Chúng tôi có dịp được gặp Trung tướng Lê Nam Phong tại nhà riêng của ông trên đường Thống Nhất (quận Thủ Đức) vào giữa tháng 3 - khi cái nắng hè Sài Gòn đang gay gắt. Ông kể cho chúng tôi nghe về những kỉ niệm hào hùng mà ông không thể nào quên trong chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ năm xưa mà ông và các đồng đội đã cùng sát cánh...
Trung tướng Lê Nam Phong nhớ lại những kỉ niệm sâu sắc tại chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. |
Nhắc về những kỉ niệm trong cuộc chiến đấu tại Điện Biên Phủ, ông Nam Phong nhận định: “Chiến tranh ở Điện Biên Phủ rất ác liệt với hàng chục ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non… để rồi chúng tôi cùng đồng đội chiếm được đồi Độc Lập, đánh chiếm toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu”.
Ký ức của người cựu chiến binh già vẫn còn in đậm những ngày tháng khổ cực ấy. Ông kể: “Tháng 4 tại Điện Biên mưa nhiều, lũ lớn nên dưới hầm hào, công sự bùn đất bê bết từ đầu đến chân nhưng không tìm đâu ra nước mà tắm gội. Ban ngày chúng tôi phải ẩn nấp trong các hầm công sự tránh sự phản kích của địch, ban đêm thì đào hào giao thông. Việc ăn uống cũng rất kham khổ, chỉ có cơm nắm với muối. Ngủ thì phải ngủ ngồi. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó, chúng tôi vẫn vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.
Rồi giọng ông lại sôi nổi hẳn khi nói về một “sáng kiến”, mà từ đó tên ông luôn được gắn liền: “Để khi đánh giáp lá cà lính Pháp và lính lê dương cao lớn không thể túm tóc của chúng tôi được, tôi vận động tất cả anh em trong đại đội cạo trọc đầu. Mọi người ủng hộ. Một hôm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi khảo sát mặt trận, chúng tôi được lệnh gặp để báo cáo công việc với Đại tướng. Thấy tôi đầu trọc, Đại tướng hỏi: “Tại sao lại để bộ đội cạo đầu trọc thế kia?". Tôi vội báo cáo: "Chúng tôi cạo trọc đầu để quyết tâm giải phóng Điện Biên…". Đại tướng rất hài lòng, từ đó ông đặt tên cho tôi là "Đại đội trưởng đầu trọc”, Trung tướng Nam Phong nhớ lại. Mãi 25 năm sau - năm 1979, khi ông làm Tư lệnh Quân đoàn I bảo vệ biên giới phía Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm. Vừa thấy ông, Đại tướng đã reo lên: "A... Đại đội trưởng "Đại đội đầu trọc" Điện Biên đây rồi!".
Trước khi bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung tướng Nam Phong đảm nhiệm chức vụ Đại đội trưởng mũi nhọn của Trung đoàn 88, Đại đoàn quân Tiên phong. “Đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ kéo pháo ra, kéo pháo vào. Trước khi kéo pháo vào để đánh Điện Biên Phủ, đơn vị được lệnh sang Thượng Lào vừa để nghi binh vừa để phá tan phòng tuyến kiên cố sông Nậm Hu - Thượng Lào, cùng đó kết hợp với Lai Châu để tiếp tục cô lập Điện Biên Phủ. Khi được lệnh phải kéo pháo ra, chúng tôi dù rất thắc mắc, tò mò nhưng là người lính, chúng tôi phải chấp hành theo quân lệnh. Sau này tôi mới biết chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã chuyển chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh” ban đầu thành “Đánh chắc, tiến chắc”. Chiến lược đầy sáng suốt đó đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng”, Trung tướng kể.
Trong chiến dịch, trước khi nhận lệnh đánh chiếm đồi Độc Lập, đơn vị của ông Nam Phong còn có nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Mường Thanh nhằm cắt đứt đường tiếp tế lương thực, súng đạn của quân địch từ Hà Nội lên. “Trong trận này, đại đội của tôi với địch luôn trong thế giằng co, bởi quân mình cứ chiếm được sân bay một ngày thì địch lại tập hợp lực lượng để phản kích chiếm lại. Đã có rất nhiều anh em hy sinh để quyết tâm giữ cho được sân bay - “cái dạ dày của quân địch”. Cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc là chiếm sân bay”.
Ngày giải phóng Điện Biên Phủ, đơn vị của ông đã cùng với Sư đoàn 312 cắm cờ trên nóc hầm De Castries. “Đó cùng là khoảnh khắc vui mừng nhất của tôi vì kể từ ngày tham gia quân đội, đây là lần đầu tiên tôi được tham gia từ đầu đến cuối một chiến dịch lớn”, Trung tướng Nam Phong cho biết.
Trung tướng Lê Nam Phong tên thật Lê Hoàng Thống, sinh ngày 19/5/1927 tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) trong một gia đình nông dân nghèo. Ông tham gia cách mạng vào năm 1944. Năm 1948, ông được biên chế vào Trung đoàn 57 đi bổ sung cho chiến dịch Việt Bắc. Đến năm 1949, ông về Sư đoàn quân Tiên phong (Sư đoàn 308 ngày nay) để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung tướng Lê Nam Phong từ Tây Bắc về tiếp quản Thủ đô. Tuy nhiên, do chiến trường Miền Nam đang diễn ra chiến tranh ác liệt vì vậy năm 1964 vị “Đại đội trưởng đầu trọc” lại lên đường vào Nam chiến đấu và tham gia khá nhiều trận đấu ác liệt với giặc Mỹ- ngụy như chiến dịch Nguyễn Huệ, phá tan cánh cửa thép Xuân Lộc, tiến tới giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước năm 1975. 12 giờ trưa ngày 30/4/1975, ông đã cùng đồng đội có mặt tại Dinh Độc Lập. “Đứng tại Dinh Độc Lập khi đó tôi có cảm giác rất vui sướng, hạnh phúc giống y như cái ngày tôi đứng trước đồi Độc Lập khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tôi rất vinh dự và tự hào khi mình được tham gia chiến đấu từ đồi Độc Lập đến Dinh Thống Nhất và đặc biệt là đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó”, Trung tướng Nam Phong tâm sự. |
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết- Đan Phương