Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì phát động Chiến dịch này những ngày qua, được các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương hưởng ứng tạo sức lan tỏa và sự chuyển biến quan trọng tới toàn thể cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Đây cũng là dịp để toàn dân, các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường - một vấn đề “nóng” mang tính toàn cầu hiện nay. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết “Làm cho thế giới sạch hơn”.
Bài 1: Vẫn còn nhiều nỗi lo
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, được cả xã hội quan tâm hơn nhiều năm trước, có hệ thống pháp luật, chế tài xử phạt rõ ràng, nhưng thực tế các vấn đề môi trường vẫn là chủ đề “nóng” trong thời gian qua. Ngay trong tháng 9/2023, thời điểm nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân hưởng ứng “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, vẫn còn nhiều hành vi vi phạm pháp luật về môi trường xảy ra trên cả nước.
Nhiều vi phạm về môi trường
Mới đây, ngày 25/9, UBND tỉnh Đắk Nông xử phạt vi phạm hành chính gần 300 triệu đồng đối với hai cá nhân về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, ông Vũ Thái An (43 tuổi, trú tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) bị xử phạt 210 triệu đồng về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Ông An là chủ trại chăn nuôi lợn gia công tại thôn 7 cùng xã. Trang trại của ông An bị nhiều hộ dân phản ánh xả thải gây ô nhiễm. Kết quả lấy mẫu, phân tích của ngành chức năng vào ngày 11/9/2023 đã xác định, nhiều thông số quan trọng trong mẫu nước thải từ trang trại của ông An vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép. Điển hình như: Coliforms vượt 44 lần, TSS vượt hơn 100 lần, COD vượt hơn 40 lần… Với hành vi vi phạm tương tự nhưng các thông số môi trường từ mẫu nước thải ở mức thấp hơn, ông Trần Xuân Nguyên (69 tuổi, trú cùng xã) bị xử phạt tổng số tiền 88 triệu đồng. Xã Nam Bình là một trong các địa phương có số lượng trang trại chăn nuôi lợn gia công lớn của tỉnh Đắk Nông. Trước đó, vào đầu tháng 9/2023, hai cá nhân tại xã này đã bị xử phạt hành chính với tổng số hơn 290 triệu đồng về hành vi tương tự.
Cũng trong những ngày đầu tháng 9/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định xử phạt trên 3 tỷ đồng đối với Công ty Cổ phần Cromit Nam Việt (địa chỉ hoạt động tại thôn Đạt Thành, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) do thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 lần đến dưới 1,5 lần trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 65.000 m3/giờ đến dưới 70.000 m3/giờ. Bên cạnh đó, công ty này còn xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống, các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; xả nước thải có chứa các thông số nguy hại tới môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần trở lên.
Theo Báo cáo Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực môi trường của Bộ Công an, giai đoạn 2016 - 2022, lực lượng công an đã phát hiện 156.328 vụ việc vi phạm của 173.010 đối tượng; trong đó: khởi tố, đề nghị khởi tố 2.129 vụ, 3.147 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 142.908 vụ, 149.459 đối tượng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 1.976 tỷ đồng. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nêu trên không chỉ làm suy giảm chất lượng môi trường, mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tính mạng và sức khỏe của con người, tạo ra những nguy cơ lớn đối với an ninh môi trường Việt Nam, ảnh hưởng đến các mục tiêu bảo đảm an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững của đất nước.
Những nguyên nhân chính
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhận định, công tác bảo vệ môi trường ở nước ta đứng trước 3 nguy cơ, thách thức chính gồm: Tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học mặc dù đã được kiểm soát song vẫn diễn biến phức tạp, một số nơi, khu vực vẫn ở mức đáng báo động. Hạ tầng cho công tác bảo vệ môi trường mặc dù đã được đầu tư, song vẫn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Khối lượng chất thải rắn, chất thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, cơ cấu thành phần phức tạp, trong khi đó, công tác quản lý còn nhiều hạn chế.
Theo Báo cáo Tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2022, định hướng giai đoạn 2022 - 2025 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%. Hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Mới có 22% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở trong cụm công nghiệp phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý. Số lượng các trạm quan trắc không khí tự động liên tục còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu quản lý trên thực tế, dẫn đến thiếu thông tin cho việc dự báo, cảnh báo. Ngoài ra, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 66%. Hơn 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Nhiều loại chất thải công nghiệp, hóa chất nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu, chưa được xử lý triệt để hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa được thực hiện trong giai đoạn vừa qua và hiện nay mới đang bắt đầu chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Tình trạng bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn. Diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu.
Bài 2: Đề cao đạo đức môi trường