Lâm Đồng: Đình chỉ hai cơ sở kinh doanh bánh mỳ do liên quan đến 48 trường hợp nhập viện

Ngày 22/3, bác sĩ Bùi Văn Độ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng) cho biết, cơ quan chức năng đã yêu cầu 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mỳ trên địa bàn thành phố Đà Lạt tạm dừng hoạt động.

Chú thích ảnh
Đại diện Phòng Y tế thành phố Đà Lạt tìm hiểu thông tin vụ việc từ 1 bệnh nhân. 

Hai cơ sở đều mang tên Bánh mỳ Liên Hoa ở số 165 đường Phan Chu Trinh (Phường 9) và số 9 đường Trần Phú (Phường 3) do có liên quan đến vụ việc 48 ca nhập viện do rối loạn tiêu hóa.

Theo thông tin ban đầu, từ ngày 18/3 xuất hiện một số ca bị rối loạn tiêu hóa, triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như đau bụng, nôn mửa, sốt, đi ngoài… nhập viện chủ yếu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt (27 ca) và Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng (21 ca). Tất cả các bệnh nhân đều khai báo đã ăn bánh mỳ tại các cơ sở mang tên Bánh mỳ Liên Hoa.

Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt, phóng viên TTXVN chứng kiến có nhiều ca đang tiếp tục điều trị.

Em Nguyễn Hoàng Nhật Nam, 15 tuổi trú tại huyện Đức Trọng, nhập viện từ ngày 18/3. Em cho biết cả 3 người cùng phòng em đều là vận động viên, đi ăn tại tiệm Bánh mỳ Liên Hoa ở số 165 đường Phan Chu Trinh, thì 2 người nhập viện, 1 người tự đến phòng khám tư truyền nước.

Đáng chú ý, trường hợp anh Huỳnh Đăng Hưng, sinh năm 1995, trú tại số 3/14 đường Hai Bà Trưng, thành phố Đà Lạt. Anh cùng một số người khác mua bánh mỳ nhân trứng ốp la, pa-tê… tại tiệm bánh mỳ mang tên Liên Hoa ở khu chợ Đà Lạt ngày 20/3. Tất cả những người ăn đều có hiện tượng ngộ độc tiêu hóa và phải nhập viện hoặc đi chuyền nước giải độc. Tuy nhiên, tiệm bánh mỳ này lại không có tên trong danh sách các tiệm có liên quan đến vụ ngộ độc thức ăn mà cơ quan chức năng đã ghi lại.

Lãnh đạo Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt cho biết, Bệnh viện đã tiếp nhận các ca nhập viện từ ngày 18/3, đến ngày 22/3 còn 1 trường hợp nhập viện. Hiện có 10 ca hồi phục và xuất viện, 17 ca đang tiếp tục điều trị. Trong số những người nhập viện, nhiều khách du lịch từ địa phương khác mua bánh mỳ tại các tiệm mang tên Bánh mỳ Liên Hoa.

Theo bác sĩ Bùi Văn Độ, trên địa bàn có hơn 10 tiệm bánh mỳ mang tên Liên Hoa. Tuy nhiên chỉ có một cơ sở chính là của hộ kinh doanh Liên Hoa trên đường 3/2. Các cơ sở khác lấy bánh mỳ từ cơ sở gốc này rồi tự chế biến nhân bánh và bán cho khách hàng. Các cơ sở này đều có giấy phép kinh doanh riêng, chỉ lấy tên chứ không liên quan đến cơ sở gốc của Liên Hoa.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, đang điều tra nguyên nhân vụ việc và thống kê thêm số người đến điều trị tại các cơ sở y tế khác. Tuy nhiên, do vụ việc xảy ra vào ngày nghỉ nên đến thứ Hai (ngày 21/3), cơ quan chức năng mới kiểm tra thì mẫu thức ăn tại các cơ sở kinh doanh này không còn, khó xác định nguyên nhân vụ việc.

Chú thích ảnh
Lúc 9h45, ngày 22/3, tiệm bánh này vẫn chưa đóng cửa hoàn toàn dù đã được cơ quan chức năng yêu cầu đình chỉ hoạt động. 

Sáng 22/3, Phòng Y tế thành phố đã mời chủ của 2 cơ sở lên làm việc để lập biên bản xử lý. Vào hồi 9 giờ 43 phút ngày 22/3, sau khi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thông báo tạm đình chỉ các cơ sở trên, nhóm phóng viên vẫn chứng kiến tiệm Bánh mỳ Liên Hoa số 9 trên đường Trần Phú chưa đóng cửa hoàn toàn…

Tin, ảnh: Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Vụ tái chế dầu DO giả ở Bà Rịa-Vũng Tàu: Tạm đình chỉ công tác Bí thư và Chủ tịch xã
Vụ tái chế dầu DO giả ở Bà Rịa-Vũng Tàu: Tạm đình chỉ công tác Bí thư và Chủ tịch xã

Ngày 7/3, Huyện ủy Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) thông tin liên quan đến cơ sở nấu dầu DO giả quy mô lớn bị lực lượng Công an bắt quả tang ngày 2/3 tại thôn 5, xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN