Theo ông Quách Văn Tây, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Sóc Trăng, nhằm kiểm soát dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, ngành nông nghiệp tỉnh đã lập thêm 2 chốt kiểm dịch tạm thời trên tuyến đường Nam Sông Hậu và Quản lộ Phụng Hiệp, cùng với 4 chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 1 để kiểm soát các phương tiện chở lợn vận chuyển 24/24 giờ đi qua tỉnh.
Chi cục Chăn nuôi Thú y cũng chủ động phối hợp liên ngành kiểm tra, kiểm soát vận chuyển sản phẩm thịt lợn ra vào tỉnh, tại các điểm giết mổ kiểm tra nguồn gốc lợn nhập và theo dõi tình hình dịch bệnh đầy đủ; đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, các chính sách hỗ trợ tiêu hủy bắt buộc theo quy định.
Hiện Sóc Trăng có đàn lợn trên 265.000 con, được nuôi tập trung ở hơn 80 trang trại chăn nuôi, còn lại nuôi hình thức nhỏ lẻ tại hộ gia đình. Do địa bàn phức tạp, sông nước, hệ thống đường bộ vận chuyển lưu thông nhiều nên việc quản lý, phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh có phần khó khăn.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh; tập trung một số biện pháp trọng tâm, như: thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, tiêu độc sát trùng tại các trang trại chăn nuôi và cơ sở giết mổ; kiểm tra hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Đồng thời, tỉnh kiểm soát chặt chẽ tại các trang trại nuôi tập trung ở các huyện: Châu Thành, Kế Sách, Thạnh Trị và Mỹ Tú. Chi cục Thống kê, Chi cục Chăn nuôi Thú y phối hợp điều tra, thống kê cụ thể số lượng chăn nuôi cũng như kiểm tra nghiêm ngặt tại các cơ sở giết mổ số lượng nhập lợn vào địa bàn.
* Tại Điện Biên, địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh ghi nhận phát hiện dịch tả lợn châu Phi sau khi 4 mẫu xét nghiệm tại một số hộ dân chăn nuôi ở hai bản Bon A, Lóng Luông của xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo đều cho kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi (ASF). Để ứng phó, dập dịch, chính quyền huyện Tuần Giáo đang tích cực khẩn trương triển khai nhiều biện pháp.
Ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết, ngay khi có kết quả xét nghiệm, chính quyền huyện Tuần Giáo đã triển khai khoanh vùng khu vực có lợn chết và phun tiêu độc khử trùng dập dịch; Tuyên truyền cho người dân nếu thấy lợn chết thì không được mua bán, vận chuyển mà phải lập tức tiêu hủy, không tổ chức giết mổ và tiêu thụ dưới bất kỳ hình thức nào.
Tại xã Rạng Đông, địa bàn có 4 mẫu xét nghiệm dương tính với ASF, cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy 8 con lợn chết, ốm bất thường. Ngoài ra, cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương đã khoanh vùng các khu vực chăn nuôi, thiết lập 2 chốt chặn cấp xã lưu thông sang đường Quốc lộ 6 tại Dung Dình và lưu thông sang xã Pú Nhung (huyện Điện Biên Đông), đi quốc lộ 279. Tại các chốt chặn này, các phương tiện lưu thông ra vào đều phải thực hiện phun phòng tiêu độc khử trùng và đặc biệt nghiêm cấm các hành vi vận chuyển thịt lợn, lợn giống ra vào địa bàn dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, ngay sau khi xảy ghi nhận dịch xuất hiện trên địa bàn, chính quyền huện Tuần Giáo đã báo cáo với UBND tỉnh Điện Biên; trong ngày 6/3, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế phối hợp với huyện Tuần Giáo đã đi kiểm tra và chỉ đạo các xã trên địa bàn tổ chức tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng chống, dập dịch, tránh để lây lan. Đồng thời tiến hành lấy 7 mẫu phẩm trên những con lợn ốm, chết tại các xã Mùn Chung và Ta Ma (huyện Tuần Giáo) để chuyển về Cục Thú y trung ương xét nghiệm.
Chiều 6/3, huyện Tuần Giáo đã tổ chức họp khẩn bàn một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch. Ngoài nội dung cần thống kê toàn bộ đàn lợn trên địa bàn, báo cáo ngay những đàn lợn có hiện tượng chết, ốm và phải tiến hành tiêu hủy theo đúng quy trình, tuyệt đối không được giết mổ, thả rông theo phong tục, tập quán chăn nuôi. Nội dung cuộc họp cũng yêu cầu các địa phương phải thành lập ngay Ban chỉ đạo của xã và đội phản ứng nhanh để nếu có lợn chết, ốm phải tổ chức tiêu hủy.
Chính quyền huyện Tuần Giáo cho biết, toàn huyện hiện có hơn 64.000 con lợn. Tuy nhiên, số lợn chết do nghi mắc dịch tả lợn Châu Phi, địa phương vẫn chưa thống kê được con số cụ thể. Khi nào có số liệu cụ thể, UBND huyện sẽ báo cáo về UBND tỉnh Điện Biên.
Ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, khó khăn trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn là do phong tục tập quán của người dân vẫn giữ thói quen nuôi thả rông. Do vậy cần nâng cao nhận thức, tuyên truyền tới người dân phải nuôi nhốt đàn lợn vào chuồng trại chăn nuôi. Chính quyền địa phương đã có văn bản văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc này. Đối với vấn đề hỗ trợ lợn chết cho người dân, chính quyền huyện Tuần Giáo cũng sẽ thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật, kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách dự phòng của huyện.
* Tại tỉnh Hải Dương, đến 17 giờ chiều 7/3 đã có 5 xã có ổ dịch tả lợn châu Phi; trong đó, huyện Kinh Môn có 3 xã là Hiến Thành, Minh Hòa, Hiệp Sơn. Huyện Tứ Kỳ có 2 xã là Đại Đồng và Đại Hợp. Các cơ quan chức năng cũng đã tiêu hủy 253 con lợn; trong đó có 233 con lợn thịt và 20 con lợn nái.
Ngay sau khi phát hiện virus tả lợn châu Phi, Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp với các địa phương tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị bệnh. Cơ quan chuyên môn cũng hướng dẫn địa phương sử dụng hóa chất sát khuẩn cao như rắc vôi bột, phun dung dịch khử trùng Hansulap để tiêu độc khử trùng tại ổ dịch và khu vực xung quanh.
Tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu các địa phương có dịch tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc cảm nhiễm với bệnh dịch tả lợn châu Phi và các sản phẩm của chúng ra, vào vùng dịch. Các cơ quan chức năng tiến hành công bố dịch, bao vây ổ dịch, lập các trạm, chốt kiểm dịch ở các trục đường giao thông chính ra vào địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu, lãnh đạo các địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả các sản phẩm từ lợn đã qua chế biến chín (thịt muối, hun khói, xúc xích,…) trên địa bàn quản lý; tập trung kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, giám sát phát hiện sớm lợn ốm, chết bất thường không rõ nguyên nhân hoặc có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Các cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường tuyên truyền về bệnh dịch tả lợn châu Phi; người dân không mua bán lợn và các sản phẩm từ lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y. Chi cục Thú y tỉnh phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật bám sát địa phương, tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn trên địa bàn tỉnh…
* Ngày 7/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã thị sát tình hình, cũng như kiểm tra việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại các địa bàn quan trọng và chợ đầu mối trong tỉnh.
Tại chốt kiểm dịch động vật trên quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Phong Thu, huyện Phong Điền trung bình mỗi ngày có khoảng 15-20 chuyến xe chở lợn ở phía Bắc đi qua chốt kiểm dịch, tất cả xe chở lợn đều được dừng kiểm tra và phun thuốc khử trùng theo quy trình. Chủ tịch Phan Ngọc Thọ yêu cầu các lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch cần có quy trình xử lý thật chặt chẽ để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát, gây ảnh hưởng đến phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh nhà.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lực lượng thú y, cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông tăng cường giám sát, xử lý nghiêm và kịp thời các phương tiện cố tình không chấp hành việc kiểm dịch.
Kiểm tra lò mổ gia súc tại chợ đầu mối Phú Hậu (thành phố Huế) - một trong những điểm giết mổ gia súc lớn nhất, thực hiện giết mổ khoảng 800 con lợn/ngày để cung ứng cho người tiêu dùng - Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị đội ngũ cán bộ thú y cần thường xuyên kiểm tra, giám sát,thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ, đảm bảo gia súc đưa vào cơ sở an toàn dịch bệnh; kiểm tra chặt chẽ và ghi chép đầy đủ thông tin gia súc trước khi đưa vào cơ sở; nghiêm cấm việc nhập gia súc từ tỉnh khác vào cơ sở giết mổ mà không có hồ sơ thủ tục theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa phát hiện dịch bệnh nhưng không vì thế mà việc phòng chống dịch không được chủ quan, lơ là. Các ngành chức năng cần tăng cường quản lý kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành định kỳ... Thường xuyên thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các dấu hiệu nhận biết lợn nghi mắc bệnh; người chăn nuôi chỉ mua lợn giống từ các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng; sử dụng sản phẩm từ lợn đã được kiểm soát của thú y.
Trước đó, để chủ động phòng lây lan dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh.
Tỉnh yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các thủ trưởng các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; lấy mẫu gửi xét nghiệm và tổ chức tiêu hủy theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y. Hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, hoặc hóa chất; vệ sinh và khử trùng phương tiện vận chuyển, con người ra vào cơ sở chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật chăn nuôi và vệ sinh phòng dịch.
UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên về phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ cao, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới; tăng cường chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ nước ngoài vào Việt Nam.
Các địa phương tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh (huyện A Lưới); không cho nhập lợn và sản phẩm lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào địa phương...