Sản phẩm bánh tráng không chỉ được người dân các địa phương trong vùng ưa chuộng mà nhiều khách hàng là kiều bào đã lựa chọn để mua làm quà cho người thân và bạn bè. Mỗi độ Tết đến Xuân về, người dân làng nghề lại tất bật bên các bếp lò. Đơn hàng tăng gấp 2 - 3 so với ngày thường, không khí sản xuất ở làng nghề hối hả hơn để kịp mang những sản phẩm chất lượng cung cấp cho khách hàng.
Đổi mới nghề truyền thống
Làng nghề bánh tráng Cù lao Mây hình thành cách đây hơn 100 năm và được xem là một trong những đặc sản làng nghề của tỉnh Vĩnh Long với hương vị đặc trưng từ bột gạo. Dù vẫn giữ kỹ thuật sản xuất thủ công truyền thống, nhờ sự cần cù, sáng tạo, người dân nơi đây đã có nhiều cải tiến để nâng cao tính đa dạng, chất lượng sản phẩm, giúp thương hiệu bánh tráng Cù lao Mây ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.
Theo các hộ dân làng nghề, bánh tráng Cù lao Mây được khách hàng ưa chuộng bởi được làm thủ công và có hương vị truyền thống. Nguyên liệu chính để làm ra bánh tráng là bột nguyên chất được xay từ gạo, kết hợp hài hòa với các hương vị cơ bản cùng những nguyên liệu ở địa phương như lá dứa, dừa khô, ớt,...Chiếc bánh tráng làm ra phải qua nhiều công đoạn từ xay bột, pha bột, đến tráng bánh, đem phơi…Khâu tráng bánh và để bánh lên vỉ được xem là công đoạn khó khăn và đòi hỏi sự tỉ mỉ. Người thợ phải tráng bánh đều tay và phải canh độ lửa để tráng thật tròn, mỏng. Sau đó, khâu để bánh lên vỉ phải khéo léo, không để bánh bị rách hay bị cuốn lại.
Là người nhiều tâm huyết với nghề, bà Trần Thị Thúy Liễu - Chủ cơ sở sản xuất bánh Thúy Liễu không chỉ giữ gìn được những nét đặc trưng của nghề làm bánh tráng truyền thống mà còn chịu khó học hỏi, làm ra những loại bánh ngon và đẹp theo kịp nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, cơ sở đã sản xuất được nhiều loại bánh để cung cấp cho thị trường như: Bánh tráng lá dứa, bánh tráng nướng mè đen, bánh tráng nướng tôm khô, bánh tráng nhúng truyền thống, bánh tráng ớt, bánh tráng nem, bánh tráng ngọt sữa, bánh tráng ngọt sữa thanh long... Bên cạnh đó, bà Liễu mạnh dạn học hỏi, cải tiến các công đoạn làm bánh như dùng máy xay bột để rút ngắn thời gian, công sức.
Bà Liễu chia sẻ: “Khâu tráng bánh vẫn theo phương thức truyền thống. Muốn có bánh đẹp và ngon, độ dày mỏng vừa phải, vẫn đòi hỏi kỹ thuật của người tráng. Trong quá trình làm, mình cũng tiếp thu và áp dụng thêm máy móc vào các công đoạn như: xay bột, nạo dừa, máy hút chân không để tiết kiệm chi phí và thời gian sản xuất. Cùng với đó, khâu quảng bá, bán sản phẩm đã có nhiều cải tiến. Nhờ đó, sản phẩm đi ngày càng xa hơn trên thị trường. Bánh tráng không đơn thuần là món bánh phục vụ bữa ăn gia đình mà còn có nhiều loại dùng làm quà biếu cho bạn bè, người thân”.
Làng nghề đỏ lửa sản xuất vụ Tết
Thời điểm này, không khí sản xuất của người dân làng nghề bánh tráng Cù lao Mây rất tất bật. Các bếp lò đỏ lửa từ 3 giờ để kịp đón nắng phơi bánh. Đến thăm làng nghề những ngày này, mọi người sẽ cảm nhận được những hương vị đặt trưng với hơi nóng từ các bếp lò, hơi khói từ nồi nước nóng hừng hức và mùi thơm từ những chiếc bánh tráng được làm nên từ bột gạo nguyên chất.
Theo người dân làng nghề, năm nay, hầu hết các cơ sở đều nhận được đơn đặt hàng sớm. Cơ sở sản xuất bánh tráng Lệ Hằng, mỗi ngày bếp lò đều đỏ lửa liên tục từ 2 giờ sáng đến trưa.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, Chủ cơ sở cho biết, cứ khoảng 20/12 Âm lịch đến ngày cận Tết, đơn hàng sẽ có liên tục, do vậy, cơ sở này phải chuẩn bị các công đoạn từ nhóm bếp đến xay bột, tráng bánh cho kịp đón nắng. Để kịp cung cấp bánh cho khách, từ 2 giờ sáng, bà Hằng đã thức dậy, chuẩn bị các công đoạn để chờ đến 3 giờ sáng thì tráng bánh. Hiện tại, mỗi ngày cơ sở của bà Hằng tiêu thụ khoảng 30 kg gạo để cho ra lò hơn 800 chiếc bánh các loại. Với thương hiệu và uy tín khi tham gia vào Hợp tác xã và có các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, phần đông khách hàng đặt bánh của cơ sở để làm quà Tết, đặc biệt nhiều khách hàng là người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài trở về quê ăn Tết đã chọn mua bánh tráng để làm quà.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng chia sẻ: “Năm nay, đơn đặt hàng sớm, cơ sở cũng tranh thủ làm sớm để kịp giao cho khách. Làm bánh tráng phải chịu khó, ngồi làm liên tục để đem bánh ra phơi kịp nắng. Như bánh ngọt phơi khoảng 3 tiếng đồng hồ, bánh nhúng phơi khoảng 1 tiếng đồng hồ. Nếu phơi không đủ nắng hay gặp trời mưa, bánh tráng sẽ bị không ngon, thậm chí là hỏng”.
Tại cơ sở bánh tráng Thúy Liễu, từ đầu tháng 10 Âm lịch, không khí làm việc đã nhộn nhịp. Cứ vào mùa sản xuất cao điểm, bà Trần Thị Thúy Liễu - chủ cơ sở sẽ cho hoạt động liên tục 3 lò, thuê thêm nhân công thời vụ. Các công đoạn như: xay bột, nhóm lửa thường được bắt đầu từ lúc 1 - 2 giờ, bà thường dậy sớm để chuẩn bị. Đến 4 giờ, nhân công sẽ đến và bắt đầu tráng bánh liên tục đến 13 giờ .
Bà Trần Thị Thúy Liễu cho hay: "Mấy năm trước, phải cuối tháng 10 Âm lịch mới vào cao điểm làm bánh vụ Tết. Năm nay, khách đến đặt sớm hơn cả tháng. Lượng đơn hàng thời điểm đầu tăng gấp đôi so với ngày thường, những ngày cận Tết sẽ tăng 3-4 lần. Từ đây tới Tết, đơn hàng đi liên tục, không khí sản xuất ở làng nghề vui lắm. Nhà nào cũng tranh thủ tráng nhiều bánh để dư chút tiền ăn Tết cho phấn khởi”.
Phó Chủ tịch UBND xã Lục Sỹ Thành Nguyễn Tấn Tân cho biết, làng nghề bánh tráng truyền thống Cù lao Mây hiện có 71 hộ sản xuất, trong đó 14 hộ tham gia hợp tác xã. Những năm năm gần đây, làng nghề đã được sự quan tâm của các ngành để hỗ trợ về kiến thức, công nghệ và xây dựng thương hiệu nên đã có điều kiện để phát triển. Các sản phẩm của làng nghề đã được cải tiến từ chất lượng đến mẫu mã, có cơ hội tham gia hoạt động xúc tiến thương mại nên thị trường từng bước được mở rộng. Dịp Tết năm nay, người dân làng nghề phấn khởi hơn vì có đơn hàng sớm, sản lượng tăng. Nhờ nghề sản xuất bánh tráng dịp Tết, các gia đình có thêm lợi nhuận cao hơn, nhiều lao động, trong đó có phụ nữ lớn tuổi ở địa phương cũng có thêm thu nhập nhờ công việc tráng bánh thuê.
Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm để tạo điều kiện giúp Hợp tác xã bánh tráng Cù lao Mây nâng cao chất lượng hoạt động, kết hợp các ngành có liên quan hỗ trợ người dân làng nghề trong cải tiến quy trình sản xuất giúp giảm chi phí nhưng vẫn giữ được chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện nay, làng nghề vẫn gặp khó khăn do quy trình sản xuất phụ thuộc vào thời tiết, địa phương sẽ đề xuất các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ máy móc hoặc công nghệ sấy phù hợp để có thể đảm bảo việc sản xuất diễn ra liên tục trong năm, không gián đoạn do thời tiết mưa bão, giúp bánh tráng Cù lao Mây luôn luôn có mặt trên thị trường.