Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, trải qua 99 năm, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng xung kích, tin cậy của Đảng và Nhà nước, tiên phong đi đầu trên mặt trận tư tưởng- văn hóa, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Đặc biệt, báo chí đã khẳng định vai trò tiên phong, trở thành nhịp cầu thông tin hiệu quả và nhà báo chính là người thúc đẩy ý tưởng, đề xuất giải pháp, góp phần lan tỏa thông điệp bình đẳng giới, thay đổi nhận thức và hành vi trong cộng đồng.
Đây là lần đầu tiên, một giải báo chí cấp quốc gia về bình đẳng giới được tổ chức tại Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hoạt động truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng của phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.
Kể từ ngày chính thức phát động 01/11/2024, Giải Báo chí toàn quốc về Bình đẳng giới đã tạo ra được hiệu ứng lan tỏa tới các cơ quan báo chí, truyền thông trên toàn quốc và nhận được gần 370 tác phẩm dự thi đa dạng dưới các hình thức khác nhau từ báo in, báo điện tử đến các tác phẩm phát thanh, truyền hình xoay quanh ba chủ đề trọng tâm: Thúc đẩy phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, thúc đẩy bình đẳng giới trong chuyển đổi số và thúc đẩy bình đẳng giới trong phát triển kinh tế. Trong đó, báo điện tử và báo in chiếm số lượng cao nhất với 259 tác phẩm, tiếp đến là thể loại truyền hình với 70 tác phẩm và phát thanh với 32 tác phẩm. Hơn 60% bài dự thi tập trung vào chủ đề phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Các tác phẩm đã có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn công chúng; thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí khi khai thác các vấn đề về bình đẳng giới. Nhiều tác phẩm đã tập trung lên tiếng về những bất cập như định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới, các rào cản đối với sự tiếp cận cơ hội công bằng của phụ nữ và đề xuất những giải pháp thực tiễn, bền vững; những mô hình, sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, khơi dậy sự đồng cảm và thúc đẩy hành động tích cực từ cộng đồng.
“Chúng ta đang tiến rất gần đến thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với rất nhiều nhiệm vụ to lớn, đòi hỏi quyết tâm chính trị và nỗ lực cao hơn để hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chúng tôi mong rằng các nhà báo sẽ tiếp tục quan tâm đến khía cạnh giới trong quá trình truyền đi những thông điệp của thời đại mới, kỷ nguyên mới, để đảm bảo phụ nữ và nam giới được tham gia đầy đủ và phát huy hết tiềm năng của mình trong thực hiện 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.
Chia sẻ về nội dung tác phẩm đoạt giải A thể loại báo điện tử với chùm bài: Thúc đẩy bình đẳng giới bền vững, tác giả Nguyễn Việt Đức – Ban biên tập tin Trong nước, Thông tấn xã Việt Nam cho biết: Những năm qua, Việt Nam đã rất tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện Tuyên bố chung và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh cũng như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt, đối xử, chống lại phụ nữ; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, chặng đường thúc đẩy bình đẳng giới toàn diện và bền vững ở Việt Nam còn không ít trở ngại. Đó chính là lý do Nhà báo Nguyễn Việt Đức thực hiện loạt bài trên.
Tại Lễ trao giải, Ban Tổ chức đã vinh danh các tác phẩm xuất sắc ở 4 thể loại (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) với cơ cấu giải thưởng cho mỗi thể loại gồm: 1 giải A, 1 giải B, 2 giải C và 2 giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao 3 giải tập thể cho các cơ quan, đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi chất lượng là Báo Phụ nữ Việt Nam, Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh và Báo Nghệ An.