Việc ra đời một doanh nghiệp vận tải quá dễ dãi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xe khách chạy chui, mất an toàn giao thông... Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã lên phương án lập lại trật tự kinh doanh vận tải hành khách.
Lộn xộn xe khách chạy chui
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin Tức, tình trạng xe dù, bến cóc vẫn diễn ra phổ biến. Nhiều xe khách của các doanh nghiệp vận tải nhỏ đã đội lốt xe hợp đồng, xe du lịch, xe chất lượng cao... để hoạt động. Loại xe này thường không vào các bến xe đón khách mà thường chạy thẳng tuyến, vừa đi vừa bắt khách. Không khó để nhận mặt các xe khách dạng này trên các tuyến đường của Hà Nội như Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Giải Phóng, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh... Vừa ra khỏi thành phố, các tấm biển Hà Nội đi Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Lạng Sơn... đã được các xe đưa lên cửa kính để thu hút hành khách. Các hãng xe Thuận Thảo, Thảo Trang, Quý Hùng, Oanh Lý, Hoàng Long... hiện nay đều có xe hoạt động theo hình thức này.
Một xe khách bắt khách trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: CTV |
Theo các lực lượng thanh tra giao thông, các xe khách chạy chui còn ngang nhiên lập “bến cóc”, bán vé tuyến cố định trên các tuyến phố Trần Khát Chân, Trần Đại Nghĩa, Giải Phóng... Đáng lo ngại là các xe khách chạy chui thường không quan tâm đến chất lượng dịch vụ, thậm chí chỉ vì lợi nhuận kinh doanh nên nhiều xe khách cố tình vi phạm chở quá số người quy định, tùy tiện dừng, đón trả khách, phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách... gây mất trật tự an toàn giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có gần 2.700 doanh nghiệp, gần 600 hợp tác xã kinh doanh vận tải, với khoảng 103.000 xe khách và 620.000 xe tải các loại, chưa kể hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ thường hoạt động mang tính tự phát, chưa bài bản; chưa quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định: Cần phải nhanh chóng thực hiện biện pháp quản lý để khuyến khích các doanh nghiệp vận tải đầu tư tăng số đầu xe, nâng cao chất lượng thương hiệu và dịch vụ. Nếu không nâng cao được quy mô của doanh nghiệp vận tải thì sẽ rất khó quản lý.
Siết chặt điều kiện kinh doanh
Theo các chuyên gia giao thông, để lập lại trật tự trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách cần siết chặt quản lý doanh nghiệp vận tải. Mới đây, tại cuộc họp xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 91/2009/NĐ - CP quy định về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định: “Phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được phát triển bình đẳng. Không cấm doanh nghiệp nhỏ kinh doanh vì có nhiều dịch vụ vận tải hiện nay cần doanh nghiệp nhỏ chia sẻ và đảm nhận. Song, phải quy định cụ thể hơn về điều kiện thành lập doanh nghiệp vận tải để quản lý chặt, ngăn chặn tình trạng xe khách của các doanh nghiệp vận tải nhỏ chạy chui, mất an toàn”.
Theo dự thảo Nghị định này, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp vận tải hành khách sẽ theo hướng chặt chẽ hơn. Số lượng xe vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình sẽ tăng lên 150.000 xe thay vì gần 50.000 xe theo quy định hiện nay. Việc kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định phải theo quy hoạch do cơ quan có thẩm quyền quy định, việc phân hạng doanh nghiệp theo quy mô phương tiện và quy định phạm vi hoạt động theo từng hạng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết: Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 91/2009/NĐ - CP bổ sung 18 điểm liên quan đến quản lý kinh doanh vận tải ô tô, trong đó đáng chú ý là bổ sung quy định các doanh nghiệp vận tải hành khách tại các thành phố, các tỉnh đồng bằng, trung du phải có từ 10 xe trở lên, còn tại các tỉnh khác phải có từ 5 xe trở lên. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải công khai các tiêu chuẩn dịch vụ, phạm vi hoạt động... Quy định này nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp vận tải nhỏ tích tụ, sắp xếp lại quy mô, để có thể đáp ứng các quy định về quản lý tập trung, nâng cao chất lượng vận tải và dịch vụ.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải số 2 (Hà Nội) Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Hiện nay, việc ra đời một doanh nghiệp vận tải quá dễ dãi. Việc người người làm vận tải đang tạo ra một thị trường hỗn loạn, quản lý cực kỳ khó khăn. Do đó, việc quy định cụ thể số lượng doanh nghiệp vận tải ở mỗi địa phương, số lượng xe của mỗi loại hình doanh nghiệp vân tải là điều cần thiết hiện nay.
Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Khuất Việt Hùng nhấn mạh: Nghị định mới cần tập trung vào quản lý doanh nghiệp vận tải quy mô nhỏ, vì lâu nay, chúng ta mới đặt vấn đề quản lý lái xe, mà bỏ qua trách nhiệm của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp vận tải ô tô khách bắt buộc phải xây dựng quy trình chất lượng dịch vụ và đăng ký, để Sở GTVT các địa phương thanh tra, thẩm định, nếu đủ điều kiện mới cấp giấy phép kinh doanh. Thực tế hiện nay các doanh nghiệp vận tải lớn quản lý phương tiện hiệu quả thông qua thiết bị giám sát hành trình, không chỉ giúp quản lý lái xe, mà thật sự những chuyến xe của các doanh nghiệp này bao giờ cũng an toàn hơn các nhà xe nhỏ lẻ, xe dù.
Tiến Hiếu