Mỗi gia đình tiêu biểu sẽ trở thành những gia đình gương mẫu, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng và xã hội, góp phần đưa phong trào xây dựng gia đình công nhân viên chức - lao động Thủ đô tiêu biểu ngày càng phát triển.
Gia đình - nền tảng phát triển xã hội
Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 49 - CT/TƯ của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, ông Đặng Anh Hiếu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Để xây dựng được một gia đình văn hóa, trước hết, chúng ta phải thiết lập và duy trì sự hiểu biết, tôn trọng nhau giữa vợ và chồng. Trong một gia đình, nếu cha và mẹ hiểu nhau và tôn trọng lẫn nhau, con cái sẽ học được cách cư xử tốt, kết quả là những đứa trẻ lớn lên sẽ thực hành những hành vi tương tự trong cộng đồng xung quanh. Thói quen giao tiếp tích cực giữa cha mẹ và con cái là điều cần thiết.
Theo ông Đặng Anh Hiếu, mỗi chúng ta ai cũng đều có ưu và nhược điểm, vì vậy, cần động viên và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt khi nói đến điểm yếu, sai sót của nhau. Việc nói chuyện từ tốn, lịch sự tạo không khí tôn trọng giữa các thành viên trong gia đình, khuyến khích giao tiếp cởi mở, bày tỏ lòng yêu thương gần gũi với nhau nhiều hơn. Một điều đặc biệt quan trọng là các thành viên trong gia đình cần cùng nhau chia sẻ việc nhà. Không nên phân tách các công việc khác nhau, thay vào đó vợ chồng cùng làm việc và chia sẻ gánh nặng, cho dù đó là bất kể việc gì.
“Năm 2015, vợ tôi phải phẫu thuật u não, năm 2016 lại mổ ung thư tuyến giáp, phải nghỉ ở nhà. Tôi đã có một giai đoạn dài quen với việc mỗi sáng dậy sớm từ 5 giờ để chuẩn bị cơm nước cho cả nhà trước khi đến trường. Tối muộn đi làm về, vừa tranh thủ làm thuốc cho vợ, vừa tranh thủ dạy con học. Hiện nay, bố tôi cũng tuổi cao sức yếu, bị bệnh nặng phải nằm một chỗ, nhưng tôi và các thành viên trong gia đình vẫn sắp xếp công việc, thời gian hợp lý để thay nhau chăm sóc, động viên ông kịp thời. Có lẽ, chính nhờ sự yêu thương, chăm sóc tận tình không quản ngại khó khăn vất vả đó mà cho đến nay, vợ tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh trở lại, tham gia công tác ở trường bình thường, bố tôi tuy sức khỏe yếu nhưng tinh thần vẫn lạc quan, mãn nguyện với hạnh phúc của con cháu" - ông Đặng Anh Hiếu cho biết.
Có thể thấy, bên cạnh niềm vui, sự sẻ chia, cuộc sống gia đình còn tồn tại không ít khó khăn và thử thách. Do đó, nếu không có sự tin tưởng, kiên trì và hỗ trợ lẫn nhau sẽ rất khó để duy trì hạnh phúc. Theo anh Trần Quang Tuấn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Terumo Việt Nam, chia sẻ công việc nhà là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả gia đình, không phải sự giúp đỡ giữa người này đối với người kia.
Không chỉ vậy, để cân bằng cuộc sống, đòi hỏi mỗi người cần nỗ lực nhiều hơn, sắp xếp hài hòa thời gian dành cho công việc và gia đình. “Ở công ty, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn ở nhà cùng chồng san sẻ mọi việc và chăm lo nuôi dạy con cái. Cảm nhận về một gia đình hoà thuận, con cái ngoan ngoãn, chịu khó học tập và rèn luyện, tôi thấy đó là điều hạnh phúc" - chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, công tác tại Công ty cổ phần sản xuất xuất nhập khẩu bao bì bày tỏ.
Cần nhân rộng những tấm gương gia đình tiêu biểu
Với sự quan tâm chăm lo thiết thực của tổ chức công đoàn và sự nỗ lực phấn đấu của mỗi gia đình, trong đội ngũ công nhân viên chức - lao động Thủ đô mỗi năm lại xuất hiện nhiều hơn những gia đình tiêu biểu.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, năm 2020, hoạt động biểu dương gia đình công nhân viên chức - lao động Thủ đô tiêu biểu đã được tổ chức công đoàn các cấp đưa vào chương trình công tác và được cụ thể hóa, triển khai tới tận cơ sở nhằm biểu dương, tôn vinh các gia đình đạt thành tích cao trong lao động, sản xuất, công tác, nuôi dạy con ngoan, học giỏi.
Tính đến nay, có 2.437 công đoàn cơ sở tổ chức biểu dương, khen thưởng 18.072 gia đình tiêu biểu; có 1.464 gia đình được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở biểu dương, khen thưởng với tổng số tiền thưởng gần 800 triệu đồng. Điển hình là 100 gia đình tiêu biểu được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội biểu dương nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.
Ở những gia đình này, mỗi thành viên đều bình đẳng, tiến bộ và không ngừng phấn đấu, vượt lên khó khăn để hoàn thiện mình, góp phần xây dựng gia đình, cộng đồng, xã hội. Ngoài trách nhiệm với công việc của cơ quan và đơn vị, các thành viên trong gia đình luôn hoàn thành tốt chức năng, bổn phận của mình. Đó là người con hiếu thảo, người chồng, người vợ biết sẻ chia, cùng nhau gánh vác công việc gia đình; là người cha, người mẹ mẫu mực. Để gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, vai trò của người cha - "trụ cột” gia đình cũng ngày càng quan trọng với những hành động yêu thương, chia sẻ, động viên và giúp đỡ chị em hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Ghi nhận, biểu dương những thành tích mà các cấp công đoàn Thủ đô đã đạt được trong 15 năm qua về công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, góp phần quan trọng trong mục tiêu xây dựng gia đình "no ấm, tiến bộ, hạnh phúc", Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cũng đánh giá cao những mô hình sáng tạo và hiệu quả của thành phố Hà Nội trong xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số gia đình Việt Nam nói chung hay Hà Nội nói riêng còn nhiều vấn đề bất cập. Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, chung sống không kết hôn, xung đột và bất đồng quan điểm thế hệ… vẫn tồn tại và để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với gia đình và xã hội.
Thời gian tới, để khắc phục những hạn chế, nguy cơ này, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn Thủ đô tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức - lao động về vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, Ngày Gia đình Việt Nam, phòng chống bạo hành gia đình.
Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân viên chức - lao động; tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến cán bộ, người lao động, nhất là lao động nữ và trẻ em; đa dạng hóa việc tuyên truyền, chú trọng thi đua khen thưởng kịp thời để khuyến khích, nhân rộng các mô hình gia đình phát triển bền vững như gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, gia đình hiếu học…
Để mỗi gia đình công nhân viên chức - lao động thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, phát triển bền vững, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai đề nghị các cấp công đoàn tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, phát huy vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền và sự vào cuộc hiệu quả của các cơ quan, đoàn thể. Đặc biệt, cần đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân viên chức lao động, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định để họ yên tâm công tác và chăm lo cho gia đình.