Theo gia đình rời quê hương Sơn La vào định cư tại Lâm Đồng từ năm 1979, Xưởng và gia đình vẫn gắn bó với nghề chăn nuôi bò sữa như phần lớn người dân Đạ Ròn, Đơn Dương. Chính từ những ngày tháng nuôi bò, chăm bò, nhận ra những vất vả của việc băm, thái cỏ cho bò ăn, trong Xưởng đã lóe lên những ý tưởng về việc làm sao để có một chiếc máy băm cỏ phù hợp cho các hộ gia đình, vừa với túi tiền của người nông dân, để công việc đỡ vất vả, tốn thời gian và công sức. Trước hết là để giúp gia đình, cho chính bản thân bớt nhọc nhằn vì công đoạn thái cỏ cho bò ăn, nghĩ thế, Xưởng quyết tìm hiểu để làm ra một chiếc máy băm cỏ phù hợp.
Vào năm 2003, sau hơn sáu tháng mày mò, tìm hiểu, từng bước lắp ráp, thử nghiệm, anh nông dân chỉ học tới lớp 7 Nguyễn Văn Xưởng đã chế tạo ra một chiếc máy băm cỏ nhỏ, gọn, cao chưa đầy 1,2m và nặng hơn 80 kg, lại cơ động để có thể di chuyển khắp nơi, từ nhà đến trang trại, hay ra đồng cỏ nơi chăn thả đàn bò. Chiếc máy là một thùng sắt, dạng hộp tròn dựng trên 4 chân, trong được gắn 2 lưỡi dao để cắt cỏ và thêm 4 cánh quạt để thổi cỏ sau khi cắt ra ngoài.
“Ban đầu cũng chỉ nghĩ rằng làm thế nào để máy có thể cắt lá cỏ làm thức ăn cho bò, còn phần thân cỏ, như loại cỏ voi để nuôi bò ở vùng này thân rất cứng, hay thân cây bắp, chỉ nghĩ là băm ra để làm phân, nhưng không ngờ sau khi được cắt nhỏ, tất cả đều được đàn bò xơi sạch, từ lá đến thân” – Xưởng cười, kể lại niềm vui bất ngờ khi “sản phẩm” của máy băm cỏ đã được đàn bò “hưởng ứng” nhiệt tình. Vậy là không chỉ đỡ hao tốn nhân công và thời gian băm cỏ thủ công như trước, chiếc máy của Xưởng còn tận dụng tốt cả các phế phẩm nông nghiệp như thân cỏ, thân cây bắp sau thu hoạch để làm ra thức ăn cho đàn bò.
Từ chiếc máy ban đầu, sau khi đưa vào sử dụng một thời gian gặp lỗi, Xưởng lại mày mò tìm hiểu nguyên do, rồi sửa chữa, lắp ráp lại, cải tiến thêm… để qua ba, bốn lần cải tiến, giờ máy băm cỏ của Xưởng đã có tiếng trong vùng. Chiếc máy không chỉ nhỏ, gọn, phù hợp mà cái hay là lại có thể thay đổi kích cỡ, thiết kế riêng tùy theo yêu cầu của từng nhà. Mặt khác giá thành một chiếc máy khá “mềm”, hiện chỉ từ 4 - 5 triệu đồng, nên được nhiều bà con nông dân ưa chuộng, tuổi thọ của máy cũng được hơn 7 năm.
San sẻ nhọc nhằn với bà con
Khi chúng tôi đến thôn 1, Đạ Ròn, để tìm Xưởng, gặp một số người dân nơi đây, ai cũng bảo: “Mấy anh nói nhà nước cấp bằng kỹ sư cho ổng đi. Nông dân mà chế tạo được máy móc, còn ngon hơn cả kỹ sư thứ thiệt!”. Xưởng nghe thấy, cười khiêm tốn bảo: “Mình cũng không phải tự sáng chế ra máy băm cỏ này đâu. Cũng học hỏi, vô xí nghiệp, vô công ty bò sữa xem hệ thống máy cắt cỏ công nghiệp của người ta, quy mô lắm, to lắm, từ đó về nghiên cứu thêm, dựa trên quy trình, thao tác của những chiếc máy cắt cỏ đó, chế lại sao cho phù hợp với điều kiện, quy mô sản xuất của gia đình mình”.
Ban đầu là để giúp gia đình, nhưng khi máy băm cỏ vừa chế tạo đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả, Xưởng không ngần ngại chia sẻ cách làm hay và tiện dụng này với bà con, với những ai muốn học hỏi cách chế tạo máy. “Hồi trước băm cỏ thủ công rất cực. Khi mình làm ra chiếc máy, gia đình sử dụng được một thời gian rất hiệu quả, bà con trong vùng thấy vậy nhờ làm giúp cho, rồi cứ thế số lượng đặt hàng nhiều hơn, mình mở một xưởng nhỏ, vừa nuôi bò, vừa sửa xe máy, vừa làm máy băm cỏ, anh em trong nhà phụ nhau làm”.
Đến năm 2011, được sự hỗ trợ của Quỹ khuyến công tỉnh, Xưởng mở rộng quy mô nhà xưởng và tuyển người phụ việc, đến nay đã có 5 nhân viên mà theo Xưởng tâm sự thì: “Đều nghỉ học sớm như mình cả. Để các em lêu lổng, không nghề nghiệp cũng chẳng tốt nên mình nhận các em vào xưởng, vừa làm nhưng cũng là để vừa học, để sau này nếu các em có điều kiện có thể ra ngoài mở xưởng mà làm ăn”.
Mười năm đã trôi qua kể từ ngày chiếc máy băm cỏ đầu tiên do tự tay Xưởng chế tạo ra đời. Giờ đã có hơn 1.000 chiếc “Máy băm cỏ Xưởng” được người nuôi bò ở Đơn Dương và các vùng trong tỉnh Lâm Đồng sử dụng. Tiếng lành đồn xa, nhiều người nuôi bò ở Đồng Nai, Long An, Sơn La, Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Thuận… cũng đặt hàng với Xưởng.
Và không chỉ dùng trong nuôi bò, máy băm cỏ hiệu “Xưởng” còn được nhiều người chăn nuôi heo ở Tây Ninh sử dụng để cắt thân cây chuối làm thức ăn cho heo. Mới đây, Xưởng cũng được đặt hàng của người trồng thanh long ở Bình Thuận làm máy băm thân cây thanh long, cải tiến từ máy băm cỏ, để tận dụng thân cây thanh long vào làm phân bón nông nghiệp. Vậy là Xưởng lại có điều kiện để phát huy thêm sự sáng tạo của mình, để cho ra đời thêm những chiếc máy băm cỏ, băm cây giúp bà con nông dân bớt nhọc nhằn trong những vụ mùa chăn nuôi, trồng trọt.
Hoàng Liên Sơn