lợi về phía mình, bởi Kissinger cho rằng, lúc đó ông già kia (Cố vấn Lê Đức Thọ) đã mệt mỏi rồi, chắc sẽ dễ ừ, dễ gật. Nhưng điều mà Kissinger không thể ngờ được, là tuy đã cao tuổi, nhưng Cố vấn Lê Đức Thọ là người dạn dày với chiến trường, lại rất cảnh giác trước những mánh lới này nên Kissinger đã không thể đạt được mục đích. “Có những cuộc họp kéo dài tới 12-13 tiếng đồng hồ, những người dự thay nhau lên gác nghỉ, chợp mắt, nhưng ông già thì không nghỉ, thỉnh thoảng chỉ uống một cốc nước sâm. Đàm phán càng muộn, ông Thọ càng tỉnh và diễn thuyết càng hăng, khiến cho chính Kissinger cũng phải thừa nhận: “Tôi rất ngán khi đang đàm phán căng thẳng, người cận vệ của ông Thọ lại mang nước tới. Vì tôi biết, nước đó là nhân sâm" - ông Lưu Văn Lợi nhớ lại.
Cho đến giờ, ông Lợi vẫn nhớ như in một lần họp riêng, Kissinger đưa cho Cố vấn Lê Đức Thọ khoảng 30 cái ảnh màu cỡ bằng cái khay, chụp từ vệ tinh rất rõ, toàn ảnh quân đội ta không đội mũ tai bèo mà đội mũ cối, vai đeo lon, rõ cả sao trên mũ. Kissinger nói: “Đã thỏa thuận là từ tháng 3 các ông thôi không đưa thêm quân vào nữa. Đây, ông đưa quân vào đây này”. Ông Thọ cười to, tiếng cười lạ lắm, cười khỏe kiểu vừa ở thế thắng, lại vừa có vẻ khinh miệt. Ông bảo Kissinger: “Mấy cái ảnh này các ông chụp ở đâu chẳng được, ông ra Bắc, rừng chỗ nào chả giống nhau. Tình báo các ông tồi lắm, lúc chúng tôi không đưa quân thì các ông lại bảo chúng tôi đưa quân, nhưng lúc chúng tôi đưa xe tăng và đại pháo vào sát Sài Gòn thì các ông chả biết tí gì cả. Cho nên các ông thua là phải!”. Kissinger ngồi im, không nói được câu nào.
Sau này, chính Kissinger cũng phải thốt lên: “Ông Thọ ở Pari đã mổ xẻ tôi bằng con dao rất nhọn, với tay nghề của một nhà giải phẫu cừ khôi. Có những lúc ông ấy nói cả tiếng đồng hồ về lịch sử ngàn năm đấu tranh, dựng nước và giữ nước của Việt Nam, tôi bảo cái điều này tôi đã nghe nhiều lần rồi, thì ông Thọ bảo: Ông nghe nhiều lần nhưng chưa thuộc, tôi nói lại để ông biết…” - ông Lưu Văn Lợi kể lại.
Diễn viên… đóng thế
Khi cuộc chiến tranh Việt Nam đã trở thành nỗi trăn trở của cả loài người, thành vấn đề lương tri của thời đại, thì không có gì ngạc nhiên là từ tất cả các nước, mọi người mong chờ, hướng về Hội nghị Pari này. Hàng nghìn nhà báo, điện ảnh, nhiếp ảnh, đã đổ về Pari, họ luôn tìm mọi cách để “săn” những cái tin thật “nóng” để thu hút dư luận.
Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó được báo giới phương Tây ví như một “nhà tu kín”, trước cửa trụ sở của đoàn ở thị trấn Choisy Le Roi luôn có hàng chục phóng viên “trực chiến”. Ngay khi phát hiện xe của phái đoàn Việt Nam rời khỏi nhà, họ lập tức dùng môtô phân khối lớn bám theo, mong lần ra địa điểm họp bí mật với phía Mỹ. Để tránh sự đeo bám của các phóng viên, có lúc, ông Lợi đã trở thành diễn viên… đóng thế vai Trưởng đoàn đàm phán. "Một lần, để đảm bảo bí mật, tôi cùng người bảo vệ quen thuộc ngồi lên xe của trưởng đoàn. Xe vừa từ sân trụ sở lăn bánh ra khỏi cổng đã phóng nhanh như mọi bận. Một tốp phóng viên trực sẵn trông thấy lập tức bám theo. Xe của “trưởng đoàn giả” cứ thế chạy lòng vòng khắp các phố với “cái đuôi” là đám phóng viên nước ngoài dính chặt. Trong khi đó, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy thì đã qua cửa phụ lên chiếc xe riêng của một trí thức người Pháp làm công tác phục vụ đoàn và tới nơi họp mà chẳng bị ai quấy rầy" - ông Lợi vui vẻ nhớ lại.
Tuy đã giữ bí mật như thế nhưng cũng nhiều lần các tay săn tin vẫn tìm ra được nơi họp kín giữa đoàn Việt Nam và Mỹ. "Họ thuê các ngôi nhà đối diện, dỡ cả mái ngói, tìm vị trí đặt ống kính, sẵn sàng chộp” lấy bất cứ hình ảnh nào của những nhân vật quan trọng trong cuộc họp".
Trong suốt gần 5 năm tham gia cuộc đàm phán ở Hội nghị Pari về Việt Nam, ông Lợi đã nhiều lần tháp tùng Cố vấn Lê Đức Thọ đi về giữa Pari và Hà Nội, nhiều lần ông đi cùng Cố vấn đến thăm và báo cáo với Hồ Chủ tịch. Ông xúc động nhớ lại: "Có lần, cả đoàn về Hà Nội, dự định về nơi ở tại khu biệt thự ở Hồ Tây chờ sự cho phép của các bác sĩ. Nhưng vừa về tới nơi, người bảo vệ đã chạy vào báo: Hồ Chủ tịch tới thăm!". Khi gặp Cố vấn Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo: "Nghe chuyện ở Pari tôi rất vui. Lần này nhất định sẽ có thưởng cho đoàn Pari". Nhưng Cố vấn Lê Đức Thọ đã nói: "Chiến tranh còn ác liệt, bao giờ chiến thắng, đất nước độc lập thống nhất rồi, Bác thưởng cũng không muộn"…
Phương Lan
Bài 3: Trường đời ở Pari