Lạng Sơn, Lào Cai, Thanh Hóa triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19

Ngày 4/8, thông tin từ Sở Y tế Lạng Sơn, tính đến đầu tháng 8/2021, toàn tỉnh đã tổ chức 4 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 với tổng số hơn 73.500 liều, trong đó hơn 64.100 người đã tiêm mũi 1 và gần 10.400 người đã tiêm mũi 2.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Các đối tượng được tiêm là lực lượng tuyến đầu chống dịch; 5 huyện biên giới gồm Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng, Đình Lập; những người có nhu cầu trao đổi, hoạt động thương mại, dịch vụ với Trung Quốc; lưu học sinh Việt Nam tại địa bàn, đang và sẽ học tập ở Trung Quốc. Các loại vaccine được phân bổ chủ yếu là Pfizer, Astrazeneca, Moderna và VeroCell.

Tại các điểm tiêm vaccine, khu vực tiêm bảo đảm theo nguyên tắc 1 chiều đúng quy định của Bộ Y tế; các trang thiết bị theo dõi phản ứng sau tiêm được bố trí đầy đủ theo tiêu chuẩn. Người đến tiêm được hướng dẫn, phân luồng nhằm giữ khoảng cách, tránh tập trung đông người tại khu vực chờ tiêm.

Giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn Nguyễn Thế Toàn cho biết, công tác tiêm chủng được triển khai an toàn, chu đáo từ khâu tiếp đón, khám sàng lọc đến tiêm chủng và theo dõi sau tiêm. Những địa điểm tiêm được đảm bảo nguyên tắc 5K và các yêu cầu phòng, chống dịch. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, đồng thời tăng cường kiểm tra, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những vướng mắc trong thực hiện tiêm phòng.

Là tỉnh miền núi biên giới, Lạng Sơn có hoạt động giao thương hàng hóa sôi động qua các cửa khẩu bởi đang vào vụ thu hoạch và xuất khẩu các loại hàng nông sản ở nhiều địa phương trong cả nước. Vì vậy, khu vực biên giới cửa khẩu luôn tập trung đông người dân ở các vùng, miền (trung bình mỗi ngày có khoảng 2.500 - 3.000 người và 1.000 – 1.500 phương tiện ra, vào cửa khẩu). Do đó, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch tại cửa khẩu; tăng cường quản lý chặt chẽ các chốt ra, vào tỉnh, chốt cửa khẩu để kiểm soát chặt chẽ lái xe, người đi theo phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu vào địa bàn. Đồng thời, y tế các cấp cơ sở tiếp tục triển khai xét nghiệm sàng lọc đối với các đối tượng có nguy cơ và nguy cơ cao.

* Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lào Cai, tính từ ngày 19/7 đến 3/8/2021, tỉnh đã có thêm 24.546 người được tiêm vaccine phòng COVID-19 (mũi 1 và mũi 2), chưa ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm.

Hiện nay, Lào Cai đang triển khai 4 loại vaccine tiêm phòng COVID-19 là VeroCell, Pfizer, Moderna, Astrazeneca. Trong đó, vaccine Vero Cell (đã triển khai tiêm đợt 1 từ ngày 19/7/2021) tiêm cho 3 nhóm gồm: Người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam; người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc tại Trung Quốc và người dân khu vực biên giới. Đã có 8.496/8.500 người được tiêm vaccine này, đạt 99,95%.

Ngoài ra, 6.9/8.400 người đã tiêm vaccine Moderna (triển khai từ ngày 26/7/2021), đạt 79,6%; 2.922/3.510 người tiêm vaccine  Pfizer (triển khai từ ngày 27/7/2021) đạt 83,2%; 6.439/7.256 người tiêm vaccine AstraZeneca mũi 2 (triển khai từ 28/7/2021), đạt 88,7%.

Với mục tiêu không bỏ phí bất kỳ 1 liều vaccine nào và thực hiện nguyên tắc “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, ngành Y tế Lào Cai đã và đang thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tiêm chủng như: Quản lý đối tượng tiêm chủng, vận hành tiêm chủng, quản lý vaccine, quản lý hồ sơ tiêm và cấp hộ chiếu vaccine. Trong quá trình triển khai tiêm vaccine, 100% đối tượng đến tiêm được đo thân nhiệt, khai báo y tế, khám sàng lọc trước tiêm, khai báo về tình trạng sức khỏe, bệnh lý nền và các mũi tiêm chủng trong thời gian gần đây để cán bộ y tế đưa ra chỉ định phù hợp; được tư vấn đầy đủ về tác dụng và những phản ứng có thể xảy ra sau tiêm. Sau tiêm các đối tượng sẽ được theo dõi phản ứng tối thiểu 30 phút tại địa điểm tiêm và được nhân viên y tế hướng dẫn tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 7 ngày tiếp theo. 

Tỉnh Lào Cai đã triển khai 171 điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả rà soát thực tế của ngành y tế, 100% các điểm tiêm đã kết nối Internet, song chất lượng dịch vụ tại một số điểm tiêm không đáp ứng cho việc triển khai cài đặt và sử dụng các phần mềm phục vụ quản lý hồ sơ xét nghiệm, hồ sơ sức khỏe, quản lý tiêm chủng… trực tuyến 24/24h. 

Để khắc phục tình trạng này, ngày 3/8, Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai đã ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông rà soát hạ tầng và đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet tại các điểm tiêm trên địa bàn toàn tỉnh mà doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ; tổ chức thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm cải thiện chất lượng truy nhập Internet tại các điểm tiêm, đáp ứng cho công tác triển khai và sử dụng các ứng dụng, phần mềm nền tảng của quốc gia liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19; thực hiện tối ưu vùng phủ sóng 3G, 4G tại các khu vực có điểm tiêm.

Trước đó, từ ngày 22/4 đến hết ngày 12/6/2021, Lào Cai đã hoàn thành 3 đợt tiêm chủng vaccine COVID-19 cho 37.716 người.

* UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 3 năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong đợt này, Thanh Hóa sẽ tổ chức tiêm 62.070 liều vaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế phân bổ, tại 27 huyện, thị xã, thành phố từ ngày 4 đến 16/8 cho các đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ.

Trong đó, dự kiến sẽ tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 trong đợt I năm 2021, đồng thời tiếp tục mở rộng tiêm mũi 1 cho các nhóm đối tượng ưu tiên, đảm bảo công khai, minh bạch.

Riêng vaccine AstraZeneca nguồn do chính phủ Nhật Bản viện trợ được sử dụng ưu tiên tiêm cho người làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Thanh Hóa sẽ tổ chức tiêm đủ hai mũi vaccine cho công dân Trung Quốc đang sống, lao động, học tập trên địa bàn tỉnh theo đề xuất của Đại sứ quán Trung Quốc và chỉ đạo của Bộ Y tế về việc điều chỉnh phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 6.

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP, Thanh Hóa đã triển khai 2 đợt tiêm chủng cho khoảng trên 48.900 đối tượng. Quy trình tiêm được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối sau tiêm. Ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, để phấn đấu năm 2022 đạt mục tiêu miễn dịch toàn dân, ngành y tế đang tập trung xây dựng phương án, kịch bản, quy trình từ tiếp nhận, bảo quản, tiêm, tới xử lý những tình huống nảy sinh sau tiêm. Đặc biệt, tỉnh nâng cao năng lực y tế tuyến huyện và các bệnh viện, để tổ chức tiêm chủng cho nhân dân.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương (TTXVN)
Đồng Tháp huy động các bệnh viện tư nhân tham gia tiêm vaccine
Đồng Tháp huy động các bệnh viện tư nhân tham gia tiêm vaccine

Ngày 3/8, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có buổi làm việc các chuyên gia y tế và các bệnh viện tư nhân về việc huy động lực lượng y tế tại các bệnh viện tư nhân cùng tham gia thực hiện chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN