Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong tháng 2/2020 đã có 47.164 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tăng 59,2% so với tháng 1/2020 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 2/2020, khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Đặc biệt, chỉ 2 tuần đầu tháng 3, khi dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, trên 15% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất.
Theo báo cáo này, các doanh nghiệp thực hiện cắt giảm quy mô sản xuất tập trung vào ngành Dệt may, với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ.
Tiếp đó là các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải, với gần 500.000 lao động đang làm việc, trong đó vận tải hàng không thực hiện cắt giảm lương từ 20%-40% tùy vào từng vị trí, chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, có trên 500.000 lao động đang làm việc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn vay, lãi xuất ngân hàng và gánh nặng chi phí tiền thuê mặt bằng bắt buộc phải ngừng hoạt động nhưng hầu hết các doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động thực hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương để người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh…
“Cũng do ảnh hưởng của dịch, dẫn đến doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, cắt giảm nhân sự, nên số lượng người lao động thất nghiệp tăng cao”, đại diện Bộ LĐ-TB&XH nhận định.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra 3 kịch bản dựa trên mức tăng trưởng GDP của Việt Nam để đưa ra dự báo về lao động thất nghiệp trong tháng 3 này.
Theo đó, nếu dịch được khống chế trong tháng này, kinh tế ổn định trở lại, GPD Quý I/2020 tăng chậm hơn kịch bản từ 0,3 - 0,5%: Số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm từ 132.000 – 220.000 người.
Nếu dịch có diễn biến đi ngang như hiện nay, GDP quý này sẽ tăng chậm hơn mục tiêu đề ra khoảng 1 – 2%: Lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc là từ 440.000 – 880.000 người.
Kịch bản xấu nhất, nếu dịch bùng phát, GDP trong quý tăng chậm hơn mục tiêu đề ra từ 2 - 3%: Lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc là từ 880.000 - 1,32 triệu người.
Với các kịch bản trên thì ngay trong tháng 3 này áp lực về người lao động mất việc làm sẽ tăng ít nhất 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Ước tính các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm khoảng 75 - 85% tổng số bị ảnh hưởng theo các ước tính ở trên.