Làng Phù Yên (xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) lâu nay được xem là “đại bản doanh” cung cấp các kiểu nhà cổ trong khắp cả nước khi mỗi năm các nghệ nhân ở đây xây và dựng hàng trăm, hàng nghìn ngôi nhà cổ cho khắp trong Nam ngoài Bắc…."Thợ" làm nhà cổDẫn chúng tôi đi tham quan xưởng làm nhà cổ của mình, ông Nguyễn Chí Điền (65 tuổi), một đầu mối làm nhà cổ khá nổi tiếng tại làng Phù Yên cho biết, mốt xây nhà cổ bắt đầu rộ lên khoảng hơn chục năm trở lại đây. Mỗi ngôi nhà cổ tính theo giá thành hiện nay, rẻ thì vài trăm triệu, đắt thì lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng tùy theo kích thước ngôi nhà và loại gỗ dùng để dựng nhà. Giá thành của ngôi nhà cao hay thấp còn tùy theo mức độ tinh xảo của những chi tiết được chạm, khắc trên mái, cột nhà như rồng, phượng,… mô phỏng kiểu cách nhà của những đại quan, địa chủ giàu có thời xưa.
Nhà giả cổ có giá thành cao không chỉ bởi các loại gỗ tốt mà còn do lượng công sức mà các nghệ nhân làm nhà cổ bỏ vào đó thông qua việc đục đẽo, chạm khảm những hoa văn, họa tiết rất cầu kỳ. |
Ông Nguyễn Chí Quân (56 tuổi), một nghệ nhân nhiều kinh nghiệm làm nhà cổ tại Phù Yên cho biết, thú "săn" nhà cổ đang trở thành mốt của các đại gia nhiều tiền khắp cả nước. Kiểu nhà càng cổ, họa tiết chạm khắc càng cầu kỳ, tinh xảo, độc đáo bao nhiêu lại càng được săn lùng bấy nhiêu vì không đụng hàng và thể hiện đẳng cấp nên dù đắt đến đâu thì cũng không thiếu khách đặt làm. "Trước đây, thợ trong làng chủ yếu đi các nơi ăn, ngủ tại công trình để làm nhà cổ cho khách nhưng khoảng chục năm trở lại đây, nhiều gia đình trong làng bắt đầu nhận trọn gói việc dựng các ngôi nhà cổ tại xưởng. Sau khi đục đẽo, chạm khắc xong sẽ vận chuyển đến nơi và lắp đặt", ông Quân cho biết thêm.
Hiện nay các loại gỗ được các “đại gia” ưa chuộng để dựng nhà cổ thường là đinh, lim, sến, táu, mít, xoan,... với giá thành những ngôi nhà từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Ông Nguyễn Chí Quân cho biết, xưởng của ông vừa mới dựng xong một ngôi nhà cổ bằng gỗ mít trị giá hơn 5 tỷ đồng cho một “đại gia” ở Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội).
Dân dã nhất vẫn là gỗ xoan và một vài loại gỗ tạp khác. Dù nói là dân dã nhưng để có thể sở hữu một căn nhà cổ làm bằng gỗ xoan 3 gian hiện nay, khách phải bỏ ra số tiền ít nhất cũng từ 300 - 500 triệu đồng với thời gian thi công khoảng 2 tháng.
Không chỉ ở Phù Yên (xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) mới có nghề làm nhà cổ mà tại một số tỉnh thành khác như Nam Định, Hòa Bình, Nghệ An cũng có những xưởng nhận làm nhà cổ. Tuy nhiên, theo so sánh và đánh giá của nhiều người thì những ngôi nhà cổ do thợ làng Phù Yên làm hoa văn trang trí thường đẹp hơn, dáng nhà cao ráo, thoáng đãng so với thợ ở các nơi khác dựng. Chính vì lý do này nên khách hàng từ khắp nơi, thậm chí từ trong Nam cũng lặn lội tìm đến Phù Yên để đặt làm nhà cổ.
Mốt thời thượng?Lý giải cho xu hướng dựng nhà cổ của các “đại gia”, một số người cho rằng việc xây và ở trong những ngôi nhà cổ của những người giàu có là do khi đã quá no đủ về vật chất, họ sẽ tìm những cách để hướng về cội nguồn dân tộc, gần gũi với lối sống của cha ông xưa.
Theo nhiều người lý giải thì việc xây và ở trong những ngôi nhà cổ không chỉ là cách thể hiện “đẳng cấp” mà còn là để hướng về cội nguồn dân tộc, gần gũi với lối sống của cha ông thời xưa. |
Ngoài ra, theo ông Đào Văn Đức (Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội), người vừa dựng xong một ngôi nhà cổ bằng gỗ mít trị giá hơn 3 tỷ đồng thì việc bỏ tiền ra xây và ở trong những ngôi nhà cổ như vậy không chỉ mang tính chất thể hiện “đẳng cấp” của mình mà căn bản là khi ở trong những ngôi nhà cổ như vậy sẽ khiến cho con người lúc nào cũng có cảm giác yên tĩnh, thoải mái.
Bên cạnh đó, theo lý giải của ông Đức, do những ngôi nhà cổ được làm bằng những nguyên, vật liệu lấy từ thiên nhiên là chính, lại được thiết kế khá đặc biệt nên thường ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, phù hợp với những người có lối sống muốn hòa mình vào thiên nhiên.
Cùng chung quan điểm này, anh Nguyễn Văn Tiến (xã Hòa Bình, Thường Tín, Hà Nội), người đặt làm một căn nhà cổ bằng gỗ xoan trị giá gần 500 triệu đồng cho biết không phải chỉ có lắm tiền nhiều của mới bỏ tiền ra xây những ngôi nhà cổ để ở mà những người bình thường nhưng thích lối sống hướng về quê hương, sống trong không khí ấm cúng, thân thuộc của tổ tiên, ông bà cũng có thể bỏ tiền ra xây. “Nếu xét về số tiền bỏ ra xây một căn nhà Nam (nhà cổ) để ở so với một căn nhà Tây (nhà tầng) thì hơn kém nhau không đáng là bao, nên mình thích ở trong nhà cổ thoáng đãng hơn là ở trong những ngôi nhà tầng tù túng, ngột ngạt”, anh Tiến lý giải.
Ông Nguyễn Xuân Vần - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, “Trong vài năm trở lại đây, việc nhiều người thích làm những ngôi nhà cổ để ở đã tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân tại địa phương. Giá trị của mỗi căn nhà cổ làm ra thường lớn nên đem lại thu nhập, hiệu quả kinh tế rất cao”.
H.V