Những chiếc tàu cá cập bến, chị em hối hả mang xe đẩy đến chở những thùng cá tươi rói vào bờ. Bên trong nhà xưởng, những lò hơi lớn bốc khói nghi ngút chờ những mẻ cá đưa vào luộc trước khi mang đi phơi. Xưởng chế biến cá khô xuất khẩu của chị Tạ Thị Hiệp, nằm ngay khu vực biển Cửa Đại, thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ nghèo.
Chị Tạ Thị Hiệp đang kiểm tra cá tươi của tàu cá vừa cập bến. |
Chị Tạ Thị Hiệp là người đầu tiên mở xưởng chế biến cá khô và cũng là xưởng quy mô nhất ở thôn Thuận An. Trước đây, chị Hiệp buôn bán nhỏ ở chợ, thu nhập cũng tạm đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Nhận thấy khu vực biển Cửa Đại có nhiều tàu cá ghé vào bán cá cho thương lái với giá rẻ, chị Hiệp đã bàn với gia đình mở xưởng chế biến cá khô tại chỗ để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào này. Chị vào Quảng Ngãi để học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm chế biến các loại cá khô đạt chất lượng. Năm 2004, chị vay 30 triệu đồng từ Hội Phụ nữ xã, rồi vay thêm người thân để mở xưởng chế biến cá khô, với 15 công nhân.
Xác định “vạn sự khởi đầu nan”, chị Hiệp không hề nao núng trước khó khăn ban đầu của công việc kinh doanh, nhất là việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Chị đã vào tận Khánh Hòa, đi “gõ cửa” nhiều công ty xuất khẩu cá khô để giới thiệu sản phẩm của mình. Nhờ chất lượng sản phẩm tốt cộng với sự bền bỉ của chị, trong 3 năm đã có 4 công ty ở Khánh Hòa nhận bao tiêu sản phẩm. Một công ty đã về thôn Thuận An khảo sát nguồn nguyên liệu, tình hình sản xuất của xưởng và hỗ trợ đầu tư thêm trang thiết bị cho xưởng của chị Hiệp để có thể thực hiện những đơn hàng lớn.
Từ một xưởng sản xuất chế biến cá khô nhỏ, chị Tạ Thị Hiệp đã mở rộng diện tích xưởng lên 3.000 m2 với dây chuyền khép kín gồm kho lạnh, nhà nước đá, khu lò hơi để luộc cá, nhà sấy cá, khu nhà đóng gói sản phẩm. Chị Hiệp cho biết: Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất chế biến 15 tấn cá để phơi khô và xuất tươi trực tiếp 30 tấn. Các loại cá chế biến ở đây gồm cá cơm, cá nục, cá trích và năm nay xưởng mở thêm chế biến mực nang.
Đầu mối cung cấp nguyên liệu cho xưởng chế biến của chị Hiệp hiện đã lên tới hàng chục tàu cá. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm thì nguồn nguyên liệu cá phải tươi. Vì vậy khi tàu cá về bến bất cứ thời điểm nào, chị em công nhân được huy động để chế biến ngay. Hiện nay, những sản phẩm cá khô đóng gói tại đây chủ yếu được xuất bán trực tiếp sang Trung Quốc; lãi ròng hàng năm đạt trên 500 triệu đồng. Xưởng tạo việc làm ổn định cho gần 100 công nhân mà hầu hết là phụ nữ tại thôn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Làm việc tại xưởng chế biến cá của chị Hiệp được 10 năm nay, chị Lê Thị Kim chia sẻ: “Chị em ở đây phần lớn có chồng, con đi biển dài ngày rất vất vả. Chị Hiệp mở xưởng chế biến đã giúp chị em có việc làm ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình”. Chị Nguyễn Thị Tân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Duy Xuyên cho biết: Mô hình phát triển kinh tế của chị Hiệp được nhiều phụ nữ trong huyện tới tìm hiểu và bắt đầu được nhân rộng ra một số xã ven biển; qua đó tạo việc làm cho hội viên phụ nữ tại địa phương.
Chị Tạ Thị Hiệp không chỉ là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên làm giàu, mà còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn nhiệt huyết. Chia sẻ với những khó khăn vất vả của phụ nữ miền biển, chị Hiệp đã vận động quyên góp tiền giúp chị em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn sửa chữa nhà ở trước mùa mưa bão. Với những nỗ lực của mình, năm 2013 chị Tạ Thị Hiệp là một trong những phụ nữ tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Bài và ảnh: Đỗ Trưởng