Một trong nội dung sẽ sửa đổi tại Bộ Luật Lao động là thời gian làm thêm giờ. Tại phiên họp đầu tiên của ban soạn thảo mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: Khi lấy ý kiến đại diện các doanh nghiệp, việc quy định tổng số giờ làm thêm tối đa mỗi năm 200 giờ và 300 giờ trong những trường hợp đặc biệt theo luật hiện nay là rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…
Tuy nhiên, việc làm thêm giờ này sẽ phải thỏa thuận với người lao động và đi kèm với điều kiện tăng tiền trả làm thêm giờ. Đồng thời, nếu được đồng ý thì người sử dụng lao động có thể huy động người lao động làm thêm giờ, nhưng một ngày không quá 4 giờ và một năm có thể không quá 400 giờ.
Theo Bộ luật Lao động hiện hành, tại Điểm b, khoản 2, Điều 106 quy định số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày. Trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày; không quá 30 giờ trong một tháng và tổng số không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong một năm.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, là người chủ trì nhiều phiên hội thảo lấy ý kiến các bên về sửa luật Lao động khi còn đương chức, chia sẻ: Thực tế tại nhiều Khu công nghiệp, các doanh nghiệp thường trả trên mức lương tối thiểu vùng và để có thêm thu nhập thì người lao động phải làm thêm giờ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và da giày thường có những đơn hàng theo thời điểm nên phải tăng ca để kịp đơn hàng. Do đó việc tăng thời gian làm thêm giờ là cần thiết nhưng có những điều kiện ràng buộc đảm bảo quyền lợi người lao động.
Còn ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết: Việc làm thêm giờ trong điều kiện hiện nay là cần thiết nhưng nên ràng buộc về các điều kiện về cách tính trả tiền làm thêm giờ. Nếu làm thêm 200 giờ đều vào ngày thường thì việc chi trả hiện nay bằng 150 % lương của ngày làm việc bình thường. Nếu doanh nghiệp huy động người lao động làm thêm từ 200-300 giờ, người sử dụng phải trả bằng 200 % lương của ngày làm việc bình thường. Trường hợp tăng từ 300-400 giờ, người sử dụng lao động phải trả mức 250 % lương của ngày làm việc bình thường.