Kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7: MARIN- Cầu nối nghĩa tình

Từ một diễn đàn nhỏ tại website www.nhantimdongdoi.orgcủa nhóm cựu sinh viên khoa Toán Tin (Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) tới nay, Trung tâm thông tin về liệt sĩ (MARIN) đã qua nhiều lần “thay da đổi thịt” để ngày một hoàn thiện, là cầu nối tin cậy giúp nhiều gia đình tìm được người thân của mình là những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh.

Điểm tựa tinh thần của thân nhân liệt sĩ

Website của MARIN, trang www.nhantimdongdoi.org do 8 bạn cựu sinh viên khoa Toán Tin của Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng vào tháng 10/2004.

Khi đó, chị Ngô Thị Thúy Hằng, người phụ trách trung tâm hiện nay, đang làm biên tập viên của tạp chí Thời Trang Trẻ (TP.HCM), tình cờ đọc bài viết trên báo Tuổi Trẻ về trang web, đã liên hệ với Ban quản trị trang để đăng thông tin về bác mình – một liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và ngỏ ý muốn được chia sẻ công việc nghĩa tình này.

Trung tâm bây giờ không chỉ là “kho” lưu giữ thông tin về các liệt sĩ mà còn tư vấn địa chỉ cho các gia đình. Công việc tư vấn của trung tâm không chỉ dừng lại ở việc tư vấn cho từng gia đình tại trụ sở trung tâm (phòng 206, nhà A2, TT Bộ Công an – 102 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) mà còn tổ chức tư vấn tại các địa phương và tư vấn trực tiếp qua tổng đài 1900571242.

Chị Ngô Thị Thúy Hằng (người đi đầu đoàn) đại diện trung tâm Marin đang vượt rừng trong một chuyến hành trình phối hợp với cựu chiến binh Huỳnh Hoàng Phương tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Viết Tứ tại huyện An Lão, Bình Định (năm 2010).


Từ 10/2004 đến nay, Trung tâm thông tin về liệt sĩ đã hệ thống được trên 50.000 thông tin về liệt sĩ do chính gia đình thân nhân liệt sĩ cung cấp và hệ thống được 300.000 tên liệt sĩ được quy tập tại hàng ngàn nghĩa trang trên cả nước trên trang web. Đồng thời, trung tâm đã thí điểm thực hiện báo mộ cho 2.000 liệt sĩ quê ở Nghệ An.

Tuy nhiên, theo chị Ngô Thị Thúy Hằng, thành quả lớn nhất, đáng giá nhất của Trung tâm thông tin về liệt sĩ là việc tìm ra được 3 “chìa khóa” cho việc tìm hài cốt liệt sĩ của gia đình thân nhân họ. “Thứ nhất, trung tâm sẽ giúp họ xác định xem nội dung trong giấy báo tử có chính xác hay không. Tiếp đó, trung tâm tiếp tục tư vấn cho gia đình tìm hiểu về phiên hiệu đơn vị của liệt sĩ để khoanh vùng nơi liệt sĩ hy sinh và đồng thời hạn chế việc người nhà tin mù quáng vào “biện pháp siêu nhiên” khi tìm mộ liệt sĩ. Cuối cùng là áp dụng khoa học công nghệ để tích hợp thông tin liệt sĩ từ nhiều nguồn: Thông tin trên bia mộ, thông tin từ người nhà và thông tin đơn vị mà liệt sĩ từng chiến đấu”- Hằng nói.

Tới nay, qua 8 năm hoạt động, MARIN đã trở thành điểm tựa tinh thần của hàng ngàn gia đình thân nhân liệt sĩ cả nước.

Nhân lên những nghĩa tình

Trợ giúp công việc cho Hằng là đội ngũ các kỹ thuật viên và tư vấn viên không chuyên. Họ là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, nhiều bạn trong số đó là con, cháu thân nhân các liệt sĩ đã từng tìm được mộ nhờ tư vấn của trung tâm.

