Bà Hoàng Thị Yến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa khẳng định: "Đây không phải là lần đầu tiên có hiện tượng ngao chết hàng loạt tại vùng nuôi ngao Hậu Lộc, Hoằng Hóa. Tuy nhiên, qua xét nghiệm đã loại trừ nguyên nhân ngao chết do dịch bệnh. Sự việc đang được lực lượng Cảnh sát môi trường và Sở Tài nguyên Môi trường Thanh Hóa khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân ngao chết ở các địa phương nói trên."
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp Thanh Hóa, từ ngày 19/12/2016, trên địa bàn 2 huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa xuất hiện tình trạng ngao ở một số vùng nuôi bị chết. Qua kiểm tra của các ngành chức năng, tại xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) có 40 ha/201ha ngao nuôi bị chết với tỷ lệ chết từ 40 - 70% lượng ngao trong bãi nuôi, số ngao giống chết 100%. Tại xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) có toàn bộ 12ha ngao chết với tỷ lệ ngao chết từ 15-40%.
Thu hoạch ngao tại Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Ngay khi nắm được thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành gồm Chi cục Thú y, Phòng Nuôi trồng thủy sản phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xuống hiện trường khảo sát, đánh giá tình hình. Chi cục Thú y Thanh Hóa lấy mẫu gửi Trung tâm chẩn đoán thú y Trung trung ương (Cục Thú y) để xét nghiệm và nhận được kết quả trả lời. Xét nghiệm cho thấy ngao nuôi không mắc các bệnh ký sinh trùng Perkinsus - là bệnh nguy hiểm có khả năng gây chết cho ngao.
Trước đó vào sáng 31/12/2016, các hộ nuôi tại xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) bắt quả tang 2 đối tượng là cặp vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ đang điều khiển tàu chở 14 thùng phuy nhựa màu xanh, với dung tích khoảng 50 lít/thùng thực hiện hành vi đổ chất thải tẩy rửa chế biến hải sản (mai mực, da mực, nước thải sau sơ chế) xuống bãi nuôi ngao. Tại thời điểm đó, 2 đối tượng đã tiến hành đổ chất thải trong 11 thùng phuy xuống bãi nuôi, 3 thùng còn lại được người dân đưa về UBND xã Hải Lộc niêm phong, đồng thời báo cáo cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xuống tìm hiểu, xử lý.
Cũng theo bà Yến, để kịp thời khắc phục và hạn chế thiệt hại do ngao chết và ổn định tình hình sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị UBND 2 huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa kịp thời tổng hợp tình hình, thống kê thiệt hại; đồng thời, tiến hành kiểm tra hệ thống nước thải của các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến thủy sản, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước trong các vùng nuôi ngao; hớng dẫn các hộ nuôi ngao thu gom, xử lý ngao chết bằng cách chôn lấp cách xa khu vực nuôi, tránh ô nhiễm sang các vùng khác.
Ngoài ra, đối với ngao nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm cần có kế hoạch thu hoạch sớm nhằm tránh thiệt hại. Những đầm ngao nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch có biện pháp di chuyển đến vùng có các yếu tố môi trường ổn định. Các bãi nuôi phải được cải tạo sạch trước khi thả giống mới. Địa phương tăng cường công tác kiểm tra yếu tố môi trường, như: độ mặn, PH, nhiệt độ... làm cơ sở dữ liệu quản lý môi trường, dịch bệnh cho các năm tiếp theo đồng thời tiếp tục tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh cho người nuôi ngao…
Năm 2016, toàn tỉnh Thanh Hóa có diện tích nuôi ngao thương phẩm 1.500 ha, tập trung ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia. Trong đó, xã Hải Lộc là địa phương có truyền thống nuôi ngao lâu đời ở Thanh Hóa với tổng diện tích 201 ha với 248 hộ nuôi.