Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, từ đầu mùa mưa lũ đến nay, tỉnh Lai Châu bị thiệt hại 9 người; hơn 500 ha lúa, hoa màu, ao cá bị ngập úng, dập nát và cuốn trôi; hơn 100 công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt, trường học, trụ sở xã, trạm y tế bị hư hỏng; hàng chục điểm sụt hố cát tơ trong các khu dân cư; toàn bộ hệ thống giao thông bị sạt lở, tê liệt tạm thời... tổng thiệt hại ước gần 230 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh và thành phố Lai Châu kiểm tra, chỉ đạo xả hồ điều hòa Thủy Sơn để khắc phục hố cát tơ ngầm, bảo đảm an toàn cho hàng trăm hộ dân sinh sống sát cạnh hồ. |
UBND tỉnh cùng huyện, thành phố đã đã khẩn trương di dời hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, huy động lực lượng và máy móc trực để san gạt đất đá sạt lở để thông đường; cảnh báo nguy hiểm tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao, nghiêm cấm để người dân có các hoạt động trên sông, suối. Khắc phục kịp thời các hỗ cát tơ, đảm bảo giao thông và an toàn cho người dân. Khi có thiệt hại về người, chính quyền đã tổ chức lực lượng để tìm kiếm, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại...
Ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Với sự chủ động "4 tại chỗ", các ngành chức năng ở Lai Châu đã huy động nhân lực, vật lực tập trung khắc phục hậu quả của mưa lũ. Mưa lớn kéo dài, xảy ra lũ ống, lũ quét, nhiều điểm sạt lở đất đá, nước trên sông và suối dâng cao gây cô lập... thiệt hại đã được giảm mức thấp nhất”.
Ngay đầu mùa mưa, UBND tỉnh Lai Châu đã có công văn gửi các huyện, thành phố chủ động ứng phó trong mùa mưa, cố gắng không để thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. UBND tỉnh Lai Châu đã có các công điện khẩn cấp, công văn hỏa tốc chỉ đạo công tác xả lũ của các nhà máy thủy điện, bảo đảm an toàn cho người dân dưới hạ lưu; yêu cầu chính quyền các cấp tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, rà soát những nơi có nguy cơ sạt cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tránh tâm lý chủ quan, bị động trong ứng phó với mưa lũ.