Và để có được ngày hôm nay, trung tâm phải rất biết ơn tới một mạnh thường quân hiện là chủ một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Nhờ doanh nghiệp này mà 3 năm qua, bên cạnh những hỗ trợ kỹ thuật, chi phí hosting của www.nhantimdongdoi.orgwww.lietsivietnam.org được hỗ trợ toàn bộ. Điều đặc biệt hơn nữa là do trung tâm chưa có tư cách pháp nhân độc lập nên việc ký kết thỏa thuận thuê đầu số 1900571242 thiết lập đường dây nóng hỗ trợ thông tin tư vấn tìm liệt sĩ của trung tâm đều phải qua doanh nghiệp này và cũng chính doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 300.000.000 đồng cho hệ thống hạ tầng của đầu số.

Bên cạnh hậu thuẫn của các thân nhân gia đình liệt sĩ, nhiều khi, hiệu quả lại đến từ sự chia sẻ và hợp tác của các đồng đội của liệt sĩ.

Một trong rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với Hằng là cuộc điện thoại của một cựu chiến binh trong TP Hồ Chí Minh vào cuối năm 2010. Cuộc nói chuyện gián đoạn mấy lần do bác xúc động quá. Bác nghẹn ngào kể: “Tôi là đặc công của Trung đoàn 429. Tôi không nhớ rõ ngày tháng năm nào, tôi chỉ nhớ là tháng 11/1974, tôi đã chôn anh Lộc là thủ trưởng của tôi ở chi khu Kiến Đức, Gia Nghĩa. Khổ lắm! Chiến tranh ác liệt nên lúc chôn cất chỉ có một nắm cơm cho anh ấy thôi. Bây giờ cơm no áo ấm rồi muốn đi tìm để đưa anh ấy về”.

Thông tin quá ít ỏi với vẻn vẹn tên liệt sĩ Lộc, quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, hy sinh năm 27 tuổi, đã có vợ và con. Sau khi hứa với bác “bạn liệt sĩ”, Hằng đã làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng, rồi liên lạc với Trung đoàn 429. Cuối cùng, trung tâm tìm ra thông tin chính xác của trường hợp này là liệt sĩ Nguyễn Văn Lộc, quê ở Nam Sơn, An Hải, Hải Phòng. Khi thông tin khớp, trung tâm báo về cho gia đình liệt sĩ Lộc. Về sau, “bác bạn liệt sĩ” cùng nhóm các bạn chiến đấu cũ đã lo liệu cho gia đình của liệt sĩ Lộc từ Hải Phòng vào Nam cất bốc và đưa hài cốt liệt sĩ Lộc về yên nghỉ tại nghĩa trang tỉnh nhà.

Từ rất nhiều trường hợp tương tự, các cựu chiến binh sau khi cung cấp thông tin đã tình nguyện nhận làm văn phòng đại diện cho trung tâm tại các địa phương để tiếp tục hỗ trợ thêm nhiều gia đình liệt sĩ khác. Hiện nay, trung tâm có 5 văn phòng đại diện tại 5 tỉnh, thành phố khắp Bắc - Trung - Nam. Các văn phòng đã giúp đỡ rất nhiều cho các gia đình thân nhân liệt sĩ trong quá trình tìm mộ, hoặc có những trường hợp hy sinh mất xác, gia đình tìm tới các chiến trường xưa để thắp nén nhang và làm thủ tục xin mộ gió về quê.

Điều đau đáu nhất của “Giám đốc” Trung tâm MARIN tới nay vẫn là “làm sao để trung tâm sớm có tư cách pháp nhân để thực hiện những dự định đã ấp ủ từ lâu về việc truyền hình trực tuyến các chương trình gặp mặt thân nhân gia đình liệt sĩ và hướng dẫn họ cách “giải mã giấy báo tử”. Từ đó, để bổ sung thêm nhân lực đáp ứng nhu cầu hoạt động của trung tâm, thay đổi về giao diện và tích hợp nhiều ứng dụng hơn cho trang web, làm lợi hơn cho các gia đình liệt sĩ”.

Bài và ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN