Ký ức lính tăng

Từng là lính tăng thiết giáp trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, họa sỹ Lê Trí Dũng có mặt tại Sài Gòn những ngày đầu giải phóng. Những năm tháng trong quân ngũ đã mang lại cho anh nguồn cảm hứng đặc biệt và hàng trăm bức vẽ, minh họa của Lê Trí Dũng đều thấp thoáng bóng hình người lính.
 

Ký họa “Cuộc tháo chạy tháng 4” của họa sỹ Lê Trí Dũng.

 

Trong giới hội họa, không ai không biết Lê Trí Dũng bởi tài vẽ tranh ngựa. Trong bảy, tám năm lại đây, anh còn gây bất ngờ hơn nữa cho giới hội họa và cả giới văn chương khi liên tiếp cho ra mắt những tập tản văn “Những hòn cuội nhặt dọc đường”, mà mỗi lần ra sách, cuốn sau đều dày hơn cuốn trước. Lê Trí Dũng bảo, sẽ còn tiếp tục ra mắt những tập tản văn như thế trong thời gian tới. Quả là nể về sức viết với một họa sỹ như anh. Những tản văn hầu hết được chắp mạch từ cảm xúc người lính của “sư đoàn sinh viên” và những năm tháng là chiến sĩ tuyên huấn (phóng viên chiến trường) của Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp, cùng cây bút, máy ảnh đi khắp các mặt trận. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến không quá khi nói rằng: “Tiểu thuyết về chiến tranh thì Bảo Ninh là tác giả được Lê Trí Dũng mến mộ nhất. Còn tản văn hoặc tạp văn về chiến tranh, tôi vẫn cho rằng Lê Trí Dũng là hơn cả”. 


Họa sỹ chiến trường


“Nếu ai đã từng sống cùng với những người lính sinh viên thuở ấy thì sẽ thấy họ khác với những người lính xuất thân từ đồng ruộng. Những thanh niên ra đi từ phố phường Hà Nội, vừa dũng cảm vừa lãng mạn, đi bộ đội không chỉ vì lý tưởng mà còn muốn được phiêu du, nếm trải những cảm giác phong trần của đời lính”, Lê Trí Dũng nói.


Sư đoàn sinh viên, một sư đoàn đặc biệt được tăng cường cho mặt trận Quảng Trị đầu năm 1972 là nơi sinh viên cả nước tình nguyện bước vào cuộc thử lửa theo tiếng gọi của đất nước. Nơi tích tụ khối chất xám khổng lồ của dân tộc sẵn sàng hiến mình vì sự tồn vong của Tổ quốc. Lê Trí Dũng cũng có mặt trong đoàn quân ấy khi chỉ chưa đầy bốn tháng nữa là tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, với quân hàm binh nhì, dưới màu áo lính bộ binh Sư đoàn 3.


Khi Thành cổ bắt đầu dồn quân, đơn vị đã có tổn thất bởi B52, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp lệnh cho tất cả các thầy giáo, các tiến sĩ đi học ở nước ngoài về, sinh viên năm thứ 5 phải lùi lại phía sau, bổ sung vào các Quân binh chủng kỹ thuật. Trước đó, đã có những trận đánh và nhiều người đã hy sinh, trong đó có những thầy giáo, những tiến sĩ, những sinh viên ưu tú.

 

Họa sỹ Lê Trí Dũng ngày ở chiến trường.

 

Lê Trí Dũng được bổ sung sang Binh chủng Tăng thiết giáp, biên chế ở Tiểu đoàn 10 (tiền thân của Trường Sĩ quan tăng thiết giáp sau này), học lái xe tăng. Đây là binh chủng kỹ thuật, sử dụng vũ khí hạng nặng rất mới mẻ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đối với những sinh viên chỉ quen sách vở cặp vẽ như Lê Trí Dũng thì giai đoạn này thật vất vả và khắc nghiệt. Lăn lê bò toài, đào giao thông hào, tập lái ở Đồng Bông, Đồng Vang dưới chân núi Tam Đảo, nơi được mệnh danh là quê hương Binh chủng Tăng thiết giáp, toàn đơn vị chuẩn bị vào chiến trường.


Nhưng một việc tình cờ đã xảy ra. Khi ấy, Binh chủng thành lập đội Tuyên Văn (tuyên truyền văn hóa), Lê Trí Dũng được cử đi học đàn accordeon (lên đơn vị anh vác theo cây đàn ghi ta). Máu phiêu lãng, bản năng thích trải nghiệm sự đột biến số phận trong chiến tranh đã xui khiến anh chấp nhận. Chưa được mấy ngày, trong lúc chạy máy bay địch anh bị thương nên phải quay về đơn vị cũ. Trong lúc ngồi chờ lấy giấy tờ, Lê Trí Dũng lấy cây bút Trường Sơn ra hý hoáy vẽ trên vỏ bao thuốc lá đàn gà bộ đội tăng gia... Lúc ấy, anh “bị” phát hiện ra là họa sỹ và được giữ lại làm chiến sĩ tuyên huấn của Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp, nhận lệnh vào chiến trường từ cuối 1972 và suốt năm 1973, ở Lữ đoàn xe tăng 203. Đơn vị mà mãi 3 năm sau lịch sử mới khoác lên vai nó sứ mệnh không ngờ là húc tung cổng Dinh Độc lập, kết thúc cuộc chiến lâu dài và gian khổ.


“Khi được giao nhiệm vụ mới, tôi suy nghĩ nhiều lắm. Anh em, đồng đội đang gọi về đơn vị cũ chia lửa cùng nhau. Nhưng khi nghe anh Lưu Ngọc Ẩn phụ trách tuyên huấn bảo: Làm phóng viên chiến trường còn nguy hiểm hơn chiến sĩ. Cậu sẽ phải đối chọi với cái chết giống như một người lính chiến đấu, thậm chí còn khắc nghiệt hơn bởi thường xuyên ở trên một địa bàn rộng trong thời gian dài. Nơi nào có bộ đội xe tăng thì đều phải đến. Mà hoàn cảnh nào cũng chỉ có một mình, không thể nương tựa vào ai… Nghe xong tôi đồng ý ngay vì máu phiêu lãng trong con người nghệ sĩ trỗi dậy”, Lê Trí Dũng nói.


Thời gian sau đó, với hành trang của người lính: Một ba lô, một khẩu súng, một cây gậy, cặp vẽ và máy ảnh, Lê Trí Dũng lóc cóc cuốc bộ ra Cửa Việt, về Cam Lộ, Đông Hà (Quảng Trị), lên A Sầu - A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Hàng trăm bức vẽ về Quảng Trị đã ra đời trong thời gian này, để rồi từ những ký họa cháy khét hơi bom ấy, bức sơn mài nổi tiếng “Vượt trọng điểm” đã ra đời (hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật, vẽ tháng 6/1974, sau đó tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn quân tháng 12/1974).


Cuộc tháo chạy tháng Tư


Ngày 26/4/1975, khi Lê Trí Dũng đang chuẩn bị cho triển lãm tranh pháo ở Hà Nội thì nhận được điện thoại của đồng chí trưởng phòng tuyên huấn Lê Lộng, Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp, gọi về ngay đơn vị để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nếu kịp đi chuyến xe ngay đêm đó thì anh đã có mặt tại Sài Gòn đúng ngày 30/4 lịch sử. Nhưng vì những biến cố bất ngờ nên bị chậm lại. Lê Trí Dũng phải ghé nhờ đủ loại phương tiện giao thông dọc đường nên mấy ngày sau mới có mặt ở thành phố.


Trong cuộc hành quân lịch sử ấy, suốt một chặng đường dài từ Bắc vào Nam, càng tiến gần Sài Gòn, nghĩa là tiến gần hơn đến thắng lợi tâm trạng những người lính càng hồi hộp. Những gì mới chỉ nghe nói hoặc được biết qua sách vở về một thành phố phồn hoa sắp hiển hiện ở đây, ngay trước mắt những người lính. Nhưng sự hồi hộp nhanh chóng được thay thế bởi những cảm giác khác.


Khi Lê Trí Dũng vào đến nơi thì Sài Gòn đã giải phóng. Đập vào mắt chàng lính trẻ trong suốt đoạn đường từ Biên Hòa (Đồng Nai) cho đến khi đặt chân vào đến thành phố là cảnh ngổn ngang, dấu vết của cuộc tháo chạy, giầy dép, mũ mãng, quân trang quân dụng quân ngụy, tranh ảnh khiêu dâm bay tứ tung mà phải nhiều ngày sau người ta mới dọn dẹp được. Bức ký họa “Cuộc tháo chạy tháng 4” Lê Trí Dũng vẽ trong khoảnh khắc eo hẹp và những ký họa dở dang khác đã trở thành kỷ niệm vô giá của đời họa sỹ.


Khi vào đến nơi, anh tới Bộ Tư lệnh thiết giáp binh của ngụy ở Gò Vấp, nơi đơn vị mình đang đóng quân. Căn phòng anh ở, trên nền đá hoa còn lưu một lỗ thủng to bằng cái mũ cối, dấu vết của viên trung úy xe tăng ngụy đã dùng lựu đạn tự sát trước khi quân giải phóng vào thành phố.


“Những ngày ở Sài Gòn, nhiều người sẽ nghĩ, những người lính sẽ xúc động trước cảnh thành phố phồn hoa đô hội bậc nhất Đông Dương, những đồng hồ Seiko, những xe Honda, những máy ảnh Canon… nhưng tôi và nhiều người lại thiên về ý khác. Tôi nghĩ rất nhiều đến đồng đội mình, nửa tháng trước còn nói chuyện với nhau mà nay đã hy sinh rồi”, Lê Trí Dũng nói. Nguyễn Kim Duyệt, người nhặt nhạnh sách vở, từ điển với ước mơ hết chiến tranh trở về sẽ đi học tiếp, đã hy sinh tại căn cứ Nước Trong, Biên Hòa ngày 28/4, chỉ vài chục tiếng trước khi Sài Gòn giải phóng. Tiểu đoàn trưởng Ngô Nhỡ, người anh thân thiết từ thời Quảng Trị, người chỉ huy anh hùng cũng không còn nữa. Anh đã gục ngay trên tháp pháo xe tăng khi mở nắp nhô hẳn người lên quan sát xe địch qua làn sương mù trên cầu Rạch Chiếc, cửa ngõ Sài Gòn bởi viên đạn thù bắn thẳng vào giữa trán. Họ, những người lính tăng anh dũng hào hoa, những người để lại trong anh nhiều tình cảm, sự trân trọng, tiếc thương. “Phải chăng sự sống và cái chết rất mong manh. Để làm nên chiến công vĩ đại, thì chiến công ấy được cộng lại bởi chính những sự mong manh ấy”. Cảm giác đó được lặp lại khi anh ký họa “Nhớ nhà” ở Tổng kho Long Bình, nơi đơn vị tăng sau khi đánh chiếm Dinh Độc Lập xong thì quay ra đồn trú ở đó với chân dung một người lính tăng mơ ước được về ngay với mẹ.


Những ngày tươi đẹp đã qua


Những ngày ở Sài Gòn, anh được giao nhiệm vụ vẽ tranh, chụp ảnh hiện trường Dinh Độc Lập, nơi những chiếc tăng Binh chủng Tăng thiết giáp đã húc vào. Mục đích là khi về, phải dựng cho binh chủng ba bức sơn mài khổ lớn: Trận Làng Vây, xe tăng 555, và xe tăng vào Dinh Độc Lập. Lê Trí Dũng đã hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh chóng. Toàn bộ ảnh, những bức vẽ sau đó được đem ra Bắc nộp lại cho Ban tuyên huấn Binh chủng.


Tôi chỉ là một người bình thường mà số phận đã khoác lên mình chiếc áo lính, trao vào tay khẩu AK 47 vào khoảnh khắc mà Tổ quốc cần đến. Tất cả chúng tôi thời đó đều thế, đều thấy cái nghĩa làm người là phải thế.

Nhưng anh lần khân ở lại Sài Gòn hơn chục ngày nữa để tìm hiểu về hội họa và văn chương chế độ cũ, về nội tâm những người lính đối phương… Anh gặp danh họa Tạ Tỵ, đại tá tâm lý chiến trong quân đội, khi ông chuẩn bị đi cải tạo tại Ủy ban Quân quản. Danh họa Tạ Tỵ là bạn học thời sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với cha anh. Ông nói, khi nào bác đi học tập về thì bác cháu ta sẽ gặp nhau nói chuyện. Bốn năm sau, anh lại có duyên gặp lại ông khi vừa trở về, xem rất nhiều tranh của ông và nói với nhau nhiều điều thành thật về hội họa và cuộc đời.


Vốn là con nhà sách, mẹ anh bán sách cũ ở Hà Nội, Lê Trí Dũng lăn ra đường Nguyễn Huệ, một phố sách khổng lồ. Chỉ hai, ba ngày sau khi giải phóng, việc buôn bán khu này đã nhộn nhịp trở lại. Những đống sách cao ngất bày đầy trên vỉa hè, tràn ra giữa đường. Anh đọc ngốn ngấu rất nhiều tiểu thuyết, trong đó có sách của nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng đang nổi lúc đó.


“Thay vì đi tìm một vật nào đó làm kỷ niệm khi bước chân vào thành phố, thì tôi chỉ thấy một cảm giác lạ lùng xâm chiếm. Thành phố phồn hoa đô hội nhưng sự giả (giả tạo) nhiều quá. Giả tạo thể hiện ngay trong những biển hiệu, đồ đạc, quần áo. Giả tạo ngay trong đời sống, tình cảm của người đô thị ở Sài Gòn. Trong hội họa, “chất” hàng hóa, tranh thị trường rất nhiều. Và Hà Nội bây giờ sau gần bốn mươi năm có những mặt lặp lại như Sài Gòn ngày mới giải phóng. Đấy là một điều đáng buồn”, anh nói.


Ngay lúc đó, chàng trai trẻ tuổi đã nghĩ, những gì bộc trực nhất, đẹp đẽ nhất, ý nghĩa nhất của kiếp người đã nằm lại ở những cánh rừng phía sau, với những cô thanh niên xung phong, những người dân Quảng Bình, Quảng Trị thân thương, những người mà anh đã cùng họ nếm trải những năm tháng khó khăn. Khi nằm trên thùng xe Gaz cùng sáu chiến sĩ đặc công giữa những thùng phi trở ra Bắc anh tự nhủ: Kiếp này mình đã sống xong rồi, không còn gì mơ ước nữa. Tất cả những gì như tình đồng đội, tình người, nghĩa vụ với Tổ quốc, cái sống và cái chết cũng đã trải qua. Những gì tươi đẹp nhất đã trải qua, tất cả đã nằm lại trong thời gian trong quân ngũ, với những đồng đội rồi. Những ngày sống sau này chắc chắn chỉ là sống thêm sống nếm mà thôi.


Xuân Phong

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN