Quyết định số 06/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/1/2019 quy định tiêu chuẩn, trình tự, đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đã đánh dấu một bước tiến lớn trong việc thúc đẩy các quyền trẻ em tại địa phương. Qua 5 năm thực hiện, quyết định này đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Các địa phương ngày càng chủ động xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, thúc đẩy sự phát triển hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ em.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Quyết định 06 vẫn gặp phải một số bất cập. Các tiêu chí đánh giá chưa phù hợp với thực tế ở nhiều vùng sâu, vùng xa và khu vực khó khăn. Một số địa phương thiếu nguồn lực để duy trì và phát triển các hoạt động hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/11/2023 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong bối cảnh phát triển đất nước. Chỉ thị kêu gọi xây dựng môi trường gia đình, nhà trường và xã hội an toàn, lành mạnh, đảm bảo trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần, nhân cách và tài năng. Đặc biệt, chỉ thị yêu cầu quan tâm hơn tới trẻ em tại các địa bàn khó khăn và nhóm trẻ em yếu thế.
Đáp ứng yêu cầu này, ngày 15/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 53/QĐ-TTg về chương trình công tác năm 2024. Quyết định giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định 06, nhằm khắc phục những tồn tại và tạo động lực mới cho các địa phương trong việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh, việc chia sẻ báo cáo kết quả tham vấn ý kiến trẻ em tại hội thảo với hi vọng góp phần đưa tiếng nói trẻ em tới các cơ quan nhà nước, các tổ chức về vấn đề có liên quan trực tiếp tới môi trường sống hàng ngày của trẻ em. Thông qua đó, nghiên cứu đưa ra ý kiến nhằm bổ sung, sửa đổi dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định 06 trên cơ sở ý kiến trẻ em đã được tham vấn.
Hội thảo lần này không chỉ là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ kinh nghiệm mà còn là cơ hội để các ý kiến từ trẻ em được đưa vào các dự thảo chính sách. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã phối hợp với Cục Trẻ em, Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam thực hiện tham vấn ý kiến trẻ em tại ba thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Tham vấn được thực hiện trên 434 trẻ trong độ tuổi từ 12-16 tuổi không phân biệt giới tính và dân tộc.
Bà Vũ Thị Kim Hoa, nguyên Phó Cục Trẻ em cho biết, phần lớn các tiêu chí xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em đều được các trẻ em tham vấn đánh giá là được thực hiện tại địa phương nơi các em sống. Các em cũng đề xuất các tiêu chí cần tiếp tục được đẩy mạnh như: tạo điều kiện để trẻ em được tham gia chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng; tạo điều kiện cho trẻ được tham gia các câu lạc bộ quyền trẻ em, hội đồng trẻ em; đảm bảo nguồn lực để thực hiện quyền trẻ em.
Tại hội thảo, bà Bùi Thị Ngọc, đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh, kết quả tham vấn trẻ em là một lăng kính quan trọng để nhìn lại những điểm tích cực và những điểm cần cải thiện. Hội thảo là dịp trao đổi thêm để tìm ra các giải pháp cụ thể, từ đó đưa ra những đề xuất thiết thực tới cơ quan chức năng.
Hội thảo tham vấn về quy định xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là bước đi quan trọng trong hành trình cải thiện môi trường sống cho trẻ em tại Việt Nam. Từ việc lắng nghe ý kiến trẻ em đến sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức liên quan, hội thảo đã cho thấy quyết tâm của toàn xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và phát triển thế hệ tương lai.