Đồng thời, Sở cũng có văn bản yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh xác minh, báo cáo các thông tin phản ánh trên mạng xã hội, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân trong vụ việc gia đình có thai nhi tử vong phản ánh sự chậm trễ của nhân viên y tế.
Về vụ việc trên, Bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho biết: Ngày 13/10, sản phụ Nguyễn Thị Hải (33 tuổi, trú tại huyện Đức Trọng) nhập viện chờ sinh trong tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi đều bình thường. Qua khám theo dõi, các bác sĩ trong Khoa sản chỉ định cho sản phụ sinh thường.
Đến 3 giờ 10 phút ngày 14/10, sản phụ vỡ ối, người nhà bệnh nhân gọi kíp trực. Lúc đó, tại phòng chờ sinh có hai nữ hộ sinh nằm ngủ trên ghế gấp (trong đó có một người đã hết kíp trực) và một nữ hộ sinh đang đi vệ sinh. Chồng của sản phụ gọi hai nữ hộ sinh đang ngủ nhưng phải sau 5 - 7 phút, hai người này mới dậy và đưa sản phụ vào phòng sinh. 25 phút sau đó, sản phụ đẻ thường nhưng cháu bé đã tử vong.
Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh xác định, thai nhi đã tử vong trong quá trình chuyển dạ. Nguyên nhân nghi sau khi vỡ ối, thai nhi bị sa dây rốn bên ngôi, dây rau bị kẹp vào giữa đầu của bé và xương chậu người mẹ khiến máu từ người mẹ không truyền tới được con nên dẫn đến tử vong. Trường hợp này không thể tiên lượng được vì trên thế giới thống kê cứ 300 ca sinh đẻ mới có một ca bị sa dây rốn. Sai sót của kíp trực là chưa kịp thời trong việc đỡ đẻ cho sản phụ.
Sau sự việc trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã yêu cầu 5 người trong kíp trực làm tường trình; tổ chức đối thoại giữa người nhà sản phụ và kíp trực. Qua đó, xác định các nữ hộ sinh đã thiếu sự khẩn trương trong việc xử lý tình huống. Hiện Ban Giám đốc Bệnh viện tỉnh đã đình chỉ công tác của 3 nữ hộ sinh, trong đó có hai người thuộc kíp trực để chờ thành lập Hội đồng chuyên môn ra quyết định kỷ luật.
Bác sĩ trưởng kíp trực phải chịu trách nhiệm liên đới. Đối với một nữ hộ sinh dù đã hết ca trực nhưng vẫn bị đình chỉ công tác do vẫn mặc áo blu và nằm ngủ trên ghế trong phòng trực, người nhà bệnh nhân đến gọi nhưng không dậy vì cho rằng đã hết ca trực của mình.
Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng xác định: Quan điểm của đơn vị là sai tới đâu xử lý tới đó, không bao che, xử lý cương quyết một lần để tránh các sai phạm về sau.
Đối với thông tin cho rằng Ban Giám đốc bệnh viện chấp thuận đơn xin nghỉ việc của bác sĩ Nguyễn Công Thìn, Trưởng Khoa Sản sau sự việc trên, lãnh đạo Bệnh viện khẳng định, hai việc trên không liên quan đến nhau. Bác sĩ Nguyễn Công Thìn, 52 tuổi đã làm đơn xin nghỉ việc cách đây 2 tháng vì lý do sức khoẻ và áp lực công việc. Lãnh đạo Bệnh viện đã động viên bác sĩ Thìn ở lại nhưng không được, đã chấp thuận cho nghỉ việc từ ngày 18/10.