Sau hơn 2 năm triển khai, chương trình đã tạo được sức lan tỏa lớn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người về vai trò, tầm quan trọng của việc trồng cây, cải thiện môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bắt đầu từ những hành động nhỏ
Ngày 30/6, tại xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú), Ban Thường vụ Đoàn Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh, huyện Thạnh Phú tổ chức chương trình phát động trồng cây “Vì một Bến Tre xanh”. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Đề án trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Tại chương trình, các học sinh trên địa bàn huyện đã được hướng dẫn lợi ích việc phân loại rác trong bảo vệ môi trường sống; được “Đổi rác nhựa lấy cây xanh, học phẩm”. Em Nguyễn Thị Nhã Hân (lớp 3/1 Trường Tiểu học Thạnh Hải) chia sẻ, em và các bạn trong lớp đã thu gom sách, vỏ lon, nhựa… để mang đến đổi cây xanh. Đây là chương trình ý nghĩa bởi vì từ những vỏ lon, nhựa đã qua sử dụng có thể đổi được những chậu cây xinh xắn, những quyển tập trắng tinh. Chương trình giúp chúng em hiểu và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên. “Bảo vệ môi trường có nghĩa là bảo vệ cuộc sống của chúng ta”.
Dịp này, lãnh đạo các đơn vị Ngân hàng và đoàn viên, thanh niên còn ra quân thực hiện công trình “Tuyến đường cây xanh” dài khoảng 1 km trên địa bàn ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải. Ông Lê Công Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bến Tre cho hay, trồng cây, trồng rừng là việc làm quan trọng trong chủ động phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Ngành Ngân hàng tỉnh đã phát động phong trào “Mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng đóng góp một cây xanh” hướng đến mục tiêu xây dựng “Bến Tre xanh”. Qua triển khai, ngành Ngân hàng tỉnh đã trồng cây xanh tạo mỹ quan, bóng mát tại Khu Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển, Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu và hơn 500 cây xanh tại các tuyến đường liên xã thuộc huyện Giồng Trôm, huyện biển Thạnh Phú.
“Vì một Bến Tre xanh”
Ban Thường vụ Đoàn khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre tổ chức chương trình “Đổi rác nhựa lấy cây xanh, học phẩm” tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.
Bí thư Đoàn khối các Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Thiện cho biết, với tinh thần xung kích, tuổi trẻ Đoàn khối luôn xác định phải trở thành một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác truyền thông và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn mỹ quan, môi trường sống xanh - sạch - đẹp, phấn đấu đưa tỉnh đạt mục tiêu xây dựng “Bến Tre xanh”.
Để làm được điều này, tuổi trẻ Đoàn khối Bến Tre đã tập trung tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng những lợi ích của cây xanh về sinh thái, cảnh quan và môi trường, giúp điều hòa khí hậu, bảo vệ con người khỏi các ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ thiên nhiên, đồng thời mang lại nhiều giá trị kinh tế - xã hội khác. Bên cạnh đó, nhiều phong trào thiết thực đã được thực hiện trong các đơn vị như: “Các tuyến đường hoa” tạo mỹ quan cho khu dân cư nông thôn; “Xanh - Sạch - Đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động", “Ngày Thứ bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, mô hình “Cơ quan xanh - sạch - năng động”, “Thư viện xanh”, phong trào thi đua “Mỗi phòng làm việc có cây xanh, mỗi bàn làm việc có cây xanh”… Qua đó, không gian làm việc được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu suất công việc. Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, tuổi trẻ Đoàn khối tỉnh Bến Tre đã trồng mới hơn 10 nghìn cây xanh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, phong trào trồng cây tại tỉnh không những trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội, tăng cường khả năng phòng hộ, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường sống, góp phần nâng cao chất lượng vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, lãnh đạo tỉnh xác định, song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, Bến Tre chú trọng công tác bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, xây dựng không gian sống lành mạnh, thân thiện; quan tâm sâu sắc đến chăm sóc, bảo vệ, trồng cây xanh, trồng rừng, góp phần giữ vững môi trường sinh thái, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày càng phức tạp.
Trong hai năm 2021 - 2022, các ngành, địa phương và nhân dân đã trồng hơn 1,76 triệu cây xanh các loại; trồng mới rừng hơn 440 nghìn cây, chăm sóc gần 100 ha rừng trồng, bảo vệ trên 4.480 ha rừng… Từ sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của các ngành, cấp và người dân, địa phương đã tăng dần tỷ lệ che phủ rừng qua từng năm và hiện đạt 1,83%. Ngoài ra, nhiều tuyến đường, cơ quan, trường học, công viên, khu đô thị, khu công nghiệp… đã được phủ xanh.
Năm 2023, tỉnh có kế hoạch trồng trên 1,42 triệu cây xanh các loại. Để thực hiện mục tiêu này, ông Nguyễn Minh Cảnh kêu gọi cả hệ thống chính trị, nhân dân hăng hái tham gia trồng cây, gây rừng, trồng cây ăn quả, trồng cây chắn gió, bảo vệ đê sông, đê biển, chống xói mòn đất, chống ngập mặn; trồng cây phòng hộ, rừng sản xuất… phù hợp với điều kiện từng địa phương. Đồng thời, các đơn vị cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép và phòng, chống cháy rừng; tổ chức trồng cây một cách thiết thực, bảo đảm chất lượng, chọn giống cây trồng phù hợp với quy hoạch, nguồn nước, đất đai, thổ nhưỡng từng địa phương… và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây trồng theo phương châm “người người trồng cây, trồng cây nào, tốt cây đó”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đề nghị, các ngành, cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng. Các cơ quan, đơn vị kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê các vị trí đủ điều kiện trồng cây xanh để khẩn trương thực hiện gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa bàn quản lý; tăng cường công tác quản lý, chăm sóc bảo vệ cây sau khi trồng, bảo đảm tỷ lệ cây trồng sống cao, phát triển tốt; đồng thời, giao trách nhiệm rõ ràng đến từng xã, tổ nhân dân tự quản và người dân